Chết có phải trả lại tài sản tham nhũng?

Thời sựThứ Hai, 16/03/2015 11:30:00 +07:00

Chẳng may bị cáo, bị can trong các vụ án tham nhũng chết trước khi có phán quyết của tòa thì việc thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) sẽ thực hiện như thế nào?

Chẳng may bị cáo, bị can trong các vụ án tham nhũng chết trước khi có phán quyết của tòa thì việc thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) sẽ thực hiện như thế nào?

Theo các chuyên gia ngành tư pháp, thực tiễn hiện nay cho thấy hầu hết những trường hợp này đều đình chỉ vụ án và mọi chuyện xem như dừng lại đó, kể cả việc thu hồi TSTN. Vì vậy các chuyên gia cho  rằng cần có quy định rõ ràng để buộc những trường hợp người có hành vi tham nhũng chết rồi nhưng tài tham nhũng vẫn phải trả lại.

‘Chết là hết chuyện’

Theo báo cáo nghiên cứu về thu hồi tài sản tham nhũng của Ban Nội chính trung ương, Điều 107 và 164 của BLTTHS quy định một trong những trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự hoặc nếu đã khởi tố rồi thì đình chỉ vụ án nếu người phạm tội chết.

“Từ những quy định này, trong thực tiễn truy cứu trách nhiệm hình sự, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, khi người thực hiện hành vi tham nhũng chết thì vụ án được đình chỉ và không tiến hành điều tra, xác định rõ tài sản tham nhũng bao nhiêu, đang ở đâu, ai được hưởng để thu hồi” bà Vũ Thu Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp ban Nội chính trung ương cho biết.

Bà Hạnh cũng cho biết, pháp luật hiện nay chưa quy định về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm yêu cầu, trình tự, thủ tục điều tra xác minh tài sản của người phạm tội tham nhũng đã chết cho nên trong thực tiễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhũng trường hợp này thường “người phạm tội chết là hết chuyện”. Tuy nhiên theo bà Hạnh,  trong BLDS đã có quy định về việc “thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại” nhưng thực tế chưa có ai khởi kiện dân sự để nhằm thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo lí giải của nguyên Thứ trưởng bộ Tư pháp Phạm Qúy Tỵ, sở dĩ chưa có ai khởi kiện dân sự để thu hồi TSTN là vì theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi tham nhũng gắn liền với tội phạm. Vì vậy khi phát hiện có hành vi tham nhũng (từ hai triệu đồng trở lên) là phải xử lí hình sự, trong đó có xiệc xử lí TSTN. Vì vậy không thể khởi kiện dân sự để đòi tài sản tham nhũng.

Người thừa kế phải thực hiện việc bồi thường đối với TSTN

Tuy nhiên, nguyên Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương cho rằng nói về pháp lí chúng ta đầy đủ hết. BLDS có quy định về chủ sở hữu ra sao, bảo vệ quyền chủ sở hữu như thế nào, chiếm dụng bất hợp pháp thì phải trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp… BLTTDS cũng có quy định những trường hợp này vẫn có thể khởi kiện dân sự đòi lại tài sản do người tham nhũng chiếm đoạt.

 “Tuy nhiên, cái vướng hiện nay là chưa có cơ quan nhà nước nào đứng ra khởi kiện đòi thân nhân của bị can, bị cáo chết đi trả lại tài sản tham nhũng. Cứ chết là đình chỉ thì ai khởi kiện, tôi đố ai ra khởi kiện vì đình chỉ mất rồi. Tòa án cũng không ai đứng ra khởi kiện. Chưa ai có tội nếu chưa có bản án của tòa án nhưng vụ án đình chỉ mất rồi thì ai ra khởi kiện nữa” ông Phương nhấn mạnh.

Vì vậy theo ông Phương, cần phải xem xét những trường hợp này không xử lí hình sự được nhưng phải làm như thế nào để khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản, bồi thường thiệt hại.

Bà Hạnh cũng đề nghị những trường hợp này chỉ đình về mặt chỉ trách nhiệm hình sự còn trách nhiệm dân sự phải tiếp tục xác định đầy đủ, cụ thể, phải làm rõ người thực hiện hành vi tham nhũng chết có để lại di sản nào không để buộc người thừa kế phải thực hiện việc bồi thường trong giới hạn di sản của người chết để lại.

TS. Tỵ cũng đồng tình đối với những trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự sau đó bị can, bị cáo chết thì cơ quan tố tụng đã đình chỉ vụ án hình sự thì cơ quan, tổ chức có quyền khảo kiện dân sự để đòi lại tài sản mà người phạm tội tham nhũng đã chiếm đoạt.

Nghĩa là đối với những trường hợp bị can, bị cáo trong các vụ án tham nhũng chết thì cơ quan tố tụng đình chỉ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, còn tài sản tham nhũng vẫn phải tiếp tục chứng minh xử lí.

“Nếu chứng minh được tài sản của người phạm tội do tham nhũng mà có thì phải thu hồi, nếu người phạm tội có trách nhiệm bồi thường thì người thừa kế tài sản của người đã chết phải có trách nhiệm bồi thường trong giới hạn di sản của người chết để lại”, ông Tỵ nói.
 
TS Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án TANDTC: Công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về là tham nhũng thời gian

Cái quan trọng bây giờ không phải trừng trị mà cái gì phạm tội gây ra cần phải bù đắp, trả lại cho xã hội, trả lại cho nguyên chủ sở hữu của nó. Đó là vấn đề. Vì vậy TSTN phải hiểu theo nghĩa rộng.

Theo quan điểm của tôi, TSTN là những gì anh lấy về, anh hưởng lợi qua nó là tài sản liên quan đến tham nhũng. Tài sản liên quan đến tham nhũng như tài sản tham nhũng chức vụ quyền hạn. Ví dụ đầu tư, đấu thầu, anh lợi dụng chức vụ quyền hạn, anh tham nhũng chức vụ quyền hạn để dành cho người thân của anh. Hay như tham nhũng thời gian, cán bộ công chức mà chúng ta thường nói 30% cắp ô đi về đó chính là tham nhũng thời gian. Chúng ta phải có biện pháp để không chỉ thu hồi những cái lấy lại được mà cả những cái hình thành sở hữu của anh nhưng cái gốc hình thành tài sản này, anh không chứng minh được.

Nguồn: Thu Hằng (Pháp luật TP.HCM)
Bình luận
vtcnews.vn