Chênh lệch giá mua - bán lớn, doanh nghiệp kinh doanh vàng đang bội thu?

Tài chínhThứ Bảy, 01/08/2020 06:57:22 +07:00
(VTC News) -

Chênh lệch giá mua - bán vàng trong nước có thời điểm lên tới 1,5 triệu đồng/lượng, điều này liệu có giúp các doanh nghiệp bắt thời cơ kiếm lời?

Giá vàng trong nước chốt phiên giao dịch ngày 31/7 ở mức khá cao: 58 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức: 56,500 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,5triệu đồng/lượng (bán ra), chênh lệch giá mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,68 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58 triệu đồng/lượng (bán ra), chênh lệch 1,32 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá mua - bán lớn, doanh nghiệp kinh doanh vàng đang bội thu? - 1

Chênh lệch giá mua - bán vàng trong nước nhiều ngày qua cao kỷ lục.

 

Có thể thấy, những ngày qua, khi giá vàng liên tục “leo thang” thì thị trường tái diễn cảnh mỗi nơi mỗi giá, Đặc biệt, giá giao dich được các doanh nghiệp điều chỉnh liên tục, với mức chênh lệch hai chiều cũng được nới rộng. Có những thời điểm, chênh lệch giá mua - bán vàng lên tới 1,5 triệu đồng/lượng.

Theo nhận định của giới phân tích thị trường, với mức chênh lệch này, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn đều có doanh thu "khổng lồ", lên tới hàng chục nghìn, thậm chí có thời điểm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Điều này đã từng xảy ra ở những năm trước. Chẳng hạn năm 2011, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) từng ghi nhận doanh thu lên tới 111.000 tỷ đồng. Năm 2012, doanh thu từ bán vàng của doanh nghiệp này là trên 72.000 tỷ.

Cơn sốt vàng giai đoạn 2009 – 2011 cũng mang lại doanh thu thuần cho Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng trưởng từ 10.000 tỷ lên 13.752 tỷ (năm 2010) và 17.964 tỷ đồng (năm 2011).

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, doanh thu của SJC đã giảm rất mạnh. Năm 2013, doanh thu của SJC chỉ còn 28.000 tỷ đồng và tạo đáy ở mức 16.000 tỷ trong năm 2014.

Còn doanh thu của PNJ cũng giảm mạnh chỉ còn hơn 7.603 tỷ đồng trong năm 2013.

Bước sang năm 2019, doanh thu của SJC đạt ngưỡng 2 con số khi mức tăng lên đến 11%, tương đương khoảng 23.100 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD), mức cao nhất 6 năm. Tại thời điểm đó, giá vàng SJC kết thúc năm 2019 ở mức giá khoảng 42,2 - 42,7 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 6 triệu đồng so với thời điểm đầu năm.

Đến cuối năm 2019, doanh thu của PNJ cũng quay trở lại mức 17.000 tỷ đồng song vẫn chưa vượt, thậm chí chưa bằng con số đạt được tại thời điểm "hoàng kim" của ngành vàng.

Doanh thu "khổng lồ" song biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này lại rất thấp. Đơn cử như SJC, biên lợi nhuận trong năm 2019 chỉ khoảng 0,3%.

So với SJC, biên lợi nhuận của DOJI dưới 0,2%. Do vậy, với 90.000 tỷ đồng doanh thu, DOJI cũng chỉ có mức lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng.

Trong khi đó, PNJ có tỷ suất sinh lợi cao hơn nhiều. Theo đó, với 17.000 tỷ doanh thu năm 2019, PNJ đạt gần 3.500 tỷ đồng lãi gộp và gần 1.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tuy vậy, với tác động của COVID-19 thì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ bị ảnh hưởng đáng kể. Trong quý II/2020, doanh thu của PNJ chỉ giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 81%, từ 169 tỷ xuống 32 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, PNJ công bố doanh thu là 7.745,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 439,9 tỷ đồng, lần lượt đi ngang và giảm 26% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn