Chạy trường năm 'heo vàng', giá thổi đến đâu?

Giáo dụcThứ Tư, 29/05/2013 01:38:00 +07:00

Tháng 7, các trường tiểu học đầu cấp ở Hà Nội mới nhận hồ sơ tuyển sinh tuy nhiên thời điểm này dư luận đồn thổi các “suất trái tuyến” đã được “an bài”

Tháng 7, các trường tiểu học đầu cấp ở Hà Nội mới nhận hồ sơ tuyển sinh tuy nhiên thời điểm này dư luận đồn thổi các “suất trái tuyến” đã được “an bài”, thậm chí là được chốt từ trước Tết.




Tâm sự của người trong cuộc

Năm 2012, anh T. có con trai vào lớp 1. Mong muốn cho con học trường điểm, gần cơ quan của bố để tiện đón đưa, vợ chồng anh chị đã mất nhiều ngày để tìm hiểu và bàn bạc kĩ lưỡng.
chạy trường, tuyển sinh, lớp 1, nghìn đô
 Học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng năm học 2012.
Học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng năm học 2012.  
Anh T. cho biết: “Một số người khuyên “chạy” qua suất của lãnh đạo các quận có giá chỉ vài chục triệu. Nhưng cái khó là phải có quan hệ rộng lại đi qua nhiều cửa. Hơn thế, mình biết nhiều cháu khi xin được vào trường điểm cô thường ít quan tâm. Xin được cho con theo hướng đó không ổn”.

Anh mách nước: “Nhắm được một trường điểm trên địa bàn quận Đống Đa, anh chị quyết định tìm gặp một giáo viên “có quen biết” và “nhờ cô giúp đỡ với tổng chi phí là 1.500 USD”.

Năm nay, anh tiếp tục được gợi ý “chạy giáo viên cho con” với giá 10 triệu đồng.

 
Nhắm được một trường điểm trên địa bàn quận Đống Đa, anh chị quyết định tìm gặp một giáo viên “có quen biết” và “nhờ cô giúp đỡ với tổng chi phí là 1.500 USD
Một phụ huynh chia sẻ
 
“Ở lớp cháu đang học, khá nhiều trường hợp xin học theo hình thức như vậy” – anh thông tin. “Cứ đến ngày 8/3, dịp Quốc khánh, kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết thậm chí sinh nhật cô, phụ huynh không ai bảo ai lại đến chúc mừng. Người ít thì 300.000 đồng, 500.000 đồng, nhiều thì tiền triệu hay thay bằng những món quà giá trị tương đương”.


Nhà anh chị T. còn một con gái chuẩn bị vào lớp 1 nhưng lăn tăn chưa chọn trường cho con vì giá cả năm nay đắt, kinh tế gia đình khó khăn nên phải cân nhắc. Có hộ khẩu ở một quận trung tâm có trường điểm, vợ chồng anh chị T. thường xuyên bị các “cò chạy trường” săn đón.

Anh cho hay: “Những người này nói mình cứ đăng ký vào trường điểm này. Nếu quyết định không học, khi rút hồ sơ họ sẽ bám sát để chuyển ngay một hồ sơ khác vào thế chỗ. Chỉ cần còn suất hợp lệ, họ sẽ có cách cho các cháu đã được bố mẹ mua suất vào trường”

Không dễ để “chạy”

Với việc năm nay độ tuổi “heo vàng” vào lớp 1 tăng đột biến nên ở một số quận huyện nội thành Hà Nội “độ nóng” về tuyển sinh đã được cảnh báo. Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn USD để được vào trường điểm mong muốn nhưng bất thành bởi không còn “cửa”.

Chị H. dự đinh cho con đăng ký vào một trường tiểu học điểm ở quận Ba Đình và sẵn sàng dốc “hầu bao” 3.000 USD nhưng không biết “tiếp cận” từ đâu.

Bản thân chị chia sẻ: “Vì gia đình mong muốn cháu được học trường tốt nên cũng đi thăm dò các kênh để xem có “suất” nào hay không. Dư luận thì nói nhiều những thực tế khi làm việc với trường đều nhận được lời giải thích là chưa đến thời điểm tuyển sinh”

Qua điều tra ở một số quận huyện có trưởng điểm cho thấy, việc nhận học sinh trái tuyến năm nay sẽ được kiểm tra rất nghiêm ngặt. Chị Th, Hiệu trưởng của một trường tiểu học ở quận Đống Đa tâm sự: “Nếu như mọi năm, Hiệu trưởng tự chịu trách nhiệm với cấp trên trong việc xét tuyển trái tuyến thì năm nay quy trình này được giao cho Phòng GD-ĐT.

Sau khi Phòng GD-ĐT lập danh sách học sinh trái tuyến (dựa trên báo cáo của nhà trường) thì phải trình UBND quận/huyện. Chỉ khi UBND có ý kiến thì lúc đó trường mới được tiếp nhận.”

Trước thông tin dư luận cho rằng, để vào trường điểm có thể mất vài nghìn USD chị Th, phân tích: Chắc chắn không có một trường “mạo hiểm” để làm việc này. Đây chỉ là thông tin từ phía xã hội, chưa có một kiểm chứng cụ thể. Nếu trường nào đó có tiêu cực ở khâu tuyển sinh chắc chắn sẽ bị cấp trên xử lý.

Trưởng phòng GD-ĐT một quận trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Mọi năm, một số trường hợp phụ huynh dựa vào người nhà thường trú trên địa bàn để xin cho con học theo diện tạm trú. Năm nay do số lượng đông, chúng tôi cương quyết những trường điểm không nhận những trường hợp này trừ các cháu mồ côi cha/mẹ hoặc thực sự khó khăn”.

Là một cán bộ trong ngành lâu năm, thầy L.T.H chia sẻ thêm: Cần phải tìm hiểu kỹ về vấn đề chạy trường bởi nó có tác động rất lớn đến dự luận xã hội khi mà thông tin không chính xác. Việc đồn thổi chạy trường nọ, trường kia có thể xuất phát từ những động cơ cá nhân của ai đó.

Nhà trường chỉ là nạn nhân?

Chẳng hạn như, một số người quen biết với giáo viên nhờ xin giúp đỡ con cháu mình vào trường học. Vì là giáo viên của trường nên Ban giám hiệu cũng xem xét để giải quyết.

Tuy nhiên, khi được nhà trường phê duyệt thì những người này biến “suất ngoại giao” thành những "cuộc mua bán". Như vậy, bản thân giáo viên và Ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ là “nạn nhân” mà thôi.

Để chấn chỉnh hiện tượng này, năm nay lãnh đạo các phòng GD-ĐT đã có những thông điệp hết sức rõ ràng đối với các trường tiểu học ở địa bàn. Theo đó, sẽ không chủ quan  ấn định chỉ tiêu trái tuyến trước mà thực hiện theo nguyên tắc tuyển đủ học sinh đúng tuyển và nếu trường còn có khả năng tiếp nhận mới tính đến việc tiếp nhận trái tuyến.

Việc tiếp nhận trái tuyến sẽ được xem xét kỹ lưỡng, thậm chí có trường tiểu học công bố chỉ tạo điều kiện cho con giáo viên của trường vào học, không xét đến cháu, người quen của giáo viên.

Với quy trình chặt chẽ như vậy, cô P.T - hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Ba Đình cảnh báo: “Hiện tượng “cò” chạy trường trong những năm qua xuất hiện khá nhiều. Chính vì thế, phụ huynh phải hết sức cảnh giác, tránh việc tiền mất nhưng con không được vào trường mình mong muốn.”

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội năm học 2013-2014, quy mô học sinh cấp tiểu học tại Hà Nội tăng đột biến với khoảng hơn 125.000 học sinh, nhiều hơn 11.000 học sinh so với năm học trước. Số trẻ mầm non tăng 5.000, số học sinh vào lớp 6 tăng gần 4.000 học sinh.


Theo Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn