'Chảy máu' tài nguyên khoáng sản: Chẳng lẽ bó tay?

Thời sựThứ Tư, 08/01/2014 02:44:00 +07:00

Đó là câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản ngày càng ồ ạt, khó kiểm soát hiện nay.

Trước tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản ngày càng ồ ạt hiện nay, trong cuộc họp với Bộ Tài nguyên - Môi trường chiều 7/1, Thủ tướng đã đặt câu hỏi "chả nhẽ mình bó tay"?

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, TP phải có trách nhiệm với đất nước, trách nhiệm với con cháu trong quản lý tài nguyên và khai thác khoáng sản.


“Thanh tra vừa qua xác định có một số nơi cấp giấy phép khai thác khoáng sản không đúng luật, không đúng quy định nhưng vẫn cấp. Rồi cả chuyện khai thác trái phép chở đi bán bằng xe vận tải to, làm hỏng đường sá. Bộ TN-MT có nhận xét một số địa phương nặng khai thác cho phát triển kinh tế. Tôi đề nghị các đồng chí phải có trách nhiệm với đất nước, có trách nhiệm với con cháu chúng ta, không thể làm tùy tiện như thế được” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Nguyễn Khánh 
Chẳng lẽ bó tay?


"Bây giờ phương thức khai thác chưa hiệu quả thì cứ để đó, con cháu chúng ta sau này thông minh hơn sẽ khai thác. Đã là khoáng sản thì phải khai thác cho hiệu quả để phát triển bền vững đất nước"
Dẫn chứng tình trạng khai thác cát khiến người dân kêu rất nhiều, Thủ tướng khẳng định việc cho phép khai thác cát ồ ạt diễn ra trên khá nhiều tuyến sông. Khai thác mạnh tới mức làm sạt lở bờ sông, sạt lở nhà dân. “Tỉnh này cấp phép vùng giáp ranh để cho đơn vị được cấp phép sáng khai thác bên đây, tối khai thác bên kia, chẳng lẽ mình bó tay?

Luật pháp có, nghị định có rồi tại sao chấp hành không nghiêm? Tôi nghĩ chỉ cần thống nhất cao thì quản lý được hết... Không làm được là hệ thống hành chính có khuyết điểm với dân, khuyết điểm với đất nước. Vì thế Bộ TN-MT phải coi đây là việc cần chỉ đạo hiệu quả trong năm 2014” - Thủ tướng nhấn mạnh.


Theo Thủ tướng, mục tiêu trong khai thác tài nguyên, khoáng sản dứt khoát phải theo hướng hiệu quả, bền vững. “Tôi cũng đã có chỉ thị yêu cầu chấp hành nghiêm pháp luật trong khai thác khoáng sản, đình chỉ ngay khai thác gây ô nhiễm môi trường, đình chỉ ngay khai thác trái phép, không được xuất khẩu khoáng sản thô.

Đã chấn chỉnh một bước nhưng vẫn còn sai sót. Tôi yêu cầu Bộ TN-MT, UBND các tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ theo hướng khai thác hiệu quả, bền vững. Khai thác mà để gây ô nhiễm môi trường, đường sá hỏng hết, sông ô nhiễm hết thì làm sao mà cứ chấp nhận được” - Thủ tướng khẳng định.


“Tôi thấy còn lúng túng”

Về lĩnh vực đất đai, Thủ tướng dẫn chuyện: “Có lần đồng chí Đỗ Mười gọi tôi đến hỏi: bây giờ khó khăn của đồng chí là cái gì? Tôi nói khó khăn thì nhiều, nhưng có lẽ là đất đai, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, tôi thấy còn lúng túng, còn khó khăn”.

Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng các chính sách về đất đai cần phải tính tới cả yếu tố chính trị, xã hội và công bằng xã hội: “Cứ thu hồi đất dù có đền bù nhưng nếu người bị thu hồi không có nghề thì vẫn loay hoay rồi tiền cũng tiêu hết. Trách nhiệm này là Chính phủ, Bộ TN-MT tham mưu làm sao cụ thể hóa luật, cụ thể hóa nghị quyết của trung ương để khai thác tốt tiềm năng, tiềm lực cho phát triển đất nước, để tái cơ cấu nền kinh tế, gắn liền với đó là các vấn đề xã hội, vấn đề công ăn việc làm, tiến bộ xã hội đến giảm nghèo, giảm khiếu kiện...

Tới đây mấy nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013 phải làm sao hài hòa lợi ích, người dân được thế nào, Nhà nước được như thế nào trong đất đai. Câu trả lời phải từ tổng kết thực tiễn. Cái gì phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với chính sách chung của Nhà nước thì phải hoàn thiện. Nếu nghị định đưa ra sát thì nhân dân đồng tình ủng hộ, như vậy là giảm khiếu kiện”.


Đánh giá nguyên nhân chủ quan về những tồn tại, hạn chế của ngành TN-MT, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang thẳng thắn cho rằng chính sách pháp luật về quản lý TN-MT còn đang trong quá trình hoàn thiện, vẫn còn những điểm chồng chéo và chưa theo kịp quá trình phát triển của thực tiễn. Đáng lưu ý, theo ông Quang, vẫn còn một số địa phương quá chú trọng tăng trưởng kinh tế, hiệu quả trước mắt, dẫn đến khai thác, sử dụng tài nguyên quá mức, thiếu bền vững và để lại hệ lụy ô nhiễm về môi trường.

“Tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản dù từng bước được hạn chế, nhưng qua kiểm tra trong khoảng thời gian một năm rưỡi từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2012 các địa phương đã cấp gần 1.000 giấy phép hoạt động khoáng sản. Công tác quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản của một số địa phương vẫn còn nhiều sai phạm” - ông Quang nêu.

Xuân Long
Nhiều doanh nghiệp phất lên nhờ đất

Có lần tôi nói có lẽ doanh nghiệp VN mà nhiều đại gia phất lên chắc cũng nhờ đất là chính. Thử nhìn lại xem có bao nhiêu doanh nghiệp từ công trình sáng tạo của mình mà vượt trội lên, thu nhập tăng lên, giàu có lên, nhưng nhìn lại chắc hầu hết là từ đất. Vì vậy, việc quản lý đất đai phải đảm bảo hài hòa. Chúng ta khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân, tư liệu sản xuất đặc biệt, như vậy phải hài hòa nguồn lực đất đai để phát triển đất nước, trong đó Nhà nước có lợi, nhà đầu tư có lợi, người đang sử dụng đất cũng có lợi.
Đề nghị phê bình hai tỉnh Hải Dương và Bình Phước

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình UBND tỉnh Hải Dương và Bình Phước vì chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo yêu cầu của Quốc hội, đồng thời yêu cầu hai tỉnh này tập trung cao độ để chỉ đạo hoàn thành trong năm 2014.

Theo ông Quang, cả nước đã cấp được gần 41 triệu giấy chứng nhận, đạt 94% tổng diện tích các loại đất cần cấp và 96% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp giấy. Cả nước đã có 61 tỉnh, TP hoàn thành cơ bản việc cấp giấy (Hải Dương và Bình Phước mới đạt tỉ lệ cấp giấy dưới 85%).

» Hoạt động nổi bật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Nhật
» Thủ tướng trả lời chất vấn những vấn đề nóng
» Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn trong 55 phút


Theo TTO
Bình luận
vtcnews.vn