Cháy lớn ở khu đô thị Xa La: Có thể khởi tố vụ án hình sự?

Thời sựThứ Tư, 14/10/2015 05:45:00 +07:00

Cháy lớn tại khu đô thị Xa La gây thiệt hại nhiều về tài sản. Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân cháy lớn tại khu đô thị Xa La.

(VTC News) – Cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án hình sự nếu nguyên nhân vụ cháy là do chủ đầu tư vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Có thể khởi tố nếu là lỗi của chủ đầu tư

Ngày 13/10, đại diện chủ đầu tư tòa nhà CT4A, khu đô thị Xa La, Hà Đông cho biết, phía đơn vị này sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho những người dân có phương tiện bị ảnh hưởng trong vụ cháy lớn tại khu đô thị Xa La vào tối 11/10 vừa qua. Bên cạnh đó, những hộ bị hư hỏng đồ đạc cũng sẽ được hỗ trợ với mức tối đa.

Tuy nhiên, tới nay nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa được làm rõ. Chính vì vậy, việc ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực sự trong vụ cháy này vẫn chưa được xác định.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla, Hà Nội.

Ông Hòe cho biết, trong vụ việc này, chắc chắn những tài sản bị thiệt hại trong vụ cháy lớn tại khu đô thị Xa La phải được bồi thường.

Cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án hình sự nếu nguyên nhân vụ cháy là do chủ đầu tư vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, về đối tượng phải bồi thường thì cần phải chờ kết luận từ phía cơ quan chức năng về nguyên nhân vụ cháy.

Liên quan đến khả năng Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ hỏa hoạn này hay không, Luật sư Hòe cho rằng, nếu nguyên nhân gây cháy chập điện kỹ thuật là do những nguyên nhân khách quan không có sự tác động của con người như quá tải điện, chập điện, do côn trùng cắn phá… gây ra cháy thì không thể khởi tố vụ án hình sự.

Tuy nhiên, trong trường hợp xác định được lỗi là do chủ đầu tư. Cụ thể, phía chủ đầu tư vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy như: lắp đặt, sử dụng, vận hành hệ thống tải điện, dây dẫn điện không đủ tiêu chuẩn, kém chất lượng, không bảo dưỡng theo định kỳ, tự ý câu mắc, thay đổi vị trí, sửa chữa đường dây tải điện, thiết bị an toàn điện, để các chất dễ cháy nổ gần nguồn điện… dẫn đến gây cháy hộp kỹ thuật điện tầng hầm thì cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án đối với hành vi “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 240 Bộ luật hình sự.

Theo Điều 240 Bộ luật hình sự, người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến 5 năm.

“Sau khi có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nếu xác định được có lỗi cố ý không chấp hành các các quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiệm trọng tới sức khỏe, tài sản của người khác thì đây sẽ là căn cứ để khởi tố hình sự vụ việc trên,” ông Hòe cho hay.

Cơ sở nào để xác định mức bồi thường


Cũng theo Luật sư Hòe, khi xác nhận được trách nhiệm lỗi của chủ đầu tư trong sai phạm thường thì việc bồi thường thiệt hại liên quan tới tài sản của người dân sinh sống ở đây thuộc về chủ đầu tư.

Hàng trăm xe máy tại tầng hầm tòa nhà CT4A bị thiêu rụi.

Cụ thể, đối với tài sản là phương tiện được gửi giữ ở tầng hầm của tòa nhà, việc xác định, bồi thường thiệt hại được căn cứ trên cơ sở hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy tại Điều 559 và Điều 562 của Bộ luật Dân sự

Đối với tài sản của một số hộ kinh doanh ở tầng trệt của tòa nhà và một số hộ dân sinh sống ở đây, việc xác định bồi thường dựa vào hợp đồng thuê mặt bằng giữa hộ kinh doanh, hộ dân và chủ đầu tư quy định về bồi thường do hỏa hoạn cháy nổ.

Nếu trong hợp đồng không quy định về bồi thường do hỏa hoạn cháy nổ thì sẽ chuyển sang trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng (theo điều 307 Bộ Luật Dân sự 2005). Trách nhiệm ở đây vẫn thuộc về chủ đầu tư.

Nếu tài sản gửi giữ là ô tô, xe máy, thì việc xác định thiệt hại dựa vào kết luận của cơ quan điều tra hoặc bảo hiểm.

Đối với trường hợp ô tô, xe máy không mua bảo hiểm, dựa vào kết luận của cơ quan điều tra xác định thiệt hại của tài sản, chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về khoản bồi thường đó.

Đối với trường hợp ô tô, xe máy có mua bảo hiểm, chủ phương tiện thông báo ngay đến cơ quan bảo hiểm và cơ quan bảo hiểm sẽ giám định thiệt hại của tài sản. Bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả tài sản cho người bị thiệt hại, sau đó chủ đầu tư chịu trách nhiệm chi trả lại cho bảo hiểm.

Đối với thiệt hại là tài sản của người dân thuê mặt bằng kinh doanh và các hộ dân sinh sống tại chung cư, thiệt hại được dựa vào kết luận của cơ quan điều tra hoặc cơ quan giám định độc lập. Chủ đầu tư sẽ là người đứng ra chi trả toàn bộ chi phí đó theo Điều 307 Bộ Luật Dân sự.

Hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư

Trước đó, vào khoảng 19h00 tối 11/10, đã xảy ra cháy lớn tại khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội. Hậu quả, đã có 35 xe máy bị hư hỏng hoàn toàn, 375 xe máy bị cháy một phần. Ngoài ra còn có 45 xe đạp và một ô tô bị ảnh hưởng bởi nhiệt. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ kết cấu của tầng hầm tòa nhà đã bị thiệt hại nghiêm trọng.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Hà Nội cho biết, trước vụ cháy này, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn cháy nổ.

Tuy nhiên đơn vị này lại có biểu hiện “phớt lờ”, chống đối kiến nghị của cơ quan chức năng.

Theo Đại tá Sơn, qua quá trình rà soát, các đoàn kiểm tra liên ngành nhận thấy, chủ đầu tư đã quá chú trọng đến việc bán căn hộ mà bỏ quên các bước bắt buộc trong thẩm định, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Tại tòa nhà CT4 nơi xảy ra vụ hỏa hoạn hiện đã có hàng trăm hộ dân chuyển về sinh sống. Tuy vậy, toàn bộ tòa nhà này mới chỉ có quyết định thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy chứ chưa được nghiệm thu.

Bên cạnh việc bán căn hộ khi dự án chưa được nghiệm thu về an toàn cháy nổ, phía chủ đầu tư còn có một loạt các sai sót khác tại tòa nhà CT4 Xa La.

Theo đó, trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cửa một số lối thoát nạn không mở ra theo chiều từ trong ra ngoài, chưa có giải pháp thoát nạn theo cầu thang bộ xuống tầng hầm.

Các trục kỹ thuật thông tầng chưa được chèn, bịt kín bằng vật liệu chống cháy theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định. Cửa các gian phòng kỹ thuật, buồng thang bộ không phải là cửa chống cháy theo quy định. Hành lang dài trên 60m nhưng chưa có giải pháp ngăn cháy. Hệ thống hút khói tòa nhà không có.

Bơm chữa cháy khối nhà CT4 chưa đảm bảo lưu lượng nước theo quy định, đồng thời nhà CT4 cũng không được trang bị hệ thống chữa cháy tự động tại các tầng nổi. Chưa trang bị các phương tiện cứu người, chống tụ khói theo quy định.

Video: Bắc thang cứu người trong đám cháy ở KĐT Xa La


Trước các kết luận nêu trên, cơ quan chức năng đã có kiến nghị tới Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên phải có báo cáo cụ thể đối với toàn bộ các công trình ở Hà Nội gửi cơ quan Phòng cháy chữa cháy; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc các kiến nghị trên.

Sở Cảnh sát PC&CC đã tham mưu và kiến nghị lên UBND TP Hà Nội xem xét việc dừng cấp phép các dự án mới nếu doanh nghiệp còn tiếp tục vi phạm.

Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu tới chủ đầu tư phải có báo cáo về tiến độ, phương án cụ thể về các sai sót, tồn tại trong công tác phòng cháy chữa cháy đối với toàn bộ các công trình hiện có trên địa bàn thành phố trước ngày 15/10.

“Việc để xảy ra cháy, nổ nói trên trên trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư. Bởi luật Phòng cháy chữa cháy quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc từ khi lập hồ sơ thiết kế cho đến quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu, khi nào đủ các điều kiện mới được phép cho người vào hoặc cho công trình ấy đi vào sử dụng,” Đại tá Sơn cho biết.

Đà Long
Bình luận
vtcnews.vn