Cháy chung cư 13 người chết ở TP.HCM: Nguyên nhân gây chết người hàng đầu trong các vụ hỏa hoạn là gì?

Sức khỏeThứ Sáu, 23/03/2018 11:15:00 +07:00

Nạn nhân của vụ hỏa hoạn khiến 13 người thiệt mạng tại TPHCM có thể chết vì ngạt khói trước khi gặp các chấn thương cơ thể khác.

Vụ cháy lớn tại chung cư Carina Plaza TP.HCM vừa qua khiến nhiều người hoảng sợ, hàng chục người nhập viện vì bị thương. 

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, trong 13 nạn nhân thiệt mạng có 2 nạn nhân chết vì ngạt khí, 10 nạn nhân bị cháy, 1 nạn nhân nhảy lầu. Ngoài ra, cơ quan y tế còn ghi nhận có tới 10 trẻ em phải nhập viện cấp cứu do ngạt khói, ngạt khí trong vụ cháy.

29134164_1606841846103682_2011598157_n 7

Xe cấp cứu và xe cứu hỏa túc trực tại hiện trường làm công tác cứu nạn

Ngạt khói khi cháy là gì, nguy hiểm như thế nào?

Theo thông tin từ Đại học Phòng cháy chữa cháy, hầu hết những người chết trong đám cháy là do hít khói chứ không phải bị bỏng. Khói dễ dàng phát tán, dẫn đến mất phương hướng, khó nhìn nên nạn nhân càng khó thoát ra ngoài.

Các vật liệu tổng hợp được sử dụng phổ biến ngày nay, nhất là tại những khu chung cư lớn làm khói thêm độc vì giải phóng các chất nguy hiểm. Những loại khí độc sau đây sinh ra từ đám cháy vô cùng nguy hiểm như:

- Khí Cacbonôxit (CO): Là khí không màu, không mùi, nhẹ bằng không khí, rất độc với hệ hô hấp và hệ tuần hoàn. Khi hít phải khí CO, máu trong cơ thể không tiếp nhận được oxy, do đó, hệ thần kinh sẽ bị tê liệt.

DIỄN BIẾN LIÊN QUAN:

- Khí Cacbonic (CO2): Là khí không màu, không mùi, nặng hơn không khí, con người hít phải sẽ bị ngạt. Khi nồng độ CO2 từ 3% bắt đầu gây khó thở, từ 8% đến 10% có thể gây mất cảm giác và chết người.

 Các sản phẩm cháy có chứa clo và hợp chất của clo (như HCl) rất độc với phổi. Các sản phẩm cháy có chứa lưu huỳnh và hợp chất của lưu huỳnh (H2S, SO2...) gây độc đối với niêm mạc, miệng và đường tiêu hóa.

chay-chung-cu-2

Khu chung cư tan hoang sau vụ cháy

Thêm vào đó, tổn thương ở phổi và đường hô hấp do hít phải khí độc đôi khi chỉ xuất hiện sau 24-36 giờ tiếp xúc khiến nạn nhân chủ quan, không kịp xử lý. Đồng thời, ngoài khói độc, đám cháy giảm oxy trong không khí bằng cách tiêu thụ oxy hoặc thay thế nó với loại khí khác.

Một yếu tố khác đó là nhiệt lượng - đây cũng là mối đe dọa hệ đến hô hấp. Không khí đạt đến độ nóng nhất định đủ khả năng giết người chỉ bằng một hơi thở.

Thoát khỏi đám cháy thế nào cho an toàn mà không bị ngạt khói?

Khi gặp sự cố, mọi người thường hoảng loạn, ít có thời gian để phản ứng. Tuy nhiên, muốn thoát khỏi đám cháy, người dân cần bình tĩnh, tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Đặc biệt, khi gặp hỏa hoạn, người dân phải cố gắng không hít khói.

Đồng thời, người gặp nạn phải luôn nhớ kỹ năng quan trọng khi xảy ra cháy: lấy khăn thấm nước ướt che kín miệng và mũi để lọc không khí trong đám cháy, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm.

Nếu có, nạn nhân nên sử dụng mặt nạ chống độc khói. Di chuyển trong đám cháy phải cúi thấp người hoặc bò sát dưới nền đất, vì lượng khói luôn luôn bay trên cao, giúp hít vào lượng khói thấp nhất có thể.

Video: Bác sĩ thông tin tình hình bệnh nhân vụ cháy ở TP.HCM đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Chi Lê
Bình luận
vtcnews.vn