Cháy chợ Phố Hiến: Buộc doanh nghiệp bồi thường trên 39 tỷ đồng

Pháp luậtThứ Tư, 26/08/2015 04:00:00 +07:00

Chợ Phố Hiến cháy, dẫn đến nhiều thiệt hại nặng nề. TAND buộc Doanh nghiệp chịu trách nhiệm bồi thường trên 39 tỷ đồng trong vụ cháy chợ Phố Hiến.

(VTC News) - TAND TP Hưng Yên buộc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ Phố Hiến phải bồi thường trên 39 tỷ đồng khi để xảy ra vụ cháy chợ Phố Hiến năm 2014.

Ngày 25/8, TAND TP Hưng Yên mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử vụ án “Vi phạm quy định về PCCC” theo điều 240 Bộ luật hình sự trong vụ cháy chợ Phố Hiến (Hưng Yên) xảy ra tối 19/3/2014.
Quang cảnh phiên toàn hình sự sơ thẩm, xét xử vụ án cháy chợ Phố Hiến (Hưng Yên), xảy ra tháng 3/2014 - Ảnh MK
Quang cảnh phiên toà hình sự sơ thẩm, xét xử vụ án cháy chợ Phố Hiến (Hưng Yên), xảy ra tháng 3/2014 - Ảnh MK 

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), khoảng 21h ngày 19/3/2014, anh Nguyễn Văn Thư, SN 1978, trú tại phường Minh Khai (TP Hưng Yên) là nhân viên bảo vệ chợ Phố Hiến đang đi kiểm tra khu vực được phân công là khu phía nam chợ Phố Hiến thì nghe tiếng chuông báo cháy từ trong chợ.
Anh Thư chạy về bốt gác nơi có lắp thiết bị báo cháy thì thấy đèn báo cháy có tín hiệu báo cháy. Anh Thư chạy lên phòng Ban quản lý chợ báo cáo Đào Ngọc Hậu - Phó ban quản lý chợ Phố Hiến.
Đào Ngọc Hậu lấy chìa khóa chợ 1 và chợ 2 cùng với anh Thư mở cửa chính chợ Phố Hiến thì thấy bên trong đã cháy. Cả hai hô hoán và dùng bình chữa cháy để đập lửa song không được nên đã điện báo cho Cơ quan Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đến khoảng 3h ngày 20/3/2014 lực lượng PCCC mới dập được lửa.
Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, thu giữ mẫu vật của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), nguyên nhân cháy là do chập điện đường dây dẫn điện của máy bơm nước làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy trên.
Quá trình điều tra xác định: ca trực chợ Phố Hiến ngày 19/3/2014 gồm Trực chỉ huy là bị cáo Hậu – Phó ban quản lý, trực bảo vệ gồm 4 người: Vũ Thế Khiêm, SN 1974 (đội trưởng đội bảo vệ); Nguyễn Ngọc Xuân, SN 1963, (nhân viên bảo vệ); Nguyễn Văn Việt, SN 1980 (nhân viên bảo vệ) và Nguyễn Văn Thư, SN 1978 (nhân viên bảo vệ).
Khoảng 19h cùng ngày, sau khi anh Xuân đã khóa cửa chợ 1 và chợ 2 thì giao lại chìa khóa cho bị cáo Hậu quản lý. Bị cáo Hậu đã ngắt cầu dao điện cho chợ 2 còn chưa ngắt điện chợ 1 là để cho máy bơm nước đặt tại ki-ốt số 1 dẫy 1, tầng 1 chợ 1 hoạt động bơm nước dùng cho sáng hôm sau. Đến 21h cùng ngày thì phát hiện cháy chợ.
Theo quy định, tại Nội quy chợ Phố Hiến ngày 10/11/2013 đã được Sở Công thương tình Hưng Yên phê duyệt ngày 31/12/2013 và Quyết định số 98/12-12/QĐ-HP2 ngày 6/1/2014 của Công ty TNHH đầu tư và phát triển Hoàng Phát quy định: Thời gian mở cửa tại nhà chợ 2 tầng. Chợ bán vải, quần áo, mũ nón, giầy dép mở cửa từ 7h đến 18h30 hàng ngày.
Các phó ban quản lý chợ có trách nhiệm tự chịu trách nhiệm mở cửa, kiểm tra hàng hóa và thiết bị an toàn trước khi đóng cửa chợ. Thời gian thực hiện vào 18h30 hàng ngày.
Theo quy định tại mục 4.3.6TCN58-1997 về PCCC chợ và trung tâm thương mại quy định: Cán bộ nhân viên và các hộ kinh doanh tại chợ và trung tâm thương mại có trách nhiệm: hết giờ làm việc, hết giờ buôn bán kinh doanh, trước khi ra về phải ngắt tất cả các thiệt bị tiêu thụ điện; kiểm tra xem xét tình trạng an toàn phóng cháy tại nơi mình kinh doanh, đang làm việc.
Ngày 4/8/2014, Hội đồng thẩm định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Hưng Yên kết luận: Giá trị nhà chợ 2 tầng Phố Hiến bao gồm nhà chợ CP1 và nhà chợ CP2 là hơn 27 tỷ đồng.
Thiệt hại tài sản của các tiểu thương trong chợ Phố Hiến, theo trình bày của các tiểu thương kinh doanh trong chợ Phố Hiến là gần 67 tỷ đồng. Còn theo báo cáo của Phòng kinh tế UBND tỉnh Hưng Yên ước tính là trên 40 tỷ đồng.
Về trách nhiệm dân sự, 191 tiểu thương kinh doanh tại chợ Phố Hiến yêu cầu bồi thường tổng số tiền trên 60 tỷ đồng còn thiệt hại đối với chợ thì Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Hoàng Phát không đề nghị bồi thường.
Viện KSND TP Hưng Yên truy tố bị cáo Đào Ngọc Hậu, SN 1962, phường Quang Trung (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) – Phó Ban quản lý chợ Phố Hiến phạm tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”  theo khoản 3, Điều 240 Bộ luật hình sự. Đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Hậu mức án từ 7-8 năm tù. 
Tại phiên tòa, bị cáo Đào Ngọc Hậu khẳng định việc bơm nước ngoài giờ quy định là do lãnh đạo công ty chỉ đạo.
Bị cáo Hậu cho biết: Trong quá trình kinh doanh của chợ khu dân sinh số 1 bán hàng thuỷ hải sản, rau thịt thường xuyên thiếu nước, bà con đề nghị với Ban quản lý xem xét giải quyết. Ông Hậu cùng Ban quản lý có báo cáo với lãnh đạo trong cuộc họp tháng 2/2014 (có đầy đủ thành phần từ lãnh đạo đến bảo vệ) về hiện tượng thiếu nước này. 
Ông Bùi Hồng Kỳ đã chỉ đạo ông Hậu và ông Trần Đức Long là Trưởng ban xem xét giải quyết. Sau bàn bạc đi đến thống nhất là ông Long chỉ đạo Ban quản lý để điện máy bơm thêm 2-3 giờ để đủ nước cho bà con kinh doanh ngày hôm sau. 
Việc này đã thực hiện đều đặn từ đầu tháng 2 đến ngày 19/3/2014 khi chợ xảy ra cháy. Vì vậy, ông Hậu không tự ý để điện như cáo buộc của cơ quan tố tụng mà làm theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên. 
Tại phiên tòa, ông Bùi Hồng Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Phát thừa nhận có việc báo cáo đề xuất của Ban quản lý chợ về việc thiếu nước phục vụ cho tiểu thương buôn bán. Ông Kỳ có giao cho ông Long - Trưởng ban Quản lý chợ và ông Hậu tìm biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước.
Tại phiên tòa, các nhân chứng là bảo vệ của chợ Phố Hiến đều khai có việc chỉ đạo này. 
Luật sư Nguyễn Thị Liên Hoa – Văn phòng luật sư Lâm Hoa (Đoàn luật sư Hà Nội) người bào chữa cho bị cáo Hậu nêu quan điểm, việc truy tố ông Hậu là không đúng người đúng tội, bỏ lọt tội phạm. 

Bị cáo Đào Ngọc Hậu bị tuyên phạt 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về PCCC - Ảnh MK
Bị cáo Đào Ngọc Hậu bị tuyên phạt 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về PCCC - Ảnh MK 

Theo luật sư Hoa phân tích, truy tố ông Hậu tội “Vi phạm quy định về PCCC” theo điều 240 BLHS là hoàn toàn trái pháp luật vì ông Hậu làm theo chỉ đạo. Việc xảy ra cháy cũng là do lỗi kỹ thuật công ty, thiết bị PCCC cũng yêu kém. Đáng nói hơn việc hợp pháp hóa hồ sơ để quy trách nhiệm cho ông Hậu rõ mồn một nhưng cơ quan tố tụng bỏ qua. Lãnh đạo đùn đẩy trách nhiệm cho ông Hậu. 
Việc kết luận của cơ quan điều tra là cháy đoạn dây từ máy bơm đến ổ cắm (máy bơm không cháy), đầu ổ cắm đã có attomat tự động, mà máy bơm nước lại đặt ở khu chợ hải thủy sản không liên quan đến những vật liệu dễ cháy. 
Hệ thống attomat sẽ tự ngắt khi có sự cố chập điện. Vậy đây là lỗi kỹ thuật chứ không phải do ông Hậu. Ngay khi cháy, ông Hậu và những người khác dùng bình cứu hỏa tay nhưng dùng tới 3 cái bình xịt mà không có cái nào có bọt. 
Nếu không phải ông Hậu là người có ca trực hôm đó mà bất kỳ ai trực cũng sẽ vẫn cháy chợ. Việc chợ đã được phép đi vào hoạt động khi hệ thống phòng cháy chữa cháy các loại (bình xịt, nước dự trữ cứu hỏa) chưa đủ điều kiện tối thiểu cho 1 cái chợ lớn là chợ Phố Hiến tới hàng mấy trăm hộ kinh doanh như vậy là nguyên nhân chính dẫn đến vụ án.
Tuy nhiên, với những chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án và thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa, sau thời gian xét xử và nghị án, HĐXX tuyên bị cáo Đào Ngọc Hậu phạm tội Vi phạm quy định về Phòng cháy chữa cháy, xử phạt 7 năm tù giam.
Buộc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ Phố Hiến (thuộc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Hoàng Phát) phải bồi thường cho 147 hộ tiểu thương bị thiệt hại, với tổng số tiền trên 39 tỷ đồng (có gần 50/191 hộ tiểu thương không yêu cầu bồi thường), với lý do công ty đã vi phạm các quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ PCCC.
Video cháy chợ Hưng Yên

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn