Cháy cây xăng: Vụ cháy lớn nhất lịch sử Hà Nội

Thời sựThứ Ba, 04/06/2013 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Lãnh đạo lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận định đây là vụ cháy lớn nhất trong lịch sử thủ đô.

(VTC News) - Lãnh đạo lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận định đây là vụ cháy lớn nhất trong lịch sử thủ đô.

Chiều 4/6, tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi – Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (CS PCCC) Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng các đơn vị đang tích cực khám nghiệm hiện trường, làm rõ nguyên nhân và thống kê thiệt hại tài sản vụ hỏa hoạn tại cây xăng quân đội trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) chiều 3/6.

Xác định nguyên nhân ban đầu

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi nói rằng, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân vụ cháy, nhưng theo nhận định ban đầu, việc xăng bị rò rỉ trong quá trình bơm vào bể là nguyên nhân xảy ra cháy.

Theo đó, trong quá trình bơm từ xe téc vào bể chứa xăng đã bị rò rỉ và chảy xuống rãnh nước bên đường, qua quán sửa xe và quán cơm thì gặp bếp than tổ ong đang nóng nên đã bắt lửa, cháy ngược lại phía xe chở xăng và làm lửa nhanh chóng bao trùm lên xe.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên về công tác chữa cháy, Giám đốc Sở CS PCCC Hà Nội khẳng định, đây là vụ cháy xăng nên diễn biến phức tạp, công tác dập lửa gặp phải khó khăn trong khi phương tiện, thiết bị chữa cháy chưa đầy đủ.

Ông Nghi cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Sở CS PCCC đã huy động 15 xe cứu hỏa của các lực lượng trong Sở, phối hợp với xe cứu hỏa của Bộ Tư lệnh thủ đô để chữa cháy.

“Đầu tiên là phải khoanh vùng để chống cháy lan sang các khu vực khác và đề phòng phát nổ và xăng tràn ra vào cống nước ngầm. Sức nóng của đám cháy có lúc lên đến hơn 1000 độ C, cứu hỏa vừa dùng bọt trắng dập lửa, dùng cát ngăn xăng nhưng cũng vừa bơm nước để làm mát cho lực lượng cứu hỏa” – Thiếu tướng Nghi nói.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc kiểm tra mức độ an toàn về PCCC của các cây xăng trên địa bàn thành phố, Tướng Nghi nói rằng “không phải chờ đến khi vụ cháy này xảy ra, Sở CS PCCC mới có kế hoạch này mà ngay từ đầu năm, đơn vị đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm. Trong 6 tháng đầu năm đã xử phạt 28 cửa hàng vi phạm quy định”.

cháy
Hiện trường vụ cháy tại cây xăng quân đội ngày 3/6. 

Đối với những cây xăng gần khu dân cư, Tướng Nghi chia sẻ rằng “thực tế hiện nay khó xử lý”, vì có trạm xăng đã xây từ cách đây gần 20 năm, khi đó họ đảm bảo khoảng cách an toàn phòng chống cháy nổ, rồi sau đó nhà dân lấn ra. Bây giờ xử lý các vụ việc cháy nổ rất khó để quy trách nhiệm được cho cây xăng hay cho người dân...

 
Trong nền nhiệt độ nóng như vậy, nếu xảy ra vụ nổ thì sẽ thực sự là thảm hoạ. Đó là điều may mắn, nhưng cũng nằm trong phương án chữa cháy đã được tính toán kỹ lưỡng
Thượng tá Trần Văn Vụ
 
Đồng thời, quỹ đất của chúng ta hạn hẹp, mật độ nhà dân cao, lượng xe lớn, nhu cầu xăng dầu lớn, nếu làm đúng theo quy chuẩn thì người nội thành muốn đổ xăng sẽ phải sang các nơi rất xe ở huyện ngoại thành.


Giám đốc Sở CS PCCC Hà Nội cho biết, sắp tới Sở này sẽ kiến nghị thành lập cơ quan điều tra độc lập thuộc Sở để vào cuộc điều tra nguyên nhân các vụ hỏa hoạn, xử lý những nơi kinh doanh sản xuất không đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Hiện nay, việc điều tra này còn phụ thuộc vào sự phối hợp của các đơn vị như công an, quân đội…

Vụ cháy lớn nhất lịch sử Hà Nội


Trao đổi với PV, Thượng tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm cho biết, sau khi nhận được thông tin về vụ cháy, đơn vị khẩn trương tiếp cận hiện trường vụ việc thì thấy tình hình khá phức tạp khi xăng chảy tràn, lửa phun ra dữ dội từ xe téc, nhiệt độ tăng cao, bức xạ nhiệt lớn, gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy. 
Thượng tá Trần Văn Vụ 
Thượng tá Vụ nhận định, đây là vụ cháy lớn, nguy hiểm chưa từng xảy ra ở Hà Nội. Việc chữa cháy xăng dầu là khó khăn nhất, đòi hỏi chiến thuật liên tiếp phối hợp giữa nước, cát và bột.
Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, lực lượng chữa cháy được triển khai thành 4 mũi, tập trung phun nước làm mát cho các công trình xung quanh, cho xe téc đang cháy và văn phòng làm việc của cửa hàng.
Lực lượng đặc biết chú ý 3 miệng hố gas của 3 bể ngầm bên dưới với dung tích chứa khoảng 75 m3.
“Sở Cảnh sát  PCCC đã  huy động lên tới 2 tấn bột chữa cháy, điều động tổng số 18 xe chữa cháy các loại (trong đó có một xe thang 32m và 3 xe của Bộ Tư lệnh Thủ đô tăng cường)”, thượng tá Vụ nói.
Ngoài ra, đơn vị đã phải huy động 32 xe chở cát để chặn lửa, không cho cháy lây lan; đồng thời dùng ống hút đặt trên mặt đường để ngăn chặn không cho xăng chảy xuống hệ thống cống ngầm của thành phố.
“Trong nền nhiệt độ nóng như vậy, nếu xảy ra vụ nổ thì sẽ thực sự là thảm hoạ. Đó là điều may mắn, nhưng cũng nằm trong phương án chữa cháy đã được tính toán kỹ lưỡng”, Thượng tá Vụ nói.

Trước những ý kiến của người dân về việc lực lượng chức năng dùng nước để cứu hỏa trong khi cháy xăng sẽ không mang lại hiệu quả, sáng nay (4/6), Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám Đốc Sở Phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hà Nội đã trả lời về vấn đề này.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Khi xảy ra cháy, nhiệt độ sẽ tăng cao, tác động đến thành bể xe téc, xăng
Đại tá Nguyễn Văn Sơn khẳng định, cảnh sát PCCC đã thực hiện đúng quy trình chữa cháy 
bốc hơi nhanh nên ngọn lửa bùng phát mạnh và nhanh hơn.
Việc đầu tiên cần phải phun nước vào chiếc xe bồn để giảm nhiệt thành bể, giảm nguy cơ cháy và tránh cháy lan. Sau khi phun nước làm mát, hạ nhiệt, nhận được sự hỗ trợ đầy đủ về phương tiện chữa cháy như bọt, cát sẽ tiến hành dập lửa nhanh nhất có thể. Cho nên, việc phun nước vào chiếc xe bồn để dập lửa là đúng quy trình chữa cháy”.
Đại tá Sơn cho biết thêm, trong quá trình chữa cháy, cần làm mát liên tục để tránh nguy cơ cháy lan sang các khu vực lân cận.

Trong nền nhiệt độ cao, bột phun vào sẽ bị phân huỷ, không phát huy tác dụng. Do đó, phải phun nước giảm nhiệt xuống nhiệt độ thích hợp thì mới phun bọt. Trong vòng gần 5 giờ đồng hồ, tổng cộng khoảng 600 khối nước đã được phun liên tục.

Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được Viện Kiểm sát quân sự, phối hợp với Công an Hà Nội và các cơ quan liên quan vào cuộc, điều tra làm rõ.
Mua trực thăng là để cứu hộ

Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định Hà Nội sẽ mua trực thăng để trang bị cho lực lượng PCCC.

Về việc này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi cho biết, trong kế hoạch trang bị các thiết bị của ngành đã có kế hoạch mua máy bay trực thăng và đang chờ phê duyệt. Tuy nhiên, ông Nghi nói đây là loại máy bay trực thăng dùng để cứu hộ trong những đám cháy ở nhà cao tầng chứ không phải trực thăng chữa cháy.

Mặt khác, hiện chưa xác định thời điểm cụ thể mua máy bay vì còn phụ thuộc vào điều kiển sử dụng.

“Phi công ở đâu, ai đào tạo? Kỹ thuật sử dụng thế nào? Việc sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên ra sao?... vẫn đang là vấn đề phải tính toán kỹ” – Thiếu tướng Nghi trăn trở.



Nguyễn Dũng - Minh Chiến

Bình luận
vtcnews.vn