Chặt nhầm còn hơn bỏ sót, bao nhiêu cây phượng chết oan

Ý kiếnThứ Ba, 02/06/2020 15:18:22 +07:00
(VTC News) -

Tại nhiều trường học, cây phượng đang bị “thảm sát” oan uổng vì bị coi là mối đe dọa đối với tính mạng học trò, chẳng lẽ một cây gãy đổ thì cả giống loài bị kết tội?

Sau tai nạn cây phượng bật gốc làm chết một học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh để kiểm tra, cắt tỉa, xử lý những cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

Tuy nhiên thay vì cắt tỉa, xử lý những cây nguy hiểm, nhiều trường học lại đốn hạ toàn bộ những cây phượng đang có. Nếu trường nào cũng áp dụng cách này, loài cây được mệnh danh là hoa học trò sẽ hoàn toàn bị trục xuất khỏi môi trường của học trò. Và khái niệm sân trường sẽ không còn gợi nhắc đến một nơi rợp bóng mát của cây xanh mà trở thành khoảng không gian trụi lủi chỉ có sàn bê tông và nắng gắt.

Chặt nhầm còn hơn bỏ sót, bao nhiêu cây phượng chết oan - 1

Hàng loạt cây phượng bị đốn sau tai nạn ở Trường Bạch Đằng.

Vì sao phải tàn sát phượng? Câu trả lời đương nhiên là vì sự an toàn của học sinh và giáo viên. Nhưng đâu cần phải làm đến mức đó? Một cây phượng gãy đổ đè chết người đâu có nghĩa là toàn giống loài nó có tội, phải bị “tẩy chay”? Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chì yêu cầu xử lý những cây có thể gãy đổ chứ đâu ra lệnh đốn hạ toàn bộ phượng vỹ trong trường học!

Lẽ ra người ta phải kiểm tra từng cây một xem tình trạng thân, gốc rễ ra sao, xác định xem nguy cơ gãy đổ thế nào? Nếu có nguy cơ, có thể xử lý bằng cách cắt tỉa bớt những cành nặng hay giải pháp khác không? Việc chặt cây chỉ nên coi là giải pháp cuối cùng.

Ngoài ra, theo tôi, để ngăn ngừa lặp lại tai nạn đau thương ở Trường Bạch Đằng, cần truy lỗi ở các khâu xử lý của con người chứ không phải ở loài phượng vỹ. Chẳng hạn, cây đổ là do thân rỗng, rễ mục, vậy vì sao nó mục, mục từ bao giờ, vì sao cây to trụi rễ như vậy vẫn được trồng, lâu nay có tiêu chuẩn về gốc rễ, cách trồng… đối với những cây lớn ở sân trường (và những nơi tương tự) hay không, có quy trình kiểm tra giám sát không…?

Truy lỗi không phải để “bắt đền” ai, mà nhằm tìm ra những lổ hổng và vá nó lại, để sau đó những cây phượng vẫn có quyền nở hoa đỏ rực báo hiệu mùa thi, và các em học sinh của chúng ta vẫn được an toàn.

Khi chúng ta làm việc gì đó nhân danh sự an toàn của học trò, hãy đứng ở vị thế của các em. Tôi tin rằng các em không muốn những cây hoa học trò của mình bị thảm sát như vậy đâu.

Bạn có đồng ý với quan điểm này? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.

Hoàng Huy(Độc giả)
Bình luận
vtcnews.vn