Chặt đào rừng chưng Tết: Thú vui nhất thời tàn phá thiên nhiên

Ý kiếnThứ Sáu, 25/12/2020 16:33:00 +07:00
(VTC News) -

Rừng đào bị chặt cành Tết năm trước chưa kịp “lại sức” thì Tết sau đã bị khai thác tiếp, chẳng sự hồi sinh nào theo kịp với tốc độ tàn phá kinh khủng này.

"Phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào và các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết. Hôm nay tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại hội nghị của ngành Nông nghiệp chiều 24/12. Ông giao Văn phòng Chính phủ ra văn bản truyền đạt chỉ đạo này một cách nghiêm túc.

Nếu chỉ đạo này của Thủ tướng được thực hiện nghiêm, năm nay các cánh rừng đào còn sót lại sẽ tránh được một trận tàn phá vốn là nỗi đau định kỳ của thiên nhiên mỗi dịp cuối năm.

Lâu nay, mỗi dịp Tết Nguyên đán, trên các bờ đê, đường phố Thủ đô và nhiều thành phố khác luôn bày la liệt đào rừng. Cành đào càng lớn, lâu năm, càng bám đầy rêu phong, tầm gửi thì càng đắt giá, vì được cho là làm tôn lên đẳng cấp của người chơi. Nhiều người khoe rằng để lấy được cành đào rừng mà họ đang chưng Tết, “thợ săn” phải vào tận rừng sâu, rừng già, “vì các rừng gần đã hết sạch đào già rồi, làm gì còn những cành nhiều tuổi thế này nữa”.

Chặt đào rừng chưng Tết: Thú vui nhất thời tàn phá thiên nhiên - 1

(Ảnh minh họa: Tiền Phong)

Quả thật, còn sao được khi hễ thấy đào rừng là chặt; cành to bị đốn đã đành, cành nhỏ cũng không thoát, đáp ứng nhu cầu “sành điệu” của người chơi ở các mức thu nhập khác nhau, không bán được thì thành rác, thành củi. Sau một năm, những cành vừa vươn lên lại bị đốn, và thợ tìm đào lại vào sâu hơn. Dù thiên nhiên có mạnh mẽ đến mấy, chẳng sự hồi sinh, hồi sức nào theo kịp với tốc độ chặt phá kinh khủng này.

Tất cả chỉ để có bình hoa sang chảnh trưng bày trong 3 ngày tết.

Hãy coi chỉ đạo của Thủ tướng như phát súng lệnh để bắt đầu công cuộc lâu dài bảo vệ đào rừng nói riêng và thiên nhiên nói chung chứ đừng chỉ ra quân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những người chặt, chở, buôn bán đào rừng chơi Tết, tôi cho rằng cả người trưng bày đào rừng cũng phải chịu một phần trách nhiệm, dù là mua hay được tặng. Chính nhu cầu của họ khiến những cây đào vô tội phải chảy máu, mình đầy thương tích trước mỗi cái Tết.

Pháp luật, cơ quan chức năng cần đối xử với những người liên quan đến việc tàn phá đào rừng như đối với hành vi bắt, vận chuyển, buôn bán và sử dụng động vật hoang dã quý hiếm hay hành vi buôn bán, sử dụng hàng cấm khác. Như vậy, thiên nhiên mới có chút thời gian yên lành để kịp hồi sinh.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Tiến Bình
Bình luận
vtcnews.vn