Chấp nhận dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu về Mỹ, Canada vi phạm luật quốc tế?

Thời sự quốc tếThứ Năm, 28/01/2021 07:06:59 +07:00
(VTC News) -

Theo luật sư của bà Mạnh, việc Canada cho phép Mỹ dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu không được tiến hành theo đúng quy định và vi phạm luật pháp quốc tế.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ vào tháng 12/2018. Đã hơn hai năm trôi qua nhưng tòa án Canada vẫn chưa đưa ra phán quyết về việc có đồng ý với đề nghị dẫn độ bà Mạnh về Mỹ hay không. 

Nhóm pháp lý của bà Mạnh vẫn đang tìm cách thuyết phục các thẩm phán tạm dừng thủ tục dẫn độ này. Tuy nhiên, ông Gary Botting - luật sư về luật dẫn độ ở Canada, nỗ lực này vẫn đang gặp không ít khó khăn. 

"Canada thường gặp khó khăn khi giải quyết các vụ liên quan tới dẫn độ. Đó là bởi khi được các nước láng giềng gần gũi yêu cầu dẫn độ, Canada sẽ thực hiện điều đó. Với hơn 90% các vụ dẫn độ mà tôi tham gia giữa Canada và Mỹ, thì hầu hết khi Mỹ yêu cầu, Canada sẽ chấp nhận. Điều đó dường như đã trở thành thói quen", ông cho hay. 

Chấp nhận dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu về Mỹ, Canada vi phạm luật quốc tế? - 1

Gary Botting - luật sư về luật dẫn độ ở Canada trong cuộc phỏng vấn với báo giới. 

Tuy nhiên, vị luật sư Canada khẳng định việc dẫn độ trên thực tế không được thiết kế như vậy. Ông cho rằng trong vụ việc của bà Mạnh, Mỹ đang muốn tiếp cận quá mức và đóng vai trò như lực lượng cảnh sát thế giới. 

"Chúng tôi nghĩ điều đó không phù hợp. Đó không phải là điều tốt. Nếu phía Canada xem xét vụ việc và quyết định mình không có thẩm quyển với vụ việc này, trong trường hợp đó sẽ không xảy ra thỏa thuận dẫn độ và không còn chuyện dẫn độ", ông nói. 

Theo ông Gary, Canada đã chấp nhận đề nghị yêu cầu dẫn độ bà Mạnh của Mỹ và Ottawa dường như không tìm kiếm chứng cứ liên quan trong hai tháng đầu tiên.

"Nếu như vậy, việc tiến hành dẫn độ về Mỹ sẽ không được tiến hành theo đúng quy định. Điều đó sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Theo lịch sử dẫn độ thì việc dẫn độ không phục vụ cho bất cứ quốc gia nào. Nguyên tắc là bên yêu cầu phải chứng minh cho bên được yêu cầu rằng hành vi cần dẫn độ cũng là hành vi phạm luật bên nước mình", ông nói thêm.

Vị chuyên gia dẫn độ Canada đã theo sát vụ việc của bà Mạnh và nhận thấy rằng, các thẩm phán Canada dường như đang lưỡng lự trong việc bác bỏ các cáo buộc vào bà Mạnh. 

"Trên thực tế, rất hiếm khi các thẩm phán Canada gỡ cáo buộc với những người đưa ra xét xử. Nếu có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay", ông cho biết. 

Trong nỗ lực ngăn Canada đồng ý dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ, nhóm luật sư của CFO Huawei đã trình ra tòa một số chứng cứ tố cáo Mỹ và Canada đã lạm dụng trình tự dẫn độ giữa hai bên.

Theo đó, họ viện dẫn các tuyên bố của chính quyền Mỹ và khẳng định các phát ngôn này cho thấy vụ án dẫn độ này bị chính trị hóa và các cơ quan chấp pháp Canada đã có hành vi lạm dụng trình tự trong quá trình bắt giữa bà Mạnh tại sân bay Vancouver.

Các luật sư của Mạnh tuyên bố Canada sẽ vi phạm luật pháp quốc tế đã được thiết lập nếu chấp nhận đề nghị dẫn độ của Mỹ. 

Trong tài liệu được tòa án Canada công bố, nhóm luật sư này khẳng định Canada không thể đồng lõa với nỗ lực của Mỹ nhằm trừng phạt một công dân nước ngoài vì những hành động không thực sự liên quan tới Mỹ. Việc Canada đồng ý với yêu cầu dẫn độ của Mỹ sẽ làm tổn hại tới tính toàn vẹn của hệ thống tư pháp Canada. 

"Nếu làm vậy, Canada sẽ đồng lõa vi phạm luật quốc tế", họ nhấn mạnh.  

Mỹ cáo buộc bà Mạnh lừa dối ngân hàng HSBC về mối quan hệ giữa Huawei với một công ty ở Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Tehran. 

Nhóm luật sư của Mạnh biện hộ rằng hành vi phạm tội mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh không vi phạm pháp luật Canada bởi Ottawa đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran từ nhiều năm trước.

Trong khi đó, các công tố viên của Canada bảo vệ đề nghị dẫn độ của phía Mỹ khi lập luận cáo buộc lừa gạt ngân hàng là hành vi vi phạm luật ở cả Canada và Mỹ và cũng là lý do dẫn tới lệnh bắt giữ. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn