'Chàng trai Vàng' Olympic Toán muốn du học Mỹ

Giáo dụcThứ Tư, 26/11/2014 01:38:00 +07:00

(VTC News) – Những “chàng trai Vàng” của Toán học Việt Nam đều bày tỏ mong muốn được sang Mỹ du học để có thể phát huy hết khả năng của bản thân.

(VTC News) – Những “chàng trai Vàng” của Toán học Việt Nam đều bày tỏ mong muốn được sang Mỹ du học để có thể phát huy hết khả năng của bản thân.

Ngày 25/11, ba học sinh đoạt huy chương trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2014 đã nhận được học bổng tiếng Anh, trị giá 104 triệu đồng/ suất của Học viện Ivy Prep để thực hiện mong muốn sang Mỹ du học.

Được biết, cả 6 học sinh đạt giải trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2014 đều chọn Mỹ là điểm đến du học của bản thân. Hiện tại, Phạm Tuấn Huy đã nhập học tại ĐH Stanford với học bổng toàn phần.
Chàng trai vàng toán học việt nam
Các "chàng trai Vàng" của Toán học Việt Nam đều mong muốn được du học Mỹ 
Những “chàng trai Vàng” của Toán học Việt Nam đã nỗ lực rèn luyện tiếng Anh để có thể nộp hồ sơ vào những trường đại học danh tiếng, có thứ hạng cao tại Mỹ. Ba học sinh nhận học bổng tiếng Anh do Học viện IvyPrep trao tặng lần này là HCV Nguyễn Thế Hoàn, HCV Trần Hồng Quân, HCĐ Nguyễn Huy Tùng.

“Chàng trai Vàng” Nguyễn Thế Hoàn cho biết ngoài việc học tiếng Anh, chàng trai này còn nỗ lực để có thể góp mặt trong đoàn học sinh dự Olympic Toán quốc tế vào tháng 3/2015.

Dù đang học lớp Cử nhân tài năng Khoa Toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nhưng Trần Hồng Quân và Nguyễn Huy Tùng cũng cho biết đang cố gắng trau dồi khả năng ngoại ngữ để có thể kiếm được học bổng từ những trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Khi được hỏi về tính cách của 3 học viên, thầy Marco Passuello (Học viện Ivy Prep) nhận xét: “Trong ba bạn, Tùng là cậu học trò năng động và hoạt bát nhất. Tính cách của em khá sôi nổi nên em hòa đồng rất nhanh với các em khác trong lớp. Em rất thích bóng đá và thảo luận các vấn đề "thời sự". Tùng cũng rất thích tìm tòi những điều mới lạ nên các bài thuyết trình của em luôn hấp dẫn và rất sáng tạo”.

Trong khi đó, thầy Marco Passuello cho biết Hồng Quân lại khá trầm tính và hiền lành. “Em ít nói nhưng rất hay cười nên các em trong lớp đều rất yêu mến. Em luôn thể hiện sự chín chắn và chững chạc giống như người anh trai trong lớp nên các em trong lớp khi gặp rắc rối với môn học ở trên trường bao giờ cũng "để dành" để đến lớp hỏi anh Quân”, thầy thầy Marco Passuello nói.

 So với các bạn, Hoàn có phần trầm tĩnh nhất. “Giờ ra chơi khi các em khác nô đùa, em thường thích chọn ngồi trò chuyện với các em khác hoặc ôn lại bài. Em luôn thể hiện sự cố gắng và cẩn trọng trong từng bài luyện tập".

Ông Nguyễn Khắc Minh, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), người nhiều năm ôn tập và dẫn đoàn Việt Nam tham dự các kỳ Olympic Toán học quốc tế - cho biết: Theo quy chế, chính sách của Nhà nước, học sinh đoạt huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế được cấp học bổng đi học nước ngoài. Thông thường, các em nhận học bổng này sẽ đi theo đề án 322 (trước đây) và đề án 599 (sau này). Vấn đề của các em theo học bổng này là phải tìm trường tương ứng với mức học bổng được cấp, nên nhiều khi không vào được trường đúng ý nguyện.

Ông Minh cũng cho biết thêm, hiện tại có rất nhiều quỹ học bổng các em học sinh tài năng có thể xin và cũng có thể tự tìm kiếm cơ hội trên mạng internet.

Hiện tại, cả ba chàng trai đều đang chuyên tâm học tiếng Anh để có thể hoàn thành việc xin học bổng du học Mỹ vào đầu năm 2016. Chia sẻ quan điểm sau khi học ở nước ngoài, Nguyễn Thế Hoàn chia sẻ: “ Em xin được trả lời là nếu Tổ quốc cần em sẵn sàng trở về”.

Trong khi đó, Trần Hồng Quân lại thể hiện quan điểm: “Em nghĩ rằng ai đi nước ngoài cũng đều có mong muốn trở về, vì ở Việt Nam còn có gia đình, bạn bè. Em chưa đi nên chưa biết thế nào. Nhưng em hy vọng khi em học xong ở nước ngoài, Việt Nam đã có đủ điều kiện để em trở về mà không cần phải đắn đo suy nghĩ”.

Nguyễn Huy Tùng lại chia sẻ mong muốn sẽ có cơ hội làm việc cho Việt Nam như cách mà GS Ngô Bảo Châu đã làm.

Là người đã từng nhiều năm học tập tại nước ngoài, ông Nguyễn Khắc Minh cho rằng không nên đặt nặng vấn đề có về nước hay không vì tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều nước khác.

“Vấn đề là nếu chúng ta muốn thu hút cán bộ đóng góp cho đất nước chứ không phảo đóng góp từ xa, chính chúng ta phải suy nghĩ chứ không phải đặt ra câu hỏi này với các bạn trẻ”, ông Minh nói.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn