Chàng trai 9X dành cả thanh xuân ở bãi rác để 'biến rác thành vàng'

Giáo dụcThứ Tư, 10/10/2018 07:13:00 +07:00

Từ phế liệu, Nguyễn Quang Huy (SN 1996) - cựu sinh viên khoa Thiết kế đồ họa trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp mày mò biến chúng thành những sản phẩm lưu niệm đẹp mắt có tính nghệ thuật cao.

Không giống như những bạn bè cùng trang lứa khác, từ nhỏ Nguyễn Quang Huy đã thích mày mò với những món đồ chơi hỏng, cũ.

Gia đình làm kinh doanh nên bố mẹ không ngừng phản đối việc Huy theo học đồ họa. Tuy nhiên, Huy vẫn quyết tâm theo đuổi mơ ước của mình. Để có thể theo học Mỹ thuật Công nghiệp, Huy đã phải cố gắng rất nhiều để chứng tỏ khả năng của mình.

nguyen-quang-huy 9

 Nguyễn Quang Huy miệt mài bên những đứa con tinh thần của mình.

“Môi trường đại học đã giúp mình có cơ hội biết, tiếp xúc với nhiều “mảng” nghệ thuật, đặc biệt là handmade, setup cũng như thiết kế mỹ thuật nói chung” – chàng trai Bắc Ninh chia sẻ.

Khi mới vào trường, Huy chăm chỉ làm những công việc từ nhân viên bán hàng, chạy bàn rồi cả pha chế. Dần dần, nhờ tinh thần ham học hỏi và tìm tòi, cậu bắt tay vào việc kinh doanh bán buôn, bán lẻ các sản phẩm handmade.

Khi đã "bén duyên" với công việc này, Huy bắt đầu nhận làm theo yêu cầu của khách hàng. Cậu lên ý tưởng, suy nghĩ bối cảnh, sản phẩm demo, sản xuất mẫu mã và thiết kế các ấn phẩm đi kèm ra sao.

Huy vẫn hay đùa rằng: "Mình dành cả thanh xuân ở nhà và ở bãi rác". Huy sử dụng phần lớn thời gian của mình vào việc tìm gỗ và chai lọ cũ ở những cửa hàng phế liệu. Khi chọn được đồ vật ưng ý, Huy lập tức trở về nhà và say sưa chế tạo, lắp ghép chúng thành những món đồ khiến bạn bè kinh ngạc.

Huy bộc bạch: “Hầu hết tất cả những gì liên quan đến nghệ thuật mà khách hàng yêu cầu, mình đều có thể đáp ứng được”.

2

Rất nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo đã được hoàn thành từ những đồ vật tưởng chừng như bỏ đi.

3 3

Mô hình thuyền trong chai là một trong những thành quả Huy thích nhất.

Phải đối mặt với yêu cầu khác nhau của khách hàng và khối lượng công việc khá lớn nhưng Huy luôn biết cách phân bổ thời gian hợp lý và khoa học.

“Những ngày đầu mình gặp khá nhiều khó khăn vì lúc đó đi theo con đường riêng và không có người đồng hành, mình phải tự tìm tòi mọi thứ, thử sức ở nhiều lĩnh vực. Nhưng, có thất bại thì mới có thành công. Tất cả đều mang lại cho mình những trải nghiệm, những bài học mới để hoàn thiện bản thân hơn” – Huy chia sẻ.

Từ chỗ chỉ quanh quẩn ở nhà làm đồ thủ công, Huy đã mạnh dạn đem đồ đi bán tại các hội chợ dành cho người trẻ và từ đó cậu dần được chú ý.

Huy đã gặt hái được một số giải thưởng có tiếng vang như giải Nhất cuộc thi “Sáng tác sản phẩm lưu niệm - thủ công chủ đề Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam"; giải Nhất cuộc thi “Thiết kế sản phẩm thủ công sáng tạo” do Đại sứ quán Mỹ tổ chức…

4 3

Chuyện tay khi bị thương khi làm việc là điều không thể tránh khỏi.

Huy cho biết, cậu đang mở rộng hoạt động sang một số lĩnh vực khác bên cạnh việc làm đồ thủ công như tham gia thiết kế mỹ thuật cho video ca nhạc “Thanh Xuân” của nhóm Da LAB, tham dự chương trình “Sống xanh ai là chuyên gia” của Đài truyền hình Việt Nam với vai trò khách mời.

Bên cạnh đó, cậu tham gia vào khâu hỗ trợ trang phục, đạo cụ cho một số chương trình lớn khác.

7 7

 Một sản phẩm Trung thu của Nguyễn Quang Huy.

Hiện tại, Huy đang thành lập một xưởng handmade nho nhỏ và tìm kiếm những bạn trẻ có chung đam mê. Ở tuổi 22, Huy đang thực sự lập nghiệp bằng chính đam mê và năng lực của bản thân, trong khi rất nhiều người trẻ khác đang loay hoay và chênh vênh trước ngưỡng cửa sau khi tốt nghiệp đại học.

Trần Hồng Hạnh
Bình luận
vtcnews.vn