Chàng thủ khoa từng bị ghét vì 'thích thể hiện'

Giáo dụcThứ Hai, 22/07/2013 07:08:00 +07:00

Hoàng Văn Cường từng bị bạn ghét vì hay giơ tay phát biểu trong giờ học

Hoàng Văn Cường từng bị bạn ghét vì hay giơ tay phát biểu trong giờ học, sống khép kín nhưng khi đã gần gũi và thân thiết với nhau, tất cả lại trở thành kỉ niệm đẹp, mãi không thể quên.

Cường vừa trở thành thủ khoa ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội với 27,5 điểm.

Cô Vũ Thị Thắm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 trường THPT Bình Giang (Bình Giang, Hải Dương) nơi Cường theo học cho biết: “Trên lớp, Cường là học sinh ngoan, nghiêm túc. Em học đều ở tất cả các môn tự nhiên và xã hội”.

Hoàng Văn Cường chụp chung với mẹ.
Hoàng Văn Cường chụp chung với mẹ. 
Có một kỷ niệm mà cô Thắm không thể quên khi nói về cậu học trò của mình. Cô cười tươi chia sẻ: “Cuối kỳ 2 lớp 11, lớp tôi tiến hành bầu lại lớp trưởng. Thấy mọi người sôi nổi, cậu ghé sang bạn bên cạnh “xui” đừng làm, vừa vất vả lại không được gì”.

Nghe thấy thế cô Thắm liền chỉ định “vậy Cường là lớp trưởng”. Lúc đầu, Cường từ chối nhưng sau cô động viên, cậu bạn e dè: “Em nhận một kỳ này thôi!”. Chính Cường cũng bất ngờ khi càng làm lớp trưởng, mình càng học được nhiều điều thú vị.

Cường cho biết: “Lúc đầu em nghĩ làm lớp trưởng vất vả, muốn dành thời gian cho việc học. Nhưng sau, em thấy công việc giúp em dễ hòa đồng với các thành viên trong lớp, tự tin hơn trong giao tiếp”.

Dương Thị Tường Vy (lớp 12A2) cho biết: “Hồi học lớp 10 và đầu lớp 11, Cường sống khép kín. Bạn chỉ quan tâm tới việc học, rất ít giao lưu với bạn bè. Từ khi làm lớp trưởng Cường thay đổi hẳn, hòa đồng và cởi mở, thậm chí hay trêu đùa với các bạn. Cường làm lớp trưởng có trách nhiệm và năng nổ nên mọi người đều quý mến”.
Thủ khoa ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội Hoàng Văn Cường
Thủ khoa ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội Hoàng Văn Cường 

Tường Vy còn bật mí: “Gia đình Cường vừa mở quán bán xe đạp điện. Em cũng thấy một vài lần bạn sửa xe giúp các bạn cùng trường”.

Bị bạn ghét vì…phát biểu nhiều


Nhớ lại hồi năm lớp 10 và 11, Cường bộc bạch: “Vào lớp 10 em khá sợ môn Vật lý và Hóa học. Em chọn cách giơ tay phát biểu nhiều để tập trung được vào bài học. Mãi sau, lên lớp 12, khi đã thân thiết mọi người mới thừa nhận từng ghét em vì tính “thích thể hiện” kiểu này (cười)”.

Bị bạn ghét nhưng cách học của Cường đã phát huy hiệu quả. Bằng việc “lấy cần cù bù thông minh” như lời tự chia sẻ, Cường đã cải thiện rõ rệt kết quả học tập. Lớp 10 rồi 11, Cường chỉ đạt hơn 7,0 hoặc hơn 8,0 tổng kết hai môn học này. Lên lớp 12, điểm trung bình chung ở 3 môn Toán, Vật lý, Hóa của Cường đều đạt từ 9,2 đến 9,7.

Cường thường học bài khá khuya, khoảng 1-2h sáng mới đi ngủ. Thời gian ở nhà, Cường tập trung vào giải bài tập nâng cao và các đề thi đại học qua các năm để tự rút kinh nghiệm làm bài trước khi thi đại học.

Cũng như Lê Xuân Hoàng (thủ khoa ĐH Thủy lợi HN), Cường cũng không có tài khoản trên mạng xã hội. Đến lớp 12, Cường mới dùng điện thoại “cùi” để liên lạc với bạn bè, gia đình.

Trượt học sinh giỏi Toán tỉnh

Mặc dù học tốt nhưng như cô Thắm chia sẻ: “Cường chưa phải thành viên xuất sắc nhất lớp. Lớp 12 trường chọn các thành viên đi ôn luyện chuẩn bị thi cấp tỉnh, em cũng được chọn.

Tuy nhiên đến kỳ thi chỉ có 2 bạn được lựa chọn. Cường bị loại. Trước đó, giáo viên môn Vật lý cũng muốn chọn em tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh nhưng em đã vào đội tuyển Toán trước nên thôi.

Khi đó Cường khá buồn. Nhưng cô trò động viên nhau kỳ thi đại học trước mắt mới là cửa ải quan trọng cần vượt qua nên nỗi buồn cũng qua mau”.

Hay tin học trò và bạn thân đỗ thủ khoa, cả cô Thắm rồi bạn Tường Vy có đôi chút bất ngờ nhưng không ngạc nhiên bởi trong 3 lần thi thử ĐH ở trường Cường đều đạt từ 24 đến xấp xỉ 27 điểm.

Và cũng như môn Vật lí, Hóa học, càng về cuối, cậu bạn càng tự tin để kết quả lần sau cao hơn lần trước. Kỳ thi ĐH là lần thi Cường tự tin nhất, cũng là lần thi đạt điểm cao nhất với tổng điểm 27,5.

Vui vì mình đã đỗ đại học nhưng Cường cũng cho biết: “Gia đình em làm ruộng. Bố mẹ mới dành dụm được chút tiền mở quán bán xe đạp điện. Nhưng công việc kinh doanh giờ khó khăn. Trên em còn chị gái đang học ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Giờ lại thêm em về Hà Nội học nên bố mẹ cũng lo lắng chuyện kinh phí cho hai chị em ăn học. Em tính sắp tới khi nhập học sẽ xin đi làm gia sư, kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ”.


Theo Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn