Chân dung những đại gia sẵn sàng đổ nghìn tỷ vào sân bay

Kinh tếChủ Nhật, 29/03/2015 11:30:00 +07:00

Những đại gia "xoay mình" đổ tiền tỷ đầu tư vào sân bay

Đó là những đại gia từ trước đến nay vốn nổi danh trong lĩnh vực tài chính, xây dựng, bất động sản... nhưng nay lại quay sang đầu tư cả lĩnh vực hàng không và sẵn sàng đổ hàng nghìn tỷ đồng vào những dự án sân bay trong nước.

1. Đại gia Nguyễn Văn Đông và dự án sân bay Phan Thiết


Dù là người khá kín tiếng trên truyền thông nhưng ở Bình Thuận, không ai là không biết đến ông Nguyễn Văn Đông - chủ tịch của Tập đoàn Rạng Đông với những dự án đã làm thay da dổi thịt mảnh đất Bình Thuận ngập đầy nắng gió để trở thành thiên đường du lịch, "thủ đô resort" của Việt Nam.

Chân dung những đại gia "xoay mình" đổ tiền tỷ đầu tư vào sân bay
Chân dung đại gia Nguyễn Văn Đông
Sau đó ông Đông đã làm cả dư luận xôn xao số vốn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào hạng mục hàng không dân dụng tại dự án Sân bay Phan Thiết cũng như sự liều lĩnh của ông cho một dự án mà từ trước tới nay chỉ có vốn nhà nước hoặc vốn nước ngoài mới có thể kham nổi, chưa kể thời gian hoàn vốn phải lên tới 15 - 20 năm.

Thế nhưng đối với ông, việc đổ tiền vào dự án này là do trong tương lai sân bay Phan Thiết sẽ là sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế của Bình Thuận. Với ông, đó là trách nhiệm xã hội và cũng là điều cả chính quyền cũng như người dân Bình Thuận đều mong muốn.

Mặt khác dự án này sẽ tác động tới những dự án du lịch khác của ông tại Bình Thuận như Sealink City, sân golf Sea Links… Giá trị các khoản đầu tư của những dự án này vì thế cũng sẽ tăng lên và từ đó lại bù sang cho dự án sân bay, đảm bảo bài toán cân đối tài chính tổng thể.

Tập đoàn Rạng Đông sẽ sử dụng vốn vay với tỷ lệ thấp nhất, vốn tự có sẽ đạt tỷ lệ trên 50%, ngoài ra cũng sẽ phải điều tiết lợi nhuận của các công ty thành viên trong 2 đến 3 năm.

Sân bay Phan Thiết - dự án sân bay đầu tiên theo hình thức BOT này dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2018.

2. Đại gia xứ Thanh Lê Viết Nam và sân bay Quảng Ninh

Vượt qua tất cả các ứng cử viên sáng giá ứng thầu dự án sân bay Quảng Ninh theo hình thức BOT, Tập đoàn Sun Group của đại gia Lê Viết Nam đã được UBND tỉnh Quảng Ninh lựa chọn trở thành nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng.

Dù là tập đoàn mới chỉ thành lập từ năm 2007 nhưng đến nay Sun Group đã là cái tên nổi như cồn trong giới đầu tư xây dựng, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng với các dự án "khủng" như The French Village trên Bà Nà Hill (70 triệu USD), khu biệt thự The Sun Villas (65 triệu USD), Cáp treo Mường Hoa - Fansipan (4.400 tỷ đồng)...

Trong khi đó thì ông chủ của Sun Group, doanh nhân trẻ tuổi Lê Viết Nam lại rất ít khi xuất hiện trên báo chí bởi ông là người khá kín tiếng. Ít ai biết rằng ông đã là một doanh nhân thành công trên thị trường ở Đông Âu với thương hiệu mì ăn liền Mivina, từng giữ chức vụ Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine và là lãnh đạo của Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài.

Chân dung những đại gia "xoay mình" đổ tiền tỷ đầu tư vào sân bay
Chân dung đại gia Lê Viết Nam
Với quyết định trở về Việt Nam, đại gia xứ Thanh này đã sẵn sàng đổ hàng nghìn tỷ đồng vào phát triển hạ tầng du lịch của Đà Nẵng, xây dựng hàng loạt những dự án mang tính chất tầm cỡ quốc gia và khu vực trên thành phố xinh đẹp này.

Mới đây, khi tham gia đấu thầu dự án cảng hàng không Quảng Ninh với số vốn 7.500 tỷ đồng, ông Nam đã cho thấy bước xoay chuyển mạnh mẽ về lĩnh vực cũng như khu vực đầu tư của mình. Dự kiến dự án sân bay này sẽ bắt đầu được khởi công vào tháng 5/2015.

3. "Miếng bánh" sân bay Phú Quốc và sự cạnh tranh giữa tỷ phú Vượng và Bầu Hiển

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã từng bày tỏ nguyện vọng được nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc, trong khi đó Tập đoàn T&T của đại gia Đỗ Quang Hiển cũng đã đề xuất xin mua lại toàn bộ Cảng hàng không Phú Quốc hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động, cam kết đầu tư nâng cấp và không chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

Ông Đỗ Quang Hiển - chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T là một doanh nhân đã nổi danh chủ yếu nhờ những khoản đầu tư vào bóng đá và xe máy Trung Quốc. Sau đó, người ta bắt đầu biết đến ông ở vai trò Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và còn là chủ tịch HĐQT của SHF, SHS và một số công ty khác.

Còn ông Phạm Nhật Vượng liên tục xuất hiện trên truyền thông với danh hiệu tỷ phú giàu nhất Việt Nam hiện nay và là chủ tịch của tập đoàn hùng mạnh Vingroup. Theo xếp hạng của Forbes năm 2015, ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam với khối tài sản 1,7 tỷ USD.

Chân dung những đại gia "xoay mình" đổ tiền tỷ đầu tư vào sân bay
Chân dung tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Tập đoàn Vingroup đã trở thành thương hiệu đa ngành lớn mạnh trong nền kinh tế Việt Nam với những dự án bất động sản hoành tráng mang tầm cỡ quốc tế như Times City, Royal City, biệt thự Vinhomes Riverside hay sắp tới đây là chung cư Vinhomes Nguyễn Chí Thanh.

Hiện nay dưới sự điều hành của ông Phạm Nhật Vượng, Vingroup luôn nằm trong top 5 các công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị ước tính khoảng 3,4 tỷ USD.

Còn đối với tập đoàn T&T của Bầu Hiển thì lĩnh vực bất động sản dường như lại không phải là nơi đầu tư thuận lợi của ông. Ngay cả ở mảng tài chính, sau khi sáp nhập Habubank, SHB thường xuyên lọt vào danh sách các ngân hàng có nợ xấu cao và lợi nhuận không ổn định, Công ty chứng khoán SHS cũng không khá khẩm hơn nhiều. Tuy nhiên, gần đây, SHB đã giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu, hoạt động có nhiều tiến triển tốt hơn.

Chân dung những đại gia "xoay mình" đổ tiền tỷ đầu tư vào sân bay
Chân dung đại gia Đỗ Quang Hiển
Việc bán lại sân bay Phú Quốc cho doanh nghiệp tư nhân đến nay vẫn có nhiều luống ý kiến tranh luận trái chiều, người thì nói không, kẻ thì bảo đừng.

Vì vậy cả hai đại gia đều vẫn đang tiếp tục chờ đợi những "phán quyết" từ chính phủ về việc nhượng quyền lại cảng sân bay Phú Quốc để lấy vốn xây dựng cảng sân bay quốc tế Long Thành vào Phiên họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới, hơn nữa phải được Chính phủ thông qua và được xét duyệt, cân nhắc kỹ lưỡng thì mới có thể quyết định được ai sẽ là người được chọn.

Tuy nhiên việc các đại gia từ trước đến nay vốn nổi tiếng về tài chính, bất động sản giờ lại "chuyển mình" quay sang hàng không đã cho thấy dường như lĩnh vực nay đang bắt đầu trở thành mảnh đất màu mỡ để cho các đại gia này đổ tiền vào đầu tư để sinh lời.

Huyền Trân (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn