Chấn động: Đàn báo quý hiếm sống hoang dã giữa thủ đô

Khám pháThứ Ba, 22/12/2015 06:33:00 +07:00

Khác với loài mèo nhiều lúc cứ đi lom khom, loài báo này lúc nào cũng đi thẳng, ưỡn người, vết chân sau đè lên đúng vết chân trước, cực nhanh nhẹn và hung dữ

(VTC News) - Khác với loài mèo nhiều lúc cứ đi lom khom, loài báo này lúc nào cũng đi thẳng, ưỡn người, vết chân sau đè lên đúng vết chân trước, cực kỳ nhanh nhẹn và hung dữ.


Kỳ 1: Loài báo kỳ lạ giữa lòng thủ đô

Chuyện phát hiện những loài thú quý ở rừng rậm hoang vu thì còn dễ hiểu, nhưng ngay giữa lòng thủ đô chen chúc, sự xuất hiện của những cá thể báo quý hiếm là đúng là chuyện lạ. Càng lạ hơn nữa, là chúng đang tồn tại trên những bãi đất bồi lau lách um tùm giữa lòng sông Hồng.

Chuyện là, trong một bữa lai rai, bạn tôi quê gốc Mê Linh (Hà Nội) cao hứng bảo hôm nào mua được báo đá sẽ rủ mọi người về đánh chén một bữa. Bản thân anh ta dù chưa được ăn lần nào nhưng nghe nhiều người kể lại là mùi vị của nó cực kỳ độc đáo.

Tôi cứ tưởng anh ta có quen biết với quán nhậu có mối buôn bán động vật quý hiếm. Hơn nữa, cái tên báo đá, hay báo mèo nghe lạ hoắc.

Hỏi thì người bạn kể rằng, ở Mê Linh, nhất là đoạn dọc theo sông Hồng, đã có rất nhiều người nhìn thấy loài báo đó, thậm chí còn bắt được nó. Còn về cái tên, thực ra cũng không ai biết nó là loài gì, chỉ thấy nó to gấp hai, gấp 3 lần con mèo, có những đốm chấm, con nhỏ thì có đốm nhỏ, con to thì đốm to, thường là màu đỏ, và khuôn mặt lại giống mèo, nên dân ở đó gọi nó với cái tên báo mèo.

Nghe anh bạn tiết lộ thông tin về đàn báo ở bãi bồi sông Hồng, tôi quả thực kinh ngạc. Theo lời giới thiệu, tôi tìm về thôn Văn Quán, xã Văn Khê, Mê Linh, một làng dọc bờ sông Hồng ở Hà Nội.

Phía bên kia con đê là một bãi bồi lớn, bạt ngàn ruộng hoa, ruộng ổi, rau màu, cùng với những bụi lau lách um tùm. Theo như nhiều người kể lại, xưa bãi bồi này hoang vu lắm, về sau phù sa cứ tích tụ dần, đâm ra hiện giờ đã có một con đường nhỏ chạy thẳng ra ngoài bãi, chứ không phải đi thuyền ra như trước nữa.

Một góc bãi bồi sông Hồng thuộc địa phận huyện Mê Linh
Một góc bãi bồi sông Hồng thuộc địa phận huyện Mê Linh 

Thấy tôi trò chuyện về hổ báo, ông Phạm Văn Sơn, một nông dân đang trồng ổi ở bãi bồi cười lớn: “Anh mà về cách đây vài ngày thì có lẽ chụp được ảnh con báo mèo rồi, họ vừa bắt được. Gì chứ chúng sinh sống ở đây nhiều lắm, vào cả trong vườn nhà tôi uống nước, tôi nhìn thấy suốt”.

Ông Sơn cho biết, báo mèo khác với loài mèo nhiều lúc cứ đi lom khom, cái giống này lúc nào cũng đi thẳng, ưỡn người, vết chân sau đè lên đúng vết chân trước, cực kỳ nhanh nhẹn và hung dữ. Nó thường săn mồi ban đêm, nhiều lúc kéo cả đàn đi. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ gây sự với người, chỉ thấy thoáng có tiếng động là chạy mất.

Ông Phạm Văn Sơn
Ông Phạm Văn Sơn  

Ông Sơn bảo, loài báo này quá quen thuộc với người dân ở đây. Mà thực ra nó đã từng xuất hiện cách đây hơn 20 năm. Chính xác hơn là vào trận lũ năm 1994, nước ngập mênh mông, trắng trời trắng đất, nhất ở hai bên bờ sông Hồng. Thời gian đó, cây cối ở thượng nguồn gãy gục trôi về hàng loạt, kể cả quan tài cũng bị cuốn về nổi lềnh bềnh trên sông.

Nhiều người dân ra vớt củi còn nhìn thấy cả những con thú lạ lùng, cả hổ báo trên rừng bị lũ cuốn, bám trên những cành cây gẫy đổ, theo dòng nước chảy về hạ nguồn. Ở mấy cái bãi bồi, từ đó về sau xuất hiện loài báo này, rồi thêm cả cầy hương, chồn bông lau.

Thời gian đó, ông Sơn suốt ngày đi bẫy chuột kiếm sống. Một đêm cuối năm 1994, ông đi bẫy chuột ở bãi bồi Thạch Đà (cách Văn Khê tầm 5km). Hồi ấy bãi Thạch Đà còn lau lách um tùm, ngập cả đầu người, hoang vu rậm rạp, chỉ có những ai gan dạ mới dám mò lên.

Video trăn khổng lồ đại chiến báo đốm


Đang đặt bẫy, ông Sơn bất chợ nghe tiếng gầm gừ, ngẩng mặt lên thì thấy cách mình không xa có một con thú đang đứng nhìn mình, to như con chó, ánh mắt hoang dại. Lúc đầu cứ tưởng hổ báo, ông hoảng hồn. Vốn đã có kinh nghiệm đi săn bắt thú, ông Sơn chiếu thẳng đèn pin vào cặp mắt của con thú ấy, rồi ba chân bốn cẳng chạy một mạch về nhà. Ông chỉ mới nhấc chân lên, con thú lạ cũng lao vút vào trong đám lau lách.

Bẵng đi một thời gian, trải qua mấy trận lụt, mấy bãi bồi dưới Thạch Đà cứ sạt lở dần. Nhưng có hiện tượng lạ là bãi bồi Văn Khê chuột đồng cứ vơi dần, ông Sơn đành chuyển sang bẫy chim và trồng rau, trồng ổi.

Lúc đầu ông vẫn nghĩ, do rắn rết hay diều hâu bắt mồi, nhưng cho đến lúc mấy bãi phân lạ thỉnh thoảng xuất hiện trong mảnh ruộng nhà mình, dính đầy lông chuột, ông mới khẳng định là có một loài thú bí ẩn chuyên ăn thịt chuột đã xuất hiện ở bãi bồi này.

Ông Sơn bảo, về sau liên  tiếp thấy những đống phân lạ dính đấy lông chuột trong khu vườn ổi của ông trên bãi bồi
Phân báo mèo dính lông chuột trong khu vườn ổi của ông Sơn trên bãi bồi 
Những mảnh xương gà bị loài báo bí ẩn này ăn thịt và bỏ lại trong vườn ổi
Những mảnh xương gà bị loài báo bí ẩn này ăn thịt và bỏ lại trong vườn ổi 

Kể đến đó, ông Sơn gọi mấy người đang làm ở những thửa ruộng bên cạnh sang nói chuyện. Nghe hỏi về báo mèo, mọi người thi nhau kể.

Ông Trần Như Sáu, chủ vườn hoa cạnh đó còn cho biết, có lần ông nằm ngủ trên bãi, thoảng nghe tiếng lạo xạo, mở mắt ra thì thấy cả hai con báo bố mẹ dẫn theo 4 con báo con đang sục sạo gần đó. Giật mình bật dậy, thì cả đàn ngay tức khắc lao vào bụi lau sậy ngay trước mặt mình.

Về sau, rất nhiều người dân Văn Khê bắt gặp loài báo này. Theo như ông Sáu dự đoán, nếu tính từ hồi năm 1994 cho đến giờ, thì rất có thể số lượng của chúng đã phát triển lên đến vài chục con.

Nói đoạn, ông Sáu dẫn chúng tôi đến gốc cây ở đầu vườn hồng, chỉ lên đó cho thấy hàng chục vết xước nham nhở trên thân cây. Đó là những vết cào đánh dấu lãnh thổ. Ngoài ra, chúng còn đánh dấu bằng mùi, phun nước tiểu, cọ đầu vào các vật thể khác nhau, hay là những bãi phân liên tục xuất hiện như trong ruộng ổi nhà ông Sơn.

Ông Sáu bên thân cây chi chít những vết cào của loài báo kỳ lạ này
Ông Sáu bên thân cây chi chít những vết cào của loài báo kỳ lạ

Cách đây vài năm, một đội chuyên bẫy chuột đồng bắt gặp cả đàn thú lạ cũng đang đi săn chuột, họ liền dồn đàn thú vào một góc, rồi dùng cái vợt dài tới 5 mét bắt được một con nhỏ. Lúc đó, mọi người mới biết chính xác là có một loài vật mới xuất hiện trên bãi bồi Văn Khê, trông giống như mấy con thú từng xuất hiện trên chương trình Thế giới động vật. Họ gọi đó là con báo mèo.

Nhiều người dân ở đây cũng cố gắng tổ chức thành các nhóm đi tìm kiếm dấu vết, nhưng họ không thể phát hiện ra đâu là nơi ở của đàn báo hoang giữa bãi bồi rộng lớn, cây cối um tùm rậm rạp này.

Ông Sơn bảo rằng, để nhìn thấy chúng cũng khá dễ, chỉ cần buổi trưa ngồi như phỗng giữa bãi bồi, sẽ thường xuyên thấy những con báo này xuất hiện. Tuy nhiên, không ai có thể chụp ảnh được nó, vì chỉ cần cử động tức khắc chúng sẽ lao vào bụi rậm, cực nhanh. Chỉ trừ khi có máy quay đặt ban đêm, kèm thêm một ít mồi như gà, chuột để sẵn, may chăng mới có thể quay lại được cảnh cả đàn ra ăn mồi.

Ông Sơn chỉ vào bức ảnh này và khẳng định, chính ông đã nhìn thấy loài báo này xuất hiện ở bãi bồi Văn Khê
Ông Sơn chỉ vào bức ảnh này và khẳng định, chính ông đã nhìn thấy loài báo này xuất hiện ở bãi bồi Văn Khê 

Tôi dùng điện thoại mở một số hình ảnh về loài báo ở trên mạng, ông Sơn chỉ tay vào một tấm ảnh và xác nhận đó là những con thú xuất hiện ở bãi bồi Văn Khê.

Theo như thông tin tôi tra trên Internet, thì khả năng đây là loài báo lửa hay beo vàng châu Á , còn được gọi là beo vàng Temminck, là động vật ăn thịt thuộc họ mèo có kích thước trung bình (dài 90 cm, cộng với đuôi dài 50 cm) cân nặng 12 đến 16 kg, chủ yếu sống hoang dã.

Báo lửa sinh sống trong khu vực Đông Nam Á, phổ biến từ Tây Tạng và Nepal tới miền nam Trung Quốc và Sumatra. Chúng ưa thích sống trong rừng tiếp giáp với những khu vực núi đá, và chúng còn được tìm thấy trong những cánh rừng lá xanh quanh năm cận nhiệt đới hay rừng mưa nhiệt đới. Đôi khi người ta cũng tìm thấy chúng sống trong những khu vực có địa hình bằng phẳng, rộng rãi.



Còn tiếp…

Ngọc Châm – Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn