Chăm con khỏe để gửi vào… trại mồ côi

Thời sựChủ Nhật, 30/11/2014 07:15:00 +07:00

Đó là những câu chuyện buồn nối tiếp trong bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Đó là những câu chuyện buồn nối tiếp trong bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Không một bác sĩ, y tá nào muốn dốc lòng nâng “con” như trứng, để khi con cứng cáp rồi lại phải bất lực gửi vào những trại trẻ mồ côi. Đó là những em bé vừa chào đời khi bị chính mẹ cha ruồng bỏ…

Tạm biệt bé Bình

Chiều 25/11, không khí trong khoa Nhi sơ sinh như chùng xuống. Chuyện được các nữ hộ sinh, điều dưỡng nhắc tới nhiều nhất là cuộc chia tay bé Bình vào ngày mai. Đang bận, nhưng chốc chốc các chị lại ngoái đầu ra phía hành lang hỏi: Bình về chưa? Rồi thì thầm với nhau tối nay tranh thủ ngủ với con, mai con đi rồi, nhớ lắm.

 Ngày cuối bé Bình được nâng niu trong vòng tay của các mẹ trước khi phải vào trại trẻ mồ côi.

16h30, bé Bình được một nữ hộ sinh bồng về. Vừa tới phòng trực, bé giơ tay đòi ùa vào lòng các “mẹ”, miệng cười thích thú để lộ mấy chiếc răng bé xíu. Chị Hoàng Thị Thanh Tâm - Điều dưỡng trưởng khoa Nhi sơ sinh, rầu rĩ nói với con: “Buổi cuối được các mẹ đón về, Bình ơi!”.

Khuya 20/12 năm trước, bệnh viện tư Tâm Trí Đà Nẵng chuyển đến bệnh viện Phụ sản - Nhi bé gái một ngày tuổi nặng chỉ 2.5kg, bị nhiễm trùng sơ sinh, da vàng, suy hô hấp. Các bác sĩ phòng Nhi sơ sinh lập tức tiếp nhận và điều trị cho bé. Lạ một nỗi, từ khi bé vào viện cho đến khi bình phục, không có bất cứ một người thân nào tới thăm nom, nuôi dưỡng.

Rà soát thủ tục nhập viện, thấy có đầy đủ tên của ba mẹ bé là Vương C. và Nguyễn Thị B., hiện trú tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Bệnh viện nhờ công an địa phương xác minh, tới nay bé đã gần một tuổi vẫn không có bất kỳ động thái nào từ gia đình.

Hôm bé tròn tháng, các nữ hộ sinh, điều dưỡng đặt cho bé tên Bình, với mong ước sau này bé sẽ bình yên. Các chị cũng tự cho mình lên thiên chức làm “mẹ”. Bình ở chung phòng với các mẹ, sáng sớm có mẹ thay đồ, chở đi ăn, đến trường. Buổi chiều, khi mẹ khác trên đường tới bệnh viện sẽ tạt ngang trường đón Bình về. Mẹ nào vừa nghỉ ca sẽ tắm rửa, cho Bình uống sữa. Các mẹ tự góp tiền mua quần áo, đồ ăn, sữa, lo học phí cho Bình.

Khi bé chập chững bước, các mẹ mua thêm một chiếc xe tập đi cho bé. Nhưng từ ngày biết ngồi vào xe chòi đạp tới nay, chiếc xe ấy vẫn chưa lăn ra khỏi Khoa Nhi sơ sinh của bệnh viện. Ngày nghỉ, Bình quẩn quanh trong phòng trực hết ngồi trên chân mẹ này lại nằm trong vòng tay mẹ khác. Lúc các mẹ quá bận, Bình tự chọi xe chạy dọc dãy hành lang, hoặc nép bên ghế mẹ ngồi làm việc. 

Hơn 11 tháng trời, Bình cứng cáp, bệnh viện liên hệ với Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi (quận Hải Châu, Đà Nẵng) tới đón Bình. Nghe tin, các mẹ buồn xo. “Bình ăn dễ, ngủ dễ nhưng mỗi tội thèm… được bồng. Miễn thấy ai đi qua là đưa tay đòi, ngồi một mình là khóc ré lên liền. Bây giờ về bên ấy, trẻ thì nhiều, mẹ thì ít, thể nào Bình cũng khóc suốt cho coi”, chị Tâm ứa nước mắt nói. 

Bình không phải là em bé đầu tiên bị bỏ rơi, nhưng là em bé đầu tiên ăn ngủ cùng các mẹ, được các mẹ cho đi học. Mỗi ngày Bình lớn lên là một kỷ niệm trong lòng những nữ hộ sinh, điều dưỡng. “Chị em coi Bình có khác gì con ruột đâu. Gửi bé vào trung tâm thì tội, nhưng biết làm sao được nữa, môi trường bệnh viện đâu có tốt cho bé, nhất là khi sống trong khoa điều trị bệnh”, một nữ điều dưỡng nói.

 Các bác sĩ, y tá tận tình chăm sóc những em bé bất hạnh như con mình.

Phó mặc cho bệnh viện

Trong khoa Nhi sơ sinh, ngoài trường hợp của Bình còn có nhiều em bé cũng bị cha mẹ bỏ rơi. Bé Ánh được chị Nguyễn Lê Hồng Ánh (cán bộ phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) phát hiện bị bỏ rơi gần Trung tâm văn hóa thành phố. Ánh được quấn trong một chiếc khăn, cả người tím tái, hơi thở yếu ớt. Chị Ánh lập tức đưa tới bệnh viện, các bác sĩ phát hiện bé bị não úng thủy. 

Đã hơn một năm trời, bé vẫn nằm trong phòng điều dưỡng, đầu to dị thường, áp lực trong não tăng cao nên bé khóc suốt ngày, hôm nào cũng phải uống ba lần thuốc giảm đau. Bé cũng không đứng, ngồi được, thành thử việc chăm bé rất khó khăn, mỗi lần tắm rửa phải có người đỡ đầu, người giữ chân.

Bên cạnh nôi bé Ánh là hai bé trai, là bé Sơn và bé Lê. Cả hai cũng cùng mang bệnh não úng thủy. Từ khi nhập viện và phát hiện bệnh, gia đình hai bé vẫn không hề liên lạc nhận con. Các điều dưỡng phải thay nhau trực và chăm sóc cả ngày lẫn đêm.

Cái chết của bé Nguyệt mới đây vẫn còn nhức nhối cả bệnh viện. Cũng như bé Ánh, Nguyệt vừa chào đời đã mang chứng não úng thủy. Mẹ Nguyệt nhìn đứa con đỏ hỏn dị thường liền dứt ruột bỏ đi.

Sức khỏe của bé ngày một xấu, bệnh viện liên hệ mẹ bé đến chăm sóc và cho bú sữa, mẹ bé cắn răng bảo nhà nghèo quá, con bệnh nặng thế kia đưa về không có tiền chữa trước sau gì cũng chết. Giờ nhắm mắt bỏ con lại, các bác sĩ chăm sóc hay cho ai thì tùy…

Nhiều trường hợp, con hoàn toàn khỏe mạnh nhưng những bà mẹ vẫn không hề muốn nuôi. Cách đây không lâu, camera căng tin bệnh viện ghi lại hình ảnh một phụ nữ bồng con chưa rụng rốn ngồi ăn cơm trưa.

Cùng lúc, một cặp vợ chồng dẫn con đi khám bệnh vào ngồi chung bàn, người phụ nữ trên sang nhờ bế con để đi vệ sinh, nhưng cả tiếng sau vẫn không quay lại. Đôi vợ chồng phải mời công an tới lập biên bản, đưa bé lên phòng dưỡng nhi và được bệnh viện nuôi dưỡng cho tới bây giờ.

Bé Thảo, hiện đang ở tại khoa Sản có lẽ là em bé chịu số phận bi kịch nhất. Em có đủ cha mẹ, hoàn toàn khỏe mạnh nhưng vẫn bị bỏ rơi chỉ vì em là đứa thứ ba mà vẫn là con gái. Các bác sĩ kể khi sinh ra, hay tin lần này tiếp tục là con gái, cha em lạnh lùng bỏ hai mẹ con ở lại, hôm sau mẹ em cũng nhẫn tâm bỏ đi luôn.

Bây giờ, Thảo đã hơn sáu tháng tuổi, da trắng ngần, đôi mắt to tròn rất đáng yêu. Thảo sống trong vòng tay của các mẹ ở khoa sản, từ miếng cháo, bình sữa hay bộ đồ, đều do các mẹ quyên tiền lại mua.

 Bị cha mẹ ruồng bỏ bởi không phải là con trai, nhưng bé Thảo may mắn được sống trong vòng tay của những người mẹ khoác áo blouse trắng.

Mong các trung tâm bảo trợ sớm nhận trẻ

Trong các hồ sơ về việc trẻ bị bỏ rơi, họ tên của các em đều rất mập mờ. Trai Sơn, Trai Lê, Gái Huệ, Gái Bình…là gọi theo giới tính và tên của ba, mẹ, thậm chí là của người phát hiện và bế các em vào viện. Những em không biết được nguồn gốc gia đình thì gọi tạm Trai Rơi, Gái Rơi.

Chị Nguyễn Ánh Cẩm Nguyên - Phòng tổ chức hành chính của bệnh viện, cho biết: “Bất kỳ trẻ bị bỏ rơi nào được bệnh viện tiếp nhận, chúng tôi cũng làm tờ trình gửi công an xác minh, tuy nhiên phần lớn không tới nhận lại con mình. Một số trường hợp còn khai man địa chỉ”.  

Sống trong bệnh viện, các bé chỉ biết những người mẹ khoác áo blouse, chơi đùa trên giường bệnh. Bé nào may mắn, thì được các tổ chức hảo tâm tặng cho con thú bông để ôm ngủ. Có lẽ, một lần được hóng khí trời đối với các bé cũng là xa xỉ.

Bác sĩ Nguyễn Sơn - Phó GĐ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tâm sự: “Môi trường bệnh viện hoàn toàn không tốt, các em càng ở lâu thì nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao. Với những bé khỏe mạnh, mong các Trung tâm bảo trợ tạo điều kiện đến đón các em về chăm sóc, nuôi dưỡng càng sớm càng tốt”. Bác sĩ Sơn cũng cho biết thêm sau khi về Trung tâm, các bé gặp vấn đề về sức khỏe, bệnh viện sẽ hỗ trợ điều trị cho các bé.
Tất cả các em nhỏ bị bỏ rơi đều được bệnh viện chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi sức khỏe. Khi các em bình phục sẽ gửi vào các Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Từ năm 2012 tới nay, bệnh viện đã gửi sang các trung tâm 14 trẻ. Các em đều khỏe mạnh, phát triển bình thường. Những trường hợp bị bệnh nặng không thể can thiệp được nữa, bệnh viện sẽ để các em nằm lại và tiếp tục chăm sóc theo phương châm “còn nước còn tát”.

Theo TPO
Bình luận
vtcnews.vn