‘Chắc chỉ có Việt Nam, Lịch sử mới có thảm cảnh khủng khiếp thế này’

Giáo dụcThứ Tư, 25/11/2015 07:55:00 +07:00

Chuyên gia giáo dục cho rằng không thể tích hợp môn Lịch sử và phải để cho bộ môn này một vị trí xứng đáng.

(VTC News)- Chuyên gia giáo dục cho rằng không thể tích hợp môn Lịch sử và phải để cho bộ môn này một vị trí xứng đáng.

Xung quanh tranh cãi về việc tích hợp môn Lịch sử, PV VTC News đã trao đổi với TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) để có góc nhìn đa chiều.
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư Phạm Hà Nội)
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư Phạm Hà Nội) 

- Theo quan điểm của bà, vì sao học sinh ngày càng quay lưng với môn Lịch sử?

Trước tiên, ta phải đồng ý với nhau là chương trình Lịch sử phổ thông được soạn rất nhàm chán. Chương trình ưu tiên dạy cho trẻ Lịch sử từ năm 1930 đến nay còn phần Lịch Sử từ năm 1930 trở về trước rất mờ nhạt.

Ngoài ra, chương trình Lịch sử của chúng ta nhấn mạnh lịch sử chống ngoại xâm mà bỏ đi hay nói đúng hơn là lướt qua một cách liệt kê sơ sài phần lịch sử xây dựng đất nước đặc biệt là thời kì phong kiến.

Cách trình bày Lịch sử cũng thiên về thống kê các sự kiện chứ không phải là tái hiện.

Sách giáo khoa Lịch sử vô cùng nhàm chán, chưa kể phương pháp dạy học cổ điển làm cho môn Sử càng kém hấp dẫn hơn nữa.

Phương pháp thuyết trình được áp dụng gần như triệt để cũng làm thui chột nốt chút tình cảm cuối cùng của  học trò.

Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá đặt trọng tâm ở việc thuộc lòng cũng làm cho Lịch sử trở nên tồi tệ trong mắt trẻ.

- Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể liên quan đến môn Lịch sử ở THPT có các môn, phân môn, chuyên đề như sau: Lịch sử tự chọn (dành cho học sinh chọn Khoa học xã hội nói chung và ngành lịch sử); phân môn Lịch sử trong Khoa học xã hội (lớp 10, 11) dành cho học sinh chọn các môn Khoa học tự nhiên; và phân môn Lịch sử trong môn Công dân với tổ quốc; cuối cùng là các chuyên đề tự chọn, trong đó có chuyên đề về lịch sử. Sự phân chia như vậy liệu có tạo ra sự chồng chéo, phá nát môn Lịch sử?

Tôi không nghĩ đến việc phá nát hay không. Điều tôi nhận thấy là chính các nhà xây dựng chương trình phổ thông cũng coi thường môn Lịch sử thì nói gì đến các em học sinh.

Riêng việc môn Lịch sử được chọn để lồng ghép trong khi môn Ngoại ngữ lại là một môn học bắt buộc cũng cho thấy rõ nét rằng chính những nhà khoa học đang xây dựng chương trình phổ thông cũng coi trong tiếng nước ngoài hơn Lịch sử Việt Nam rồi. Các nhà khoa học còn thế, nói chi đến trẻ con?


- Môn Công dân với Tổ quốc trong dự thảo chương trình là môn tích hợp 3 phân môn Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh. Tích hợp 3 môn này liệu có hợp lý?

Tích hợp kiểu gì theo tôi chắc chắn các nhà khoa học có các luận cứ khoa học đàng hoàng để chứng minh là phù hợp. Tôi chỉ lấy làm ngạc nhiên vô cùng khi: “Dân ta khỏi biết Sử ta/Hễ ngoại ngữ tốt đã là thành công”.

- Tích hợp như vậy có khiến học sinh càng quay lưng với Lịch sử?

Điều đám trẻ nhận được chính là thái độ thiếu coi trọng bộ môn này của người lớn nên chúng quay lưng lại là bình thường.

Điều này Lịch sử đã chứng minh khi môn Toán, Văn, Ngoại ngữ luôn được coi là môn thi bắt buộc trong mọi kì thi còn Lịch sử thì không thấy nhắc đến. Bây giờ lại ghép nối nữa, học sinh không quay lưng lại mới là lạ.

- Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng Lịch sử không hề bị coi nhẹ mà thâm chí còn được coi trọng hơn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung lịch sử còn được giáo dục tích hợp trong nhiều môn học khác và số tiết tích hợp này còn nhiều hơn so với hiện tại. Lý giải như vậy liệu có thỏa đáng?

Một sự thật hiển nhiên là khi phân công số tiết rất kĩ càng nhưng ở dưới các trường học thì các giáo viên lại làm theo ý của họ.

Ví dụ: Đã xảy ra tình trạng giáo viên tiểu học cắt giảm thời lượng môn Lịch sử - Địa lý để dạy Toán, Tiếng Việt. Lý do đơn giản là vì các kì thi chỉ chọn Toán và Tiếng Việt mà không chọn Lịch sử - Địa lý.

Ngoài ra, 2 môn ghép vào với nhau thì còn quan trọng gì nữa. Nếu bạn làm một chuyến du hành nhỏ đi hỏi lũ trẻ con, bạn sẽ biết sự thật này. Nó hiện hữu khắp nơi như bạn và tôi đang ngồi ở đây.
Lịch sử dự kiến sẽ trở thành môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Lịch sử dự kiến sẽ trở thành môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới 

- Theo nghiên của của bà, các nước có nền giáo dục phát triển dạy Lịch sử như thế nào?

Theo tôi được biết thì có rất nhiều Quốc gia đã coi Lịch sử là môn học quan trọng nhất. Tôi được biết Hungary chọn Lịch sử là một trong các môn thi tốt nghiệp THPT.

Tôi thấy Lịch sử được coi trọng và giáo dục ở khắp nơi trên thế giới. Chắc chỉ có Việt Nam, Lịch sử mới có thảm cảnh khủng khiếp thế này.

- Có chuyên gia cho rằng không nên đặt vấn đề để Lịch sử là môn độc lập hay tích hợp mà cần thay đổi về phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách tiếp cận của học sinh. Bà có đồng tình với quan điểm này?

Nếu bạn để ý thì sẽ thấy, môn học nào đứng độc lập, được nhắc đến nhiều trong các chương trình, các kì thi thì môn đó tự động biến thành môn quan trọng và cũng tự động trở nên hấp dẫn khi các nhà khoa học đầu tư vào nghiên cứu các phương pháp dạy trẻ hữu ích, hiệu quả.

Vì thế, để thay đổi phương pháp, chương trình, sách giáo khoa, việc đầu tiên phải dành cho nó vị trí phù hợp đã.
Giật mình với câu trả lời hồn nhiên: ‘Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố con’

- Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng “không yên tâm với cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo” khi tích hợp môn Lịch sử. Cách làm của Bộ có khiến bà đồng tình?

Trong khoa giáo dục tiểu học, tôi đảm nhận việc bổ trợ kiến thức của 5 ngành khoa học cho sinh viên là Địa lý, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh vật trong 1 bộ môn mang tên Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội.

Tôi không thể kể hết sự vất vả của chính mình và sinh viên bởi vì khi tích hợp. Nếu hiểu tầm quan trọng của từng môn, biết chia sẻ thời gian cho từng môn thì việc học cũng rất vất vả và thiếu hấp dẫn.

Còn nếu không, các em ấy sẽ phải học thuộc lòng toàn bộ và đi thi để rồi thi xong là quên hết.

Vì thế, tôi nghĩ, lồng ghép thế nào cần có một cơ sở lý luận chặt chẽ và nội dung biên soạn phù hợp. Nếu không sẽ càng khó khăn và rối loạn hơn nữa.
Trận Bạch Đằng
Trận Bạch Đằng 

- Nhiều ý kiến cho rằng khi chưa chuẩn bị đào tạo giáo viên giảng dạy tích hợp nhưng quyết định dạy tích hợp thì sẽ khó thực hiện trong thực tế?

Điều đó thì quá đúng. Với cách dạy như hiện nay, bạn tin rằng giáo viên biết hết các môn học để có thể theo đuổi bất kể môn nào sau khi đã tốt nghiệp cả mấy chục năm hay sao? Theo tôi, điều đó là hoang tưởng.

- Để học sinh yêu lịch sử, theo bà cần làm gì?

Như tôi đã nói ở trên, hãy đặt Lịch sử ở vị trí phù hợp với tầm quan trọng của bộ môn này.

Từ đó, các nhà khoa học chắc chắn sẽ tìm ra đủ cách để viết chương trình, sách giáo khoa, xây dựng các phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá đa dạng, phong phú và làm cho học sinh bị môn Lịch sử đánh gục.

Bản thân tôi, việc đọc sách Sử để có nhiều hiểu biết về thời kì xa xưa là một trong những niềm vui trong cuộc sống.

Xin cảm ơn bà!


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn