Cha mẹ bất cẩn, con mang di chứng cả đời

Sức khỏeThứ Năm, 10/03/2011 06:32:00 +07:00

(VTC News) - Theo thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, số ca nhập viện vì bỏng ở trẻ em chiếm số lớn và đều do sự bất cẩn của người lớn.

(VTC News) - Theo thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, số ca nhập viện vì bỏng ở trẻ em chiếm đa số và đều do sự bất cẩn của người lớn. Điều đặc biệt vì thiếu hiểu biết của bố mẹ nên nhiều đứa trẻ đã phải chịu di chứng nặng nề.

Mẹ nướng mực, con bị bỏng

Đến khoa bỏng trẻ em của Viện Bỏng quốc gia ít ai có thể cầm được nước mắt vì những tiếng khóc thảm thiết của những đứa trẻ. “Vì còn quá nhỏ nên mọi đau đớn của các cháu đều dồn vào tiếng khóc mong bớt đau hơn. Nhiều khi mình cố cười quên đau thì những đứa trẻ này lại cố khóc để quên đau” – một y tá nói với chúng tôi.

Một bệnh nhi bị bỏng mắt vì nghịch axit. 

Trường hợp của cháu Nguyễn Hảo T. (19 tháng tuổi) Hải Dương đang nằm điều trị trong khoa khiến nhiều người qua thăm phải nén lòng. Mẹ của cháu bé nước mắt thổn thức kể về hôm kinh hoàng cho chúng tôi.

Hôm đó trời nắng ấm nên chị đi nấu nước để tắm. Nhà neo người không có ai trông con nên một tay bế con, một tay chị pha nước tắm. Khi ấm nước dội hết xuống chậu thau cũng là lúc cô con gái của chị sà người xuống chậu đầy nước nóng. Quá hoảng loạn chị không biết làm gì đành bế con chạy đi cầu cứu.

Sau khi cháu bị bỏng nhưng gia đình không đưa cháu đi viện ngày mà để ở nhà tự mua thuốc uống và thuốc bôi. Đến hơn một tuần khì đứa trẻ sốt cao vì vết bỏng gia đình mới đưa vào viện.

Cũng bị bỏng khi đang tắm bình nóng lạnh là trường hợp bé V.T.Q.T, 8 tuổi, trú tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Em T. được cấp cứu kịp thời trong tình trạng bỏng nặng vùng lưng, bụng và bộ phận sinh dục. Các bác sỹ cho biết em bị bỏng độ II với diện tích khoảng 40 %. Các bác sĩ khoa Điều trị tích cực – Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cho biết, hiện tại sức khỏe cháu T., đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị dài ngày.

Trường hợp của cháu Nguyễn Ngọc L. (3 tuổi, Yên Lac, Vĩnh Phúc) còn thương tâm hơn rất nhiều. Gia đình có khách nên mẹ cháu nướng mực bằng cồn. Trong lúc đang nướng thì cô con gái lớn chạy ra xem hỏi “mẹ làm gì đấy và đòi ăn mực”.

Mẹ cháu bé nịnh con vào trong nhà thì đứa bé làm đổ lọ cồn. Theo chiều gió nên lửa bén rất nhanh và bắt vào người bé Linh. Gia đình bé đã đưa bé đến bệnh viện. Hiện tại, bé Linh đã được phẫu thuật nhưng vết thương vùng tai vẫn không liền và đang chờ phẫu thuật lại. Nhìn thấy người lạ vào thăm, bé Linh cố gẳng mở mắt to và nước mắt em lắn dài vì đau rát.

Nhìn vẻ chịu đựng, đau đớn, khóc than của các cháu khi bị bỏng ai cũng phải đau xót vì khi đó khắp người các cháu đều phải băng bó, nằm im bất động vì hễ cử động lại chạm vào vết thương rất đau. Tai nạn bỏng có thể đe dọa đến tính mạng do mất nước, mất điện giải, nhiễm khuẩn vết thương, suy giảm miễn dịch... mặt khác có thể gặp một số di chứng về thể chất và tâm lý cho trẻ.

Chữa sai = hại con

Theo PGS – TS Nguyễn Ngọc Tuấn trưởng khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia hàng năm viện điều trị từ 1.300 đến 1.500 trường hợp bỏng trẻ em trong đó đa số những trẻ nhập viện đều do sơ cứu không đúng cách. Trường hợp ông Tuấn nhớ nhất là cháu Hồ Sĩ D. (18 tháng tuổi, quê Nghệ An) nhập viện năm 2000. Cháu D bị bỏng nước sôi. Gia đình cháu đã không đưa đi bệnh viện mà giữ lại ở nhà đắp thuốc.

Chữa bỏng theo cách dân gian, truyền miệng dễ để lại di chứng nặng nề cho trẻ. Ảnh bác sĩ cung cấp 

Trong quá trình đắp thuốc vết bỏng sâu không khỏi mà ngày càng nhiễm trùng, cháu D. trở nên suy dinh dưỡng, đang tiếc nhất là đôi mắt của cháu không nhìn thấy mặc dù vết bỏng không nằm trên vùng mặt. Di chứng của vết bỏng ảnh hưởng đến thị giác của cháu.

Cháu Cao Thị M. (Quốc Oai, Hà Nội) bị bỏng do ấm nước sôi, sau khi bị bỏng mẹ cháu đưa cháu lên Vĩnh Phúc chữa bệnh bằng cách đắp thuốc. Mất tiền triệu nhưng chỉ vài ngày sau cháu bị sốt cao. Khi gia đình đưa lên viện cháu M. đã bị hoại tử hai bàn chân, một phần cánh tay. Cháu đã phải cắt bỏ hai bàn chân của mình. Nhiều trường hợp sau khi bị bỏng gia đình chữa bằng cách đắp thuốc lá này nọ để lại những di chứng mà y học không thể giải quyết được. PGS Tuấn lo lắng nguy hiểm nhất là kinh nghiệm về chữa bỏng người này truyền người kia.

PGS Tuấn luôn nhấn mạnh “bỏng rất nguy hiểm, để lại nhiều di chứng thương tâm. Nhiều người cho rằng bỏng rất đơn giản nên càng thờ ơ và tự chữa. Có những đứa trẻ phải cắt bỏ tay chân, mù mắt vì bỏng, thương lắm”.

Các bác sĩ lưu ý, khi trẻ bị bỏng hãy bình tĩnh tách trẻ ra khỏi tác nhân gây bỏng, kiểm tra tính nguy kịch và ngâm rửa trong nước sạch (không nhất thiết phải nước bệnh viện). Giữ ấm cơ thể và phần không ngâm rửa được, khéo léo cởi quần áo, không làm trợt tróc vết bỏng. Che phủ vùng bỏng bằng bong gạc, băng lại và nhanh chóng vận chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Hải An - Tâm Huyền

Bình luận
vtcnews.vn