Cay đắng sao Việt sang Campuchia nhập tịch, đổi tên

Thể thaoThứ Ba, 17/09/2013 03:20:00 +07:00

Trở về Việt Nam sau quãng thời gian xuất ngoại chơi bóng tại… Campuchia, dường như Châu Phong Hòa có khối chuyện để hàn huyên.

Trở về Việt Nam sau quãng thời gian xuất ngoại chơi bóng tại… Campuchia, dường như Hòa có khối chuyện để hàn huyên, mà nói như anh, có thể viết thành cuốn hồi ký về cuộc đời “lên voi xuống chó” của một cựu hậu vệ từng khoác áo ĐTQG Việt Nam.

Phải độ gần 1 năm tôi mới gặp lại Châu Phong Hòa. Tranh thủ trận đá “phủi” mà Hòa tham gia bị hủy, tôi liền kéo Hòa vào một góc quán cà phê để “tâm sự 2 thằng đàn ông”.

Sẽ chết nếu không có bóng đá
 

- Người ta nói rằng, anh xuất ngoại thi đấu ở Campuchia, thực hư thế nào?


À, nói cho oai vậy thôi, chứ tôi sang Campuchia để mở cho mình con đường sống, may mà cũng kiếm cơm được nhờ bóng đá. Mà bóng đá là “ống thở” của tôi, nếu rút ra, Hòa này sẽ chết ngay.

Châu Phong Hòa
Châu Phong Hòa từng là tài năng được mến mộtrên sân bóng

- Hỏi thật nhé, bằng cách nào anh sang bên đó được, ai là người mai mối cho anh?


Tôi có một người bạn tên Tri, là người Campuchia. Anh ấy đã giới thiệu cho tôi sang bên đó để chơi cho đội Cảnh sát Phnom Penh tại giải VĐQG của nước này. Mọi chuyện bắt đầu đơn giản như vậy.


- Và thế là anh mạo hiểm leo lên xe đò để sang xứ Nam Vang?

Ban đầu tôi đã từ chối, bởi tôi chẳng có một người quen, hay thân thích nào ở bên đó. Bao trùm là nỗi buồn và cả sợ nữa…


- Sợ và buồn nhưng cuối cùng vẫn đi. Phải chăng đấy là cơ hội cuối cùng của Châu Phong Hòa?

Đúng là tôi đã không còn sự lựa chọn nào khác. Nói thẳng ra, đấy “bước đường cùng” đối với Châu Phong Hòa. Quá đau đớn nhưng tôi chấp nhận bởi tôi không còn chỗ để đi nữa.


Ám ảnh quãng đời cay đắng

- Nghe anh nói mà cay đắng quá…


Anh thử hỏi, có đắng cay, tủi nhục không khi mà tôi có mác “tuyển thủ quốc gia” nhưng phải lang thang xách giày đi xin tập ké, thử việc hết đội này đến đội khác đều bị lắc đầu từ chối. Cay đắng tới mức thậm chí cả đội hạng Nhì Tây Ninh họ cũng chê tôi.

Tôi nhận ra rằng, đó là dấu chấm hết cho cơ hội chơi bóng ở Việt Nam. Buồn nhưng tôi không oán trách ai.


- Lỗi lầm của bản thân đã khiến một tuyển thủ QG như anh phải trả một cái giá quá đắt, nhìn lại anh có “rùng mình” không?


Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ nhưng có những điều mà người ta thêu dệt, thêm thắt cho Châu Phong Hòa. Tôi không muốn thanh minh, nhưng những lời đồn tai ác đã đẩy tôi xuống vực sâu, mặc cho tôi có vùng vẫy, có cố gắng nỗ lực đến mấy đi nữa.

Châu Phong Hòa là "đệ tử ruột" của HLV Alfred Riedl
Châu Phong Hòa là "đệ tử ruột" của HLV Alfred Riedl

- Ý anh nói đến chuyện lô đề, cờ bạc và cả ma túy… những điều mà người ta đồn thổi về anh…

Đúng, tôi không phủ nhận vì có những điều họ nói là đúng. Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện mà tôi thấy một số người quá cay nghiệt dựng lên để triệt hạ tôi. Ví như chuyện sử dụng ma túy “đá”, tôi không hiểu tại sao người ta ác ý tung ra những lời đồn thổi biến tôi thành một kẻ ở đáy cùng của xã hội.

Tôi đau lắm!


Ngoại binh đặc biệt, lương 400 USD/tháng

- Thôi bỏ đi, chúng ta sẽ không đề cập đến chuyện này nữa, hãy nói chuyện anh đi đá bóng ở Campuchia đi. Tôi đang tò mò, bóng đá xứ này như thế nào?

 
Khác Việt Nam nhiều lắm, trình độ có khi chỉ bằng giải hạng Nhì của bên ta.


 
Khi vừa sang, tôi đã được làm giấy tờ để nhập quốc tịch Campuchia với cái tên là Sok-Va, có nghĩa là sự vui vẻ. Ra sân, trên sân tập, hay trên sân mọi người đều gọi tôi với cái tên Sok-Va.
Châu Phong Hòa
 
- Anh không nói đùa với tôi chứ?


Không, nghiêm túc đấy. Tôi kể cho anh nghe nhé. Ông trưởng giải bên đó nói với tôi rằng, giải VĐQG của Campuchia có được là do học mót từ Việt Nam. Tức là về cách thức tổ chức giải đấu, đội bóng đều giống của chúng ta nhưng trình độ thì thua xa nhiều lắm.


- Thế mà tôi cứ tưởng tượng họ cũng rất chuyên nghiệp?

Có ai cấm anh tưởng tượng đâu. Tôi nói vui đấy (cười). Giải VĐQG của xứ Nam Vang có 8 đội tham dự. Tất cả thi đấu vòng tròn trên một sân tại Phnom Penh, chọn 4 đội đứng đầu vào đấu chéo để tìm nhà vô địch, tương tự tốp dưới cũng thế và sẽ chọn ra một đội phải xuống hạng Nhất.


- Vậy kết quả của Châu Phong Hòa và những đồng đội thế nào?
 
Đội Cảnh sát Phnom Penh của tôi đứng thứ 5 toàn giải.


- Một kết quả không hề tệ…

Đúng thế, bởi đội bóng của tôi không mạnh và cũng chẳng được đầu tư như các đội bóng khác.


- Anh có thể nói thêm một chút về đội bóng của mình được không?

CLB Cảnh sát Phnom Penh trực thuộc Sở Cảnh sát Phnom Penh do ông Phó Cảnh sát trưởng thành phố này làm ông bầu. Tiếng là đội bóng cảnh sát nhưng thật ra, ông bầu này vác tiền nhà đi nuôi đội bóng. Ở bên đó không phải như mình, có lót tay, hay tiền lương cao ngất ngưởng, cầu thủ chỉ đi đá bóng ăn lương, nếu bầu hứng thì thưởng thêm tiền tiêu vặt, như thế đã là vui lắm rồi.


- Còn “ngoại binh” như anh, được hưởng mức lương như thế nào?


À! Tôi may mắn được nhận 400USD/tháng, đôi khi bầu thương, ông ấy cho thêm 100 USD nữa. Cũng như Việt Nam, ở bên ấy, giải đấu cũng được thuê ngoại binh, đăng ký 5 người nhưng chỉ ra sân 3. Nói chung trình độ chơi bóng của những anh Tây này cũng thuộc hạng làng nhàng. Có khi một vài anh đi bốc vác, hái cà phê… rồi được “lượm” qua đó chơi bóng.


Nhập tịch Campuchia

- Không biết anh thích nghi thế nào với văn hóa xứ Nam Vang?


Hồi đầu tôi nói tiếng Anh, sau này cũng học được chút ít tiếng của họ để giao tiếp, còn tiếng Việt rất ít khi được sử dụng. Tôi ăn ở tập trung cùng đội, tập xong rồi về phòng đóng cửa xem ti vi. Cuộc sống buồn tẻ nhưng lành mạnh. Nói chung, đó cũng là điều tốt cho tôi.

 
Cầu thủ chơi V.League còn thất nghiệp, phải bươn chải mưu sinh, nói gì đến tôi đã qua thời đỉnh cao.
 
- Tôi nghe nói khi chơi bóng ở Campuchia anh không mang tên Châu Phong Hòa, đó quả là một điều ngạc nhiên.


Đúng thế! Khi vừa sang, tôi đã được làm giấy tờ để nhập quốc tịch Campuchia với cái tên là Sok-Va, có nghĩa là sự vui vẻ. Ra sân, trên sân tập, hay trên sân mọi người đều gọi tôi với cái tên Sok-Va. Có khi về đây tôi hay nhớ lộn tên mình đấy…(cười).

- Anh đã quyết định chia tay đội bóng khi mới chỉ thi đấu được 4 tháng, liệu có ngày anh sẽ trở lại?

Ông bầu rất quý và nói tôi ở lại giúp đội, nhưng tôi cảm thấy đã đến lúc mình trở về để làm lại dù cái tuổi của tôi (28 tuổi) nhiều người cho là đã hết thời. Thực sự, tôi phải nói lời cám ơn với đội bóng và ông bầu đã giúp tôi vượt qua được cơn khát thèm chơi bóng, giúp cho tôi có một động lực để trở lại Việt Nam.

- Anh nghĩ các đồng nghiệp, các HLV ở Việt Nam sẽ nhìn anh với ánh mắt như thế nào khi trở lại?


Tôi cũng không biết nữa, hy vọng mọi người sẽ vị tha với tôi hơn.

- Nói gì thì nói, quan trọng nhất vẫn là chuyện chơi bóng, theo anh cơ hội trở lại chơi tại giải hạng Nhất thôi của Châu Phong Hòa là bao nhiêu %?


Những kỹ năng chơi bóng của tôi không mất đi, điều mà tôi yếu nhất bây giờ là thể lực. Sau khi rời đội Cảnh sát Phnom Penh, tôi hầu như chỉ tham gia đá phủi, ai kêu đâu tôi đi đá đó, nói chung được chơi bóng là hạnh phúc rồi.
Châu Phong Hòa trong màu áo Cảnh sát Phnom Penh
Châu Phong Hòa trong màu áo Cảnh sát Phnom Penh

- Anh dự tính chuyện tương lai như thế nào?

Để kiếm việc làm vào thời điểm này rất khó, bóng đá Việt Nam đã và đang có những thay đổi chóng mặt. Cầu thủ chơi V.League còn thất nghiệp, phải bươn chải mưu sinh, nói gì đến tôi đã qua thời đỉnh cao. Thôi thì đến đâu hay đến đó…


- Nghe có vẻ sẵn sàng buông xuôi nhỉ…

Không, tôi không phó mặc số phận đâu, chẳng qua sợ nói trước bước không qua thôi. Chẳng hạn như, sắp tới tôi tính xin các chú, các thầy ở Đồng Tháp cho tập luyện. Nói thật, chưa nơi nào lại có môi trường trong lành như đội bóng quê tôi. Hy vọng rằng, điều ước nho nhỏ của tôi sẽ trở thành hiện thực.

- Giả sử như một đội bóng nào đó thuê anh thì sao?


Còn gì bằng nữa, giờ được chơi bóng là niềm hạnh phúc của tôi. Ở bất kỳ nơi đâu, nếu họ cần tôi cũng đi, bằng mọi giá…

Xin cám ơn và chúc cho ước mơ của anh thành sự thật!


Theo Bongda+

Bình luận
vtcnews.vn