Cầu thủ Triều Tiên thi đấu tại nước ngoài: Luôn có người phiên dịch bí ẩn theo như hình với bóng?

Thể thaoThứ Năm, 06/10/2016 16:01:00 +07:00

Cho đến nay vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn về bóng đá Triều Tiên và câu chuyện sau đây về 1 cầu thủ Triều Tiên chơi bóng ở nước ngoài là 1 ví dụ.

Người phiên dịch bí mật

Choe Myong-Ho ngồi trong căn phòng nhỏ tĩnh lặng. Ngoài kia, tuyết đang phủ kín nước Nga. Anh cảm thấy hơi cô quạnh và nhớ gia đình. Nhưng trong căn phòng, ngoại trừ người bạn đồng hành đang trầm lặng nghiên cứu cuốn từ điển Triều Tiên - Anh, không còn một thứ gì để giải khuây. 8 giờ tối, Choe leo lên giường và đi ngủ. Một ngày hoàn toàn không có sắc màu nữa đã trôi qua.

Choe là một trong số những cầu thủ CHDCND Triều Tiên đầu tiên ra thi đấu ở nước ngoài. Sau khi liên tục tỏa sáng tại các giải trẻ châu Á, anh được CLB Krylia Sovetov Samara của Nga để mắt tới. Năm 2006, Choe xuất ngoại và chơi cho Samara. Cùng đi với anh, là một người phiên dịch đồng hương.

Câu chuyện thần bí về cầu thủ Triều Tiên thi đấu tại nước ngoài

Câu chuyện thần bí về cầu thủ Triều Tiên thi đấu tại nước ngoài

Những quan chức của Samara đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng “người phiên dịch” của Choe Myong-Ho không hề nói thạo tiếng Nga, nếu không muốn nói rằng rất tệ.

Nhưng rồi họ dần hiểu ra vấn đề khi người đàn ông đó ra điều kiện với BLĐ: Choe Myong-Ho sẽ không ăn ở cùng với đội, mà sẽ phải ở riêng một căn phòng trong đại bản doanh của CLB. 

Căn phòng ấy phải giản lược tối thiểu. Chỉ được phép có 2 chiếc giường, một nhà vệ sinh, chỉ có một quyển sách là Từ điển Triều-Anh và một quyển sổ tay để ghi nhật ký.

Ngoài ra không được phép có thêm một thứ gì khác. Không TV, không tủ lạnh.

Phóng viên tờ Russian Newsweek đến hỏi: “Làm sao các anh sống được mà không có TV và tủ lạnh?”.

Người phiên dịch, tên là Chang Dal-hon gay gắt trả lời: “Chúng tôi không cần chúng. Nếu có TV thì chúng tôi sẽ phí phạm cả buổi tối để xem những thứ vớ vẩn và không thể tập luyện tốt trong ngày hôm sau. 

Người Bắc Triều Tiên cũng không cần tủ lạnh. Tủ lạnh để làm gì? Tác dụng duy nhất của nó là để có đồ uống lạnh trong mùa Hè. Mà nếu làm thế, bạn sẽ bị viêm họng và không thể đi tập luyện được”.

Mặc dù tuyên bố “không cần tủ lạnh vì sợ viêm họng”, nhưng theo ghi chép của các phóng viên Nga, trong thời gian thi đấu tại Samara, Choe Myong-Ho thích nhất là tự thưởng cho mình một lon Coca-Cola lạnh bên đường pitch sau mỗi trận đấu. Coca-Cola là biểu tượng của văn hóa Mỹ, vốn bị chế độ CHDCND Triều Tiên tẩy chay và không thể xuất hiện ở đất nước này.

Choe Myong-Ho khi còn thi đấu cho CLB Krylia Sovetov Samara

Choe Myong-Ho khi còn thi đấu cho CLB Krylia Sovetov Samara

“VÙNG LÃNH THỔ” ĐƯỢC BẢO VỆ TUYỆT ĐỐI

Cả hai đều tỏ ra đặc biệt kính ngưỡng chủ tịch Kim Nhật Thành. Khi được yêu cầu hát một bài, Choe Myong-Ho chọn hát ca khúc: “Kim Nhật Thành, vầng mặt trời của chúng tôi”. 

Clip: Tuyển Triều Tiên tập luyện bí mật

 
Những tờ báo Nga tin rằng “người phiên dịch” không biết tiếng Nga kia là một thành viên của SSD – cơ quan an ninh quốc gia Triều Tiên.

Mỗi ngày, sau khi tập luyện, dưới sự giám sát kỹ lưỡng của “người phiên dịch’, Choe Myong-Ho đi thẳng về căn phòng nhỏ của mình. Anh không bao giờ tham gia những bữa tiệc cùng đồng đội, cũng hiếm khi xuất hiện trong những cuộc trả lời báo chí. 

Nếu phóng viên đến tiếp cận, Choe sẽ phải đánh mắt sang Chang để chờ một cái gật đầu trước khi trả lời phỏng vấn. Những câu trả lời của anh chỉ chung chung về trách nhiệm quảng bá hình ảnh đất nước bằng thể thao, lòng sùng kính dành cho Chủ tịch Kim Nhật Thành và Lãnh tụ Kim Chính Nhật.

Thỉnh thoảng, Choe và Chang cũng ra ngoài phố để đi dạo cùng nhau, nhưng chỉ loanh quanh ở những thắng cảnh, công viên hay bờ sông. Không quán xá, không mua sắm, không tiếp xúc với người bản địa.

Những tờ báo Nga tin rằng “người phiên dịch” không biết tiếng Nga kia là một thành viên của SSD – cơ quan an ninh quốc gia Triều Tiên. Không ai có thể xác nhận điều đó. 

Nhưng nếu Chang thực sự là nhân viên SSD, thì quá dễ hiểu tại sao Choe không bao giờ tiếp xúc thân mật với báo chí hay các đồng đội: họ là những mật vụ đã được tuyển chọn, đào tạo cực kỳ bài bản và khắc nghiệt trong các doanh trại bí mật trong rừng núi, với võ thuật thượng đẳng và lòng trung thành tuyệt đối dành cho Chủ tịch Kim Nhật Thành, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ để bảo vệ sự an toàn của chế độ. 

Choe Myong-Ho trong 1 bức ảnh hiếm hoi chụp cùng người đồng đội Oh Beon-Seok (phải), chàng hậu vệ cùng dân tộc nhưng là người Hàn Quốc

Choe Myong-Ho trong 1 bức ảnh hiếm hoi chụp cùng người đồng đội Oh Beon-Seok (phải), chàng hậu vệ cùng dân tộc nhưng là người Hàn Quốc

Chỉ một động tác “sai lạc” đến từ Choe, anh có thể sẽ phải trả giá đắt. Nói cách khác, Choe Myong-Ho không hề rời biên giới Triều Tiên. Anh đã đến Nga cùng với một “vùng lãnh thổ” được bảo vệ tuyệt đối quanh mình, trong căn phòng nhỏ hẹp kia.

Đặc biệt quan trọng hơn, Choe được ghi nhận là không bao giờ lai vãng gần một đồng đội ở Samara: Oh Beom-Seok. Chàng hậu vệ cùng dân tộc với Choe chỉ khác anh ở một điểm. Oh được sinh ra ở thành phố cảng Pohang, phía Nam bán đảo Triều Tiên. Anh là người Hàn Quốc.

Do mâu thuẫn chính trị và không cùng ý thức hệ, hoặc do “người phiên dịch bí ẩn”, không bao giờ người ta thấy Choe Myong-Ho đứng gần Oh Beon-Seok. 

NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC LỰA CHỌN

Choe Myong-Ho không phải cầu thủ duy nhất của CHDCND Triều Tiên được chơi bóng ở nước ngoài. Nhà lãnh đạo Kim Jong-Il là một người đặc biệt chú trọng tới việc sử dụng bóng đá để quảng bá hình ảnh đất nước Triều Tiên. 

Đã có khoảng 20 trường hợp cầu thủ CHDCND Triều Tiên xuất ngoại thi đấu. Họ là những tuyển thủ đã được lựa chọn từ lứa tuổi thiếu niên, tập luyện tập trung rất bài bản và thường là đã tỏa sáng ở các giải trẻ châu Á. Và quan trọng nhất, để được ra nước ngoài thi đấu, các cầu thủ Triều Tiên phải có thân nhân tốt.

Một cầu thủ ra nước ngoài thi đấu có thể mang về rất nhiều vinh quang cho gia đình. Không ai dám chắc họ sẽ được thụ hưởng bao nhiêu phần trăm trong lương của mình, nhưng có một điều chắc chắn: với những người đã được Nhà nước CHDCND Triều Tiên lựa chọn làm nghĩa vụ quốc gia, gia đình của họ thuộc tầng lớp “có của ăn của để” trong xã hội

Choe Myong-Ho (áo trắng) là 1 trong số các tuyển thủ CHDCND Triều Tiên thi đấu ở nước ngoài và đều được kiểm soát chặt chẽ

Choe Myong-Ho (áo trắng) là 1 trong số các tuyển thủ CHDCND Triều Tiên thi đấu ở nước ngoài và đều được kiểm soát chặt chẽ

Theo hồi ký của nhiều người Triều Tiên hiện đang sống lưu vong, trong các gia đình có người làm nhiệm vụ ở nước ngoài, trong nhà luôn có những thực phẩm loại tốt, và đôi khi có cả TV. Đây là một đặc quyền hiếm hoi ở đất nước này, nơi vài chục hộ gia đình mới có một chiếc TV.

Tất cả các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu đều có “người phiên dịch” đi kèm. Cần nói thêm rằng ngoài “người phiên dịch” này, hệ thống các điệp viên của Triều Tiên ở nước ngoài, theo hồi ký của một siêu điệp viên mang tên Kim Ok Hwa của nước này từ năm 1991, là hết sức rộng lớn và tinh nhuệ. Nhiệm vụ kiểm soát hoạt động của các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài là không hề khó khăn.

Jong Tae-Se là trường hợp đặc biệt

Trong thế hệ người Triều Tiên thứ 2 tại Nhật Bản, hầu hết đều chọn quốc tịch Hàn Quốc. Nhưng cũng có khá nhiều cầu thủ chọn CHDCND Triều Tiên để phục vụ. Trong số này, nổi tiếng nhất chính là Jong Tae-Se, người từng thi đấu tại Bundesliga và được gọi là “Rooney Nhân Dân”. Nhờ có cả quốc tịch Hàn Quốc, Jong Tae-Se từng chơi bóng ở K.League cho CLB Suwon Samsung Bluewings và có một cuộc sống khá thoải mái, không có bất cứ sự kiểm soát nào.

(Nguồn: Bóng đá và cuộc sống)
Bình luận
vtcnews.vn