Loạn giá cầu thủ Ngoại hạng Anh: Bao giờ về giá trị thật?

Thể thaoThứ Tư, 02/08/2017 07:00:00 +07:00

Các cầu thủ từng thi đấu, đang thi đấu ở giải ngoại hạng Anh luôn được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thật mà họ mang lại và khiến cho các CLB phải tiêu tốn cả gia tài để chiêu mộ họ.

Jose Mourinho là người đầu tiên thổi giá? 

Ngày mới đến Chelsea, Jose Mourinho ngay lập tức trở thành tâm điểm của báo chí. Tại sao ư? Vì cá tính của ông quá mạnh mẽ. Vì Chelsea của ông với chiến thuật 4-2-3-1 trứ danh đủ sức đánh bại mọi hàng thủ. Nhưng trên hết là vì, ông được cấp quá nhiều tiền để mua sắm mà thông tin chuyển nhượng luôn là một trong những điểm được báo chí khai thác nhiều nhất. 

mourinho-2

 Giây phút Jose Mourinho tuyên bố: "Tôi là người đặc biệt". 

"Tôi muốn có 2 cầu thủ chơi ở cùng một vị trí" - Jose Mourinho tuyên bố. Và ông sẵn sàng ném vào thị trường những khoản đầu tư khổng lồ. 

"Ai mua cầu thủ với giá như thế nào, Chelsea sẽ đề nghị cao hơn" - chẳng nói đâu xa, HLV huyền thoại Sir Alex - người vốn quá nổi tiếng ở Anh Quốc từng phải chào thua Jose Mourinho và Chelsea vì những bản hợp đồng mang tính bạo chi. 

Ngay ở năm đầu tiên, Chelsea mang về Arjen Robben, Mateja Kežman, Petr Cech, Didier Drogba, Ricardo Carvalho, Jiří Jarošík, Nuno Morais, Tiago, Paulo Ferreira. Trong đó, Arjen Robben là bản hợp đồng mà Sir Alex tiếc hùi hụi khi ông bỏ ra 6 triệu bảng để có anh trong khi Chelsea sẵn sàng chi gấp đôi và thành công. 

Robben-2 3

 Sir Alex sẽ rất nhớ Robben. 

Didier Drogba cũng được mang về với giá 24 triệu bảng - hơn 5 triệu bảng những gì MU bỏ ra dành cho  "sát thủ vòng cấm địa" Ruud van Nistelrooy.

Sir Alex khi đó "cay cú" cho rằng, ông mua Eric Cantona chỉ với 1 triệu bảng, trong khi Chelsea tốn cả núi tiền để mang về những tiền đạo. Và Jose Mourinho thì đáp trả thẳng thắn: "Chẳng biết ai trước đó đã mua về Juan Veron với giá bằng 28 Eric Cantona cộng lại". 

mu-1 4

 Bộ tứ siêu đẳng nhưng đắt giá của MU. 

Chẳng nói đâu xa, Sir Alex cũng từng là một người khá bạo chi với các bản hợp đồng. Đầu tiên phải nhắc đến Roy Keane - cầu thủ này đến MU năm 1997 với giá chuyển nhượng 3,75 triệu bảng khi mà trên thị trường, các cầu thủ chỉ đáng giá vài trăm nghìn bảng - xấp xỉ mức lương tuần của cầu thủ hiện đại. 

Năm 2004, Sir Alex từng gây sốc khi chi tới 27 triệu bảng để mang về Wayne Rooney hay trước đó là 27,55 triệu bảng dành cho trung vệ Rio Ferdinand - đắt giá nhất vào thời điểm đó. Bản hợp đồng đắt giá cuối cùng của Sir Alex là dành cho Dimitar Berbatov với giá trị 30,75 triệu bảng năm 2009. 

Giá trị ảo vào thời hiện đại

Thật khó để so sánh vì có quá nhiều yếu tố liên quan nhưng cũng đáng để người ta tham khảo. Berbatov - bản hợp đồng đắt giá nhất của Sir Alex - chỉ tốn kém bằng xấp xỉ 1/2 so với những gì người người hậu bối Louis Van Gaal bỏ ra dành cho Di Maria và điều gì xảy ra sau đó? 

dimaria 5

 Giây phút mà chẳng fan MU nào muốn nhớ.

Di Maria rời MU sau 1 mùa giải với tuyên bố anh đến MU chỉ để transit chuyến bay tới sân Công viên các Hoàng tử của PSG. Van Gaal mất việc 1 năm sau đó với việc MU chỉ được dự Europa League. 

Với mức giá tương đương khoảng 28 triệu bảng, MU hiện tại của Jose Mourinho thậm chí còn tồi tệ hơn khi chỉ có thể mang về những cầu thủ mới chỉ thành danh trong màu áo của những đội bóng nhỏ như Victor Linderlof, Ander Herrera hay ... Marouanne Fellaini - một gã đồ tể vụng về. 

pogba-1 6

 Paul Pogba là người nắm giữ kỷ lục chuyển nhượng của MU. 

MU cũng tiêu tốn 89 triệu bảng cho Paul Pogba và dù sao, cầu thủ này mới chỉ 24 tuổi - vẫn còn rất nhiều thời gian để thể hiện mình xứng đáng đến từng xu. 

Chelsea cũng phải chịu hệ quả từ những việc làm lũng đoạn thị trường của mình. Họ mua John Obi Mikel sau lần chơi trội: trả 6 triệu cho Lyn Oslo và 12 triệu cho MU - đội bóng đã đạt thỏa thuận với Mikel trước đó. 

Tiếp theo, bản hợp đồng "đắt giá" nhất lịch sử của Chelsea, Fernando Torres mất tới 900 phút để ghi bàn và đắt nhưng không xắt nổi ra miếng vì giá chuyển nhượng 50 triệu bảng. Nói đắt giá nhất vì mỗi bàn thắng mà Torres ghi được có giá lên tới 1 triệu bảng. Shevchenko cũng là một ví dụ cần nhắc tới khi anh tiêu tốn của Chelsea 0,5 triệu bảng cho mỗi bàn thắng. 

Giá trị của các cầu thủ tăng phi mã sau thời kỳ lũng đoạn của MU và Chelsea. Man City cũng nổi lên từ năm 2008 và áp dụng cách của Chelsea trước khi "dùng tiền mua danh hiệu". Man City chi ra hơn 1 tỷ bảng trong 8 năm và mang về hàng loạt tân binh. 

man-city-1 7

 Năm ngoái, Man City đã lũng đoạn thị trường.

Tân binh đắt giá nhất trong thời kỳ này của Man City là Kevin De Bruyne với gần 54 triệu bảng. Tuy nhiên, lập tức trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2017, Man City phá vỡ các cột mốc ở hàng thủ với hàng loạt tân binh đắt giá: Mendy - 52 triệu bảng, Kyle Walker - 45 triệu bảng. 

Arsenal nổi tiếng keo kiệt cũng có cho mình 2 bản hợp đồng kỷ lục trong thời kỳ này, đó là Mesut Ozil - 42,5 triệu bảng và Alexander Lacazette nhưng hoàn toàn chưa thể tìm lại vinh quang cho mình, thậm chí còn thụt lùi khi không được dự Champions League 2017/2018. 

Liverpool thì gần như chẳng còn vị thế đại gia sau những thất bại liên tiếp. Có chăng, ở Premier League, chỉ có Tottenham Hotspurs là đội bóng nói không với danh hiệu đến từ tiền bạc. 

tottenham-1 8

 Tottenham có nhiều cầu thủ Anh và giá của họ bị đội lên nhiều lần. 

Tuy nhiên, họ cũng chính là đội bóng có nhiều cầu thủ bị đội giá nhất - vì thuần Anh. Trớ trêu cho những Harry Kane - 90 triệu bảng, Eric Dier - 60 triệu bảng, Dele Alli - 75 triệu bảng hay Kyle Walker (vừa sang Man City) cũng có giá tới 45 triệu bảng dù mất vị trí chính thức. Chẳng ai có thể tin vào những cái giá điên rồ này. Nhưng, đáng tiếc, nó đang là sự thật. 

Chốt lại, dùng tiền mua danh hiệu đã là quá phổ biến tại Anh. Tuy nhiên, lẽ ra, chi tiêu cần phải được chọn lọc hơn. Giá trị của các cầu thủ hiện tại quá ảo nhưng những đồng tiền các CLB phải bỏ ra là những đồng bảng thực sự. Và hơn nữa, Premier League đang lũng đoạn, khiến cho sự ảo của giá trị càng một leo thang. 

Đào Thị Hồng Thủy
Bình luận
vtcnews.vn