Cầu thủ ăn mừng bàn thắng thì khác gì, sao lại cay nghiệt với quán quân 17 tuổi?

Diễn đànThứ Ba, 22/09/2020 15:40:00 +07:00
(VTC News) -

Cầu thủ ghi bàn cũng ăn mừng cuồng nhiệt, thậm chí ngạo nghễ thì không sao, trong khi cô bé 17 tuổi thể hiện đúng cảm xúc bản thân thì lại nhận chỉ trích cay nghiệt.

Chiến thắng ở cuộc thi chung kết năm Olympia năm thứ 20 bớt vui ít nhiều với Nguyễn Thị Thu Hằng (trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình). Thay vì tận hưởng thành quả và nhận lời chúc mừng khi là bóng hồng đầu tiên giành vòng nguyệt quế sau 9 năm, Thu Hằng lại hứng chỉ trích từ cộng đồng mạng.

Em bị chê trách vì "ăn mừng thái quá" khi có điểm số vượt các bạn cùng thi, đồng thời "không tôn trọng đối thủ" vì có cảm xúc phấn khích khi thí sinh cuối cùng về đích Lưu Đào Dũng Trí chia sẻ không thể thực hiện giấc mơ đội vòng nguyệt quế và chọn gói câu hỏi an toàn. 

"Emrất buồn và chạnh lòng khi bị hiểu lầm có thái độ không tốt vì em không cố tình làm vậy. Em mong mọi người hiểu cuộc thi nào cũng có người thắng và người thua. Em mới 17 tuổi thôi nên chưa thể tiết chế được cảm xúc. Em hy vọng khán giả sẽ đặt vào trường hợp của người thân và gia đình em khi bị nói vậy sẽ rất đau lòng.

Em đã xem lại video thì thấy rất bất ngờ vì bản thân không thấy có hành động nào quá đáng quá, cũng không có hình ảnh làm mất thuần phong mỹ tục hay trái đạo đức.  Em hy vọng khán giả bớt khắt khe và cho em cơ hội được sống thật".

Lời chia sẻ của Thu Hằng thật chua xót. Cô gái bản lĩnh vượt qua rất nhiều thử thách ở cuộc thi tuần, tháng, quý, năm, đánh bại hàng chục câu hỏi khó để trở thành người duy nhất trong 144 thí sinh bước lên đỉnh vinh quang.

Cầu thủ ăn mừng bàn thắng thì khác gì, sao lại cay nghiệt với quán quân 17 tuổi? - 1

Các thí sinh Olympia đều có kiến thức rộng và nỗ lực phi thường. 

Không khó khăn kiến thức nào cản bước được Thu Hằng, nhưng cô gái mới 17 tuổi chẳng ngờ khi đi đến cuối con đường Olympia thì một thách thức khác lại đổ ập xuống. Đó là lời phán xét của cộng đồng mạng.

Thu Hằng có sai khi ăn mừng "thái quá"? Chắc chắn là không. Chiến thắng ở Olympia là vinh dự không chỉ của cá nhân thí sinh, mà còn là của gia đình, họ hàng, của ngôi trường đã nuôi dưỡng và đào tạo nên các em. Thắng Olympia, vui chứ, chứ đừng nói là thắng chung kết Olympia.

Mỗi thí sinh dự cuộc thi này chỉ có chưa đến 1% cơ hội chiến thắng chia đều. Một cựu thí sinh Olympia từng chia sẻ rằng: "Em học ngày, học đêm, xem thời sự, phải lên xe lúc 5h sáng để chuẩn bị cho một cuộc thi Olympia tháng".

Để được đội vòng nguyệt quế, các thí sinh phải vượt qua rất nhiều gian khổ. Và Thu Hằng còn vượt khó gấp 4 lần các bạn cùng chơi để thắng cuộc thi năm.

Những giọt mồ hôi trên trang sách, những đêm không ngủ, những ngày chống chọi với sức ép dồn dập ở tuổi 17, Thu Hằng chiến thắng vô cùng xứng đáng. Em có quyền được ăn mừng cho thỏa, dù là cảm xúc bột phát.

Chỉ thí sinh Olympia mới hiểu được cảm xúc vỡ òa khi chiến thắng. Để được ăn mừng, vui sướng trong vài giây, các em đã vùi tuổi xuân của mình trong nhiều ngày, nhiều tháng. Cảm xúc ấy, niềm vui ấy, tất cả đều đáng trân trọng.

Những ai chỉ trích Thu Hằng, nhưng liệu đã bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của cô bé 17 tuổi với chiến thắng vang dội đầu đời? Cũng khó nói, vì nhiều người trong chúng ta không đủ giỏi để đứng trên đỉnh vinh quang như Thu Hằng.

Trong thể thao cũng tương tự. Các cầu thủ khi ghi bàn cũng ăn mừng cuồng nhiệt, ôm chặt lấy nhau để chia sẻ niềm vui chiến thắng. Ricardo Kaka, Lionel Messi khi ăn mừng bàn thắng cũng giơ hai ngón tay lên trời như cách thể hiện niềm vui.

Ăn mừng là cách xả năng lượng cảm xúc vào không trung. Cảm xúc tích cực cũng giống tiêu cực, mỗi khi dồn nén đều tạo cảm giác không thoải mái. Miễn rằng vô địch bằng công sức và mồ hôi, nước mắt của mình, ai cũng có quyền tận hưởng. 

Cầu thủ ăn mừng bàn thắng thì khác gì, sao lại cay nghiệt với quán quân 17 tuổi? - 2

Kaka từng ăn mừng bàn thắng với hai ngón tay chỉ lên trời. 

Bóng đá hay Olympia đều như vậy. Bản chất của cuộc chơi là tranh đấu. Thi đấu hết mình đã đồng nghĩa với tôn trọng đối thủ. Ăn mừng cuồng nhiệt cũng là tôn trọng đối thủ, bởi nó cho thấy Thu Hằng đã rất khó khăn để vượt qua các thí sinh khác. Đâu có chiến thắng nào là hiển nhiên. 

Không ai trong số các bạn cùng chơi cảm thấy "bị xúc phạm" khi Thu Hằng ăn mừng, thì tại sao cộng đồng mạng phải bức xúc thay? Đừng bao giờ đặt cảm xúc dưới những gọng kìm phán xét đạo đức. Cảm xúc là chuyện của trái tim, nên để trái tim lên tiếng.

Hãy để Thu Hằng được sống thật với tuổi 17 của em, được vui sướng với những khối lượng cố gắng phi thường em đã bỏ ra để gia đình, trường học, quê hương mình được tự hào. 

*Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.

Hạ Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn