Cầu dây võng lớn nhất Việt Nam sẽ được 'cứu' thế nào?

Thời sựThứ Ba, 02/07/2013 12:00:00 +07:00

(VTC News) - Công nghệ quá mới, không lường hết được biến dạng cơ học và tác động của nhiệt độ là nguyên nhân gây tổn thương cầu dây võng lớn nhất Việt Nam.

(VTC News) - Công nghệ quá mới, không lường hết được biến dạng cơ học và tác động của nhiệt độ là nguyên nhân gây tổn thương cầu dây võng lớn nhất Việt Nam.

Công nghệ quá... mới

Liên quan đến sự cố lớp phủ mặt cầu Thuận Phước (Đà Nẵng), chiều 1/7, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Đà Nẵng, kiêm Trưởng Ban quản lý các Dự án công trình giao thông Đà Nẵng.

Ông Trung cho biết: “Lớp phủ mặt cầu Thuận Phước được thi công bằng vật liệu và công nghệ mới, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Mặc dù được thi công bằng công nghệ hiện đại và vật liệu Epoxy nhưng do công nghệ mới quá, không lường hết được biến dạng cơ học và tác động của nhiệt độ lên dầm cầu nên đã xảy ra tình trạng hư hỏng trong thời gian qua.

Cầu Thuận Phước, cầu dây võng, công nghệ quá mới, lớn nhất Việt Nam, loang lỗ, hư hỏng, Đà Nẵng
Theo Phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, sự cố hư hỏng lớp mặt cầu Thuận Phước do công nghệ quá mới và khảo sát thiết kế chưa tốt

Hơn nữa, do công tác khảo sát, thiết kế không đánh giá, lường hết những biến dạng cơ học cũng như tác động về nhiệt lên dầm thép nên đã tư vấn sử dụng hệ dầm mềm này. Dưới tác động của nhiệt độ môi trường tăng cao, kèm biến dạng cơ học của hệ dây võng đã làm dầm cầu co giãn dẫn đến hư hỏng lớp vật liệu mặt cầu”.

“Với tình trạng hiện nay, tôi không muốn nói lại chuyện đã qua. Tốt nhất chúng ta cùng đi tìm giải pháp tối ưu cho lớp phủ mặt cầu vì sự cố xảy ra là điều không ai mong muốn", ông Trung cho biết.

"Đứng góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi cũng đã làm hết sức, theo dõi từng ngày để có biện pháp khắc phục tối ưu nhất. Và có thể nói đây là trường hợp chưa từng có ở Việt Nam nếu như không muốn nói ở khu vực”, ông Trung cho biết thêm.

Hy vọng mới cho lớp phủ mặt cầu

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Trung cũng cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang theo dõi tiếp khả năng làm việc của lớp vật liệu thử nghiệm trên mặt cầu được thực hiện từ tháng 7/2012. Kết quả ban đầu khá khả quan, có thể đáp ứng được trên 80% yêu cầu làm việc.

Mặc dù đơn vị thi công đề nghị cho sửa chữa lớp phủ mặt cầu từ tháng 6/2013, nhưng chúng tôi yêu cầu để lớp vật liệu thực nghiệm lâu hơn, nhất là vào thời điểm nhiệt độ môi trường lên cao nên đến cuối tháng 7/2013 mới thực hiện việc sửa chữa”.

Cầu Thuận Phước, cầu dây võng, công nghệ quá mới, lớn nhất Việt Nam, loang lỗ, hư hỏng, Đà Nẵng
Ông Lê Văn Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, kiêm Trưởng Ban quản lý các Dự án công trình giao thông Đà Nẵng  

Về vật liệu, cơ bản là bê tông nhựa Polime dày 7cm có sử dụng phụ gia dính bám Epoxy. Bê tông nhựa sẽ thi công 2 lớp, lớp thứ nhất dày 4cm có kết hợp râu thép tăng cường khả năng dính bám; lớp thứ 2 dày 3cm.

Giữa 2 lớp có gia cường bằng sợi thủy tinh. Lớp bê tông nhựa cũ, hư hỏng sẽ được bóc bỏ thay bằng lớp bê tông nhựa mới.


Ngày 3/7, ông Trung cho biết, đơn vị sẽ làm việc với các bên liên quan đến tình hình hư hỏng, chất lượng của đoạn thí điểm và chọn phương án sửa chữa đối với lớp phủ mặt cầu Thuận Phước lần cuối cùng. Ông Trung hi vọng sẽ tìm ra giải pháp tối ưu và cho kết quả khả quan.

"Tất cả chi phí khoảng 3 tỷ đồng, do nhà thầu ECC chi trả toàn bộ theo cam kết”, ông Trung cho biết thêm.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn