Câu chuyện sau 'liều thuốc tăng lực' của ngành ngân hàng

Kinh tếThứ Hai, 11/04/2016 07:10:00 +07:00

Nếu như chính sách tỷ giá được xác định là cầu nối giữa nền kinh tế trong nước với nước ngoài, là điều kiện để các doanh nghiệp trong nước hoạch định chính sách

Nếu như chính sách tỷ giá được xác định là cầu nối giữa nền kinh tế trong nước với nước ngoài, là điều kiện để các doanh nghiệp trong nước hoạch định chính sách đầu tư, phát triển sản xuất thì việc lãi suất ngân hàng giảm tới 50% so với năm 2011 được xem là “liều thuốc tăng lực” để nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng phục hồi và tăng trưởng.

Nhưng để đạt được kết quả này lại là câu chuyện không hề đơn giản.

Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn nền kinh tế bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn, khó khăn. Đó là những bất ổn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Là hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước định trệ, tồn kho tăng cao. Trong khi đó, NHNN bước vào bước vào “cuộc chiến hạ lãi suất” với hành trang ban đầu là mặt bằng lãi suất cho vay vượt lên tới trên dưới 20%; hiện tượng huy động vượt trần diễn ra tràn lan, phổ biến ở mức 17-18%...
Khách hàng giao dịch tại PVcombank. 

Từ thực tế này, một loạt các biện pháp mạnh như cấm mở rộng mạng lưới; hình sự hóa khi phát hiện huy động lãi suất vượt trần; thực hiện công bố định hướng điều hành lãi suất; chủ động điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với liều lượng và vào các thời điểm hợp lý đã được NHNN triển khai.

Đặc biệt, trong điều hành có sự kết hợp việc áp dụng biện pháp quản lý lãi suất huy động và cho vay phù hợp với điều kiện thị trường biến động với xu hướng từng bước nới lỏng, điều chỉnh giảm dần.

Đồng thời, điều hành lãi suất đã có sự kết hợp đồng bộ với tỷ giá và các công cụ chính sách tỷ giá đảm bảo mức chênh lệch lợi tức hợp lý giữa việc nắm giữ VND và USD, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Và trên cơ sở đó, kêu gọi các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm lãi suất của các khoản vay cũ, miễn, giảm lãi vốn vay... để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Với những giải pháp trên cộng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khu vực sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và mô hình tăng trưởng, chỉ trong thời gian ngắn, lãi suất cho vay đã giảm hơn một nửa, từ 20%/năm năm 2011 xuống còn 9-11% và còn khoảng 6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên vào năm 2015.

Nhiều khoản vay cũ cũng được NHNN yêu cầu các tổ chức cho vay giảm về mức 15% và sau đó là 13%/năm đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện giải phóng kênh tín dụng, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các tổ chức tín dụng huy động vốn với kỳ hạn dài hơn, ổn định kinh doanh và giúp cho việc phân bổ vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế…

TS Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc  gia cho rằng, việc kéo giảm mặt bằng lãi suất là một trong những dấu ấn quan trọng của nhà điều hành. NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô, điều kiện thị trường tiền tệ để giảm lãi suất cho vay, góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 40% lãi suất vào nửa cuối năm 2011 và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế phát triển ổn định, góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp và hộ dân; lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án/dự án khả thi thì lãi suất chỉ còn 5-6%/năm.

“Lạm phát giảm mạnh và được kiểm soát là nhờ công tác điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện chủ động, đồng bộ, nhất quán: tỷ giá hối đoái ổn định cùng với luồng vốn tín dụng được phân bổ hợp lý, lãi suất huy động và cho vay giảm đã giúp tăng trưởng tín dụng, từ đó tác động giảm lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô” - TS Trương Văn Phước nói.

Còn GS.TS Trần Thọ Đạt thì cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất huy động đã giúp giảm động cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng, hỗ trợ siết chặt kỷ luật thị trường.

Trong khi đó, việc quy định trần lãi suất cho vay, đặc biệt đối với lĩnh vực ưu tiên, góp phần gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh những ứng biến linh hoạt trong việc sử dụng công cụ trần lãi suất, các mức lãi suất chính sách cũng có những bước chuyển biến căn bản theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường và được điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ trong từng thời kỳ. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ giảm mặt bằng lãi suất để tháo gỡ khó khăn về chi phí.

Nguồn: Petrotimes
Bình luận
vtcnews.vn