Cậu bé da bọc xương do nấm phổi giờ ra sao?

Sức khỏeThứ Bảy, 07/09/2019 11:04:00 +07:00

Gần 3 tháng điều trị tại BV Phổi Trung ương, cậu thiếu niên do nấm phổi không ngờ có được ngày hôm nay, ngày em được ra viện, trở về với gia đình.

Cậu bé mang bình ôxy đi thi vào lớp 10 trở về với cuộc sống

Từ một cậu bé chỉ biết nằm trên giường, cơ thể gầy rộc, phải nhờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của người khác, đến hôm nay bệnh nhi Nguyễn Trọng Nguyên, 15 tuổi trú tại phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An tăng được 4kg và có thể tự đi lại khắp bệnh viện.

Nhớ lại những ngày đầu cách đây hơn 4 tháng, mẹ bệnh nhân Nguyên là chị Trần Thị Long, 42 tuổi, kể mấy tháng trước, con bị sốt cao, gia đình đưa cháu nhập viện tỉnh. Nhưng nằm viện điều trị mà cháu không đỡ, cứ hết cơn sốt này đến đợt sốt khác.

Đợt đó đúng vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, dù đang phải thở ôxy, nhưng Nguyên một mực đòi tham dự kỳ thi. Gia đình đã thuê xe cùng bình ôxy đưa Nguyên lên trường dự thi. Ngay sau kỳ thi Nguyên bị kiệt sức, phải nhập viện điều trị. Kỳ thi đó dù đau ốm không ôn luyện được nhiều nhưng chàng trai hiếu học này trúng tuyển vào cấp 3 vào một trường công lập ở địa phương theo đúng nguyện vọng.

BS Nguyễn Thị Ngoạn, Trưởng khoa Nhi, BV Phổi Trung ương cho biết, 2 tuần điều trị ở tuyến dưới rồi lên BV Bạch Mai, bệnh nhân được chuyển sang  BV Phổi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp do tổn thương phổi rất nặng, kèm theo tắc mật và viêm cầu thận. Lúc đó bệnh nhân chỉ còn gần 30kg, phải thở ôxy liên tục. Qua khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân đã được cho sử dụng những loại thuốc rất mạnh nhưng không đáp ứng thuốc.

da-boc 1

Thời gian đầu vào viện, Nguyên chỉ nằm một chỗ, mọi việc cá nhân phải nhờ sự hỗ trợ của người thân.

Sau khi cho bệnh nhân chụp CT ngực, trên phim chụp các bác sĩ nhận thấy có hình ảnh tổn thương phổi bất thường nghi do nấm. Ngay lập tức các bác sĩ cho chỉ định điều trị theo hướng nấm phổi. Theo các bác sĩ, nấm phổi nếu không được xác định và điều trị kịp thời, nguy cơ thiệt mạng có thể lên tới 50-70%.

Song song với đó, các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân nội soi can thiệp để đánh giá tình trạng đường thở đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm xác định chính xác căn nguyên. Trên hình ảnh nội soi, toàn bộ đường thở của bệnh nhân nấm mọc dày đặc, sau 2 ngày nuôi cấy cho thấy  đó là nấm Aspergillus Fumigatus.

da-boc 2

 Sau gần 3 tháng nằm viện, Nguyên đã có thể ngồi dậy, đi lại và ăn uống được.

Được cứu mạng nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng 

Khó khăn nhất đối với người thầy thuốc không phải là cách đối phó với căn bệnh mà chính là vấn đề tài chính của gia đình người bệnh. BS Ngoạn nhớ lại,  mỗi lần bác sĩ nhắc đến việc đóng viện phí là gia đình lại xin “đưa con về”.

Qua tìm hiểu hoàn cảnh của em Nguyên, bố mẹ em chia tay, em hiện ở cùng mẹ, gia đình làm nông, thu nhập không ổn định. Khi nhập viện, gia đình đã phải vay mượn nhiều nơi để chi trả viện phí điều trị.

Bệnh nhân Nguyên bệnh rất nặng, chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng, bố mẹ em không còn đủ khả năng chi trả, vay mượn tiền để chữa bệnh cho con. Các bác sĩ khoa Nhi đã báo cáo lãnh đạo bệnh viện về trường hợp này và phối hợp với phòng Công tác xã hội và truyền thông kêu gọi hỗ trợ cho bệnh nhân Nguyên có thêm chi phí điều trị.

Bác sĩ Ngoạn cho biết, nhờ có sự hỗ trợ của cộng đồng, cả bác sĩ và bệnh nhân tự tin hơn trong điều trị. 

Trong quá trình giành giật sự sống cho Nguyên, có những lúc bác sĩ dự đoán rằng cháu không qua khỏi, nhưng với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, bệnh nhân được sử dụng những loại thuốc tốt nhất  với chi phí rất cao.

da-boc 3 3

 BS Nguyễn Thị Ngoạn, Trưởng khoa Nhi, BV Phổi Trung ương.

Theo các bác sĩ, mặc dù bệnh nhân Nguyên có bảo hiểm y tế, nhưng mắc loại nấm kháng với các thuốc kháng nấm thông thường nên việc điều trị rất khó khăn. Một số thuốc không có trong danh mục của bảo hiểm y tế, bệnh nhân phải dùng các thuốc bên ngoài.

“Trong quá trình điều trị gia đình 2 lần xin bác sĩ đưa con về vì không còn đủ sức lo cho cháu tiền mua thuốc điều trị, nhưng sau đó bác sĩ động viên gia đình tiếp tục ở lại điều trị cho cháu”, mẹ bệnh nhân Nguyên nói.

Đợt đầu quyên góp từ các y bác sĩ trong bệnh viện và các nhà hảo tâm được hơn 100 triệu đồng, nhưng đến khi hết tiền mà cháu vẫn cần tiếp tục phải điều trị, gia đình bệnh nhân lại xin về. Nhưng nhờ vào sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, bệnh nhân Nguyên lại được tiếp tục điều trị bệnh.

Đến thời điểm này, tổng chi phí điều trị của bệnh nhân Nguyên lên tới 850 triệu đồng, trong đó ngoài bảo hiểm, phần phải chi trả tăng thêm lên tới gần 400 triệu đồng.

Chia sẻ với những em bé có hoàn cảnh khó khăn đang là bệnh nhân trong khoa, gia đình Nguyên quyết định trích từ số tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm tặng 4 trường hợp khác mỗi cháu 5 triệu đồng.

Chị Long nói: “Xuất phát từ hoàn cảnh bản thân, tôi nghĩ có những lúc tôi gặp khó khăn nhất tôi và cháu Nguyên được cộng đồng hỗ trợ. Nay tôi muốn chia sẻ cho các cháu đang điều trị bệnh trong khoa”.

Không giấu được niềm vui trong ngày Nguyên được xuất viện, chị Long cho biết, gia đình rất vui mừng vì cháu có được kết quả điều trị tốt như ngày hôm nay. Hiện Nguyên tăng được 4kg lên 33kg, sức khỏe ổn định, ăn uống, đi lại được.

Chia sẻ với phóng viên, Nguyên cho biết, em rất nhớ gia đình, bạn bè. Em muốn được về nhà, được đi học giống như các bạn.

(Nguồn: Sức khỏe đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn