Cậu bé bị bỏ rơi và nhân duyên với NTK Đỗ Mạnh Cường

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 26/01/2016 06:53:00 +07:00

Cậu bé bị bỏ rơi và nhân duyên với NTK Đỗ Mạnh Cường. Mong muốn lớn nhất của Đỗ Mạnh Cường là được đón bé Nhím về ở cùng để chăm sóc và bù đắp tình cảm.

Mong muốn lớn nhất của Đỗ Mạnh Cường là được đón bé Nhím về ở cùng để chăm sóc và bù đắp tình cảm.

Đỗ Mạnh Cường nhận nuôi bé Nhím từ cửa chùa và coi như con đẻ của mình. Mỗi tuần anh được đưa con về nhà vài ngày sau đó phải trả bé lại cho nhà chùa. Mới đây trong một đoạn video ghi lại cảnh cậu bé giãy nảy, chân tay khua khoắng và gào khóc khi "bị" trả lại cho cô trông trẻ ở chùa khiến nhiều người xót xa khi bé phải xa bố.

Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường sau đó phải ôm con vào lòng dỗ dành. Bé nín bặt, tay ghì chặt rồi tựa đầu vào vai bố không muốn rời xa. Một lát sau, anh mới để cô giữ trẻ "gỡ" bé ra rồi quay đi.

Bé Nhím nằm ngoan trong vòng tay của của bố Cường khi lần đầu tiên gặp gỡ.
Bé Nhím nằm ngoan trong vòng tay của của bố Cường khi lần đầu tiên gặp gỡ. 

 
Với Cường, mỗi lần đưa con trở lại chùa làm anh "quá xúc động" và "đau lòng". Anh thương con và lúc nào hình ảnh của Nhím cũng choán hết tâm trí.

Cường tâm sự anh cảm giác về sau có con ruột chăng nữa, có lẽ cũng không thể thương nó nhiều được như Nhím đâu. Con ruột quá đủ đầy điều kiện nên anh sẽ thương kiểu khác, còn Nhím, một đứa trẻ không cha, không mẹ, bị vứt khi mới hai ngày tuổi, lại khác.


Ngôi chùa Nhím nương nhờ ở mãi tận Long An. Chùa này "nghiêm túc" và "có nguyên tắc riêng" của họ, đó là không cho trẻ em. Cường có thể nhận làm bố đỡ đầu nhưng không thể mang Nhím về nuôi.

Theo lý giải của nhà chùa, khi một đứa trẻ bị bỏ rơi ở cửa Phật, họ xem như đó là ngôi nhà của con rồi. Nếu bỏ bé đi, họ chẳng khác nào bố mẹ chúng. Họ vẫn hy vọng một ngày nào đấy cha mẹ thật của Nhím sẽ quay lại. Sau này, theo người nhận nuôi hay không là do Nhím quyết định, không phải nhà chùa.


Cơ duyên đặc biệt

Đỗ Mạnh Cường kể Nhím đến với cuộc đời anh đúng là một "cơ duyên". Cách đây gần hai năm, trong một lần ra Hà Nội, anh tình cờ đọc được bài viết của người mẫu Xuân Lan trên Facebook nói sắp đi từ thiện ở Long An. Anh gọi điện cho cô nói đợi đi cùng nhưng lần đó bị lỡ. Về Sài Gòn, anh "nằng nặc" đòi đi liền mà bình thường sẽ không như vậy. Cường chưa bao giờ nghĩ sẽ tới một ngôi chùa xa xôi, cả đi cả về mất hai tiếng.

Ngày ấy, Nhím mới hai tháng tuổi và nhỏ nhất chùa. Trông thấy anh, Nhím "cười toe toét". Thích quá, anh bế con suốt. Sau lần đó, Cường thấy "sao sao" và quyết định mấy hôm sau quay lại.

"Lúc đó, tôi muốn nhận nuôi rồi nhưng cũng đắn đo vì chưa có gia đình, lại quá nhiều việc. Hơn nữa, trong đầu tôi chưa có kế hoạch nên không hiểu mình sẽ làm gì. Về nhà, tôi cứ nhớ nhung thằng bé. Đi đi lại lại chùa khoảng một tuần liền, tôi mới quyết định phải nhận nuôi", anh nhớ lại.

Ấn tượng đầu tiên của Cường về Nhím là nụ cười. Anh thích những người cười đẹp, còn Nhím có nụ cười "quá rạng rỡ". Trong số bao trẻ trong chùa, anh chọn Nhím không phải vì cậu bé đẹp nhất mà vì con là đứa trẻ mang tới niềm vui cho người khác. Chỉ cần nhìn Nhím cười, anh thấy thoải mái và nhẹ lòng.

Thời gian Nhím còn nhỏ, cứ một, hai ngày, Cường lại lặn lội xuống chơi với con. Khi Nhím được hơn một tuổi, anh xin chùa đưa con về nhà vài ngày cuối tuần. "Nhà chùa đồng ý và nói đấy là đặc cách cho tôi lắm rồi. Họ có theo dõi thông tin trên mạng, biết tôi là người nổi tiếng và thấy chăm sóc Nhím kỹ nên yên tâm cho đưa con về", Cường nói.
Nhà thiết kế nổi tiếng ấn tượng nhất với nụ cười rạng rỡ của cậu bé bị cha mẹ bỏ rơi mới hai ngày tuổi.
Nhà thiết kế nổi tiếng ấn tượng nhất với nụ cười rạng rỡ của cậu bé bị cha mẹ bỏ rơi mới hai ngày tuổi. 
Ở gần con, anh mới có điều kiện quan sát cậu bé. Mỗi sáng, khi vẫn còn mắt nhắm mắt mở, Nhím đã lần mò tìm bố. Việc đầu tiên Nhím làm khi thấy bố mở mắt là cười và bò tới ôm, hôn rồi nằm cạnh chơi, không quấy khóc. Tối đến, 18-19h, Nhím đã lên giường ngủ và thường thức dậy vào 5-6h sáng hôm sau.

Say sưa kể về con, Cường bảo "chưa thấy đứa trẻ nào dễ nuôi như Nhím". Anh chẳng phải ru ngủ hay nịnh nọt để bé ăn. Ban đêm, anh dậy cho bé bú bình một lần. Chỉ việc đưa bình sữa, Nhím vừa ngủ vừa tu. Xong xuôi, cậu bé tự để bình lên bàn nếu bố chẳng may ngủ quên. Hai tuổi, Nhím giờ không ăn cháo mà chuyển sang ăn cơm và thích nhai. Cuối tuần, hai bố con dẫn nhau đi ăn, đi chơi. Nhím thích ăn cơm với tôm, trứng, các loại súp và đặc biệt là món xôi.

Nếp sinh hoạt trong chùa rèn luyện cho Nhím bản tính tự lập, không phiền người khác. Bởi vậy, Cường hầu như chẳng gặp khó khăn gì trong việc chăm sóc một đứa trẻ, dù chưa từng có kinh nghiệm làm bố. Anh không tham khảo cách nuôi dạy con từ bạn bè, cũng chẳng đọc những bài hướng dẫn trên mạng mà muốn bé phát triển tự nhiên.

"Tôi cũng biết không được tắm cho con quá khuya, phải tắm nước ấm, cho uống sữa đúng giờ. Tôi chăm theo bản năng, thấy điều gì có hại cho con thì không làm, cố gắng cho Nhím ăn uống đầy đủ, để con thấy được tình thương của mình với bé", Đỗ Mạnh Cường cho biết.

Nỗi lòng người cha nổi tiếng

Chứng kiến con lớn từng ngày, từ khi biết lẫy, bò, rồi thấy chiếc răng đầu tiên, chập chững tập đi... chỉ cần một sự thay đổi nhỏ cũng khiến anh xúc động. Chẳng tiếc con điều gì, mỗi lần ra nước ngoài công tác, anh sắm sửa quần áo, phụ kiện cho con. Nhiều người nói anh hoang phí, chiều con quá nhưng anh bảo "chỉ làm những gì trong khả năng của mình".

Là nhà thiết kế, anh muốn con mặc đẹp và xuất hiện chỉn chu. Anh muốn tạo cho Nhím phong cách, hướng đi từ nhỏ. Anh nghiêm khắc với con ở những chuyện khác như không cho Nhím chơi điện tử, động vào điện thoại, iPad hay xem tivi đúng giờ, còn chuyện ăn mặc, "đó là công việc, là hình ảnh của Nhím nên làm được đến đâu thì làm và làm theo cách mình".

Cường thú thực lúc đầu bạn bè khuyên một người nổi tiếng như anh nhận con nuôi quả liều lĩnh và rủi ro khiến anh cũng "đắn đo". Hơn nữa, tuổi và mệnh của hai bố con khắc nhau. Chuyện này ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của anh. Anh có thể dừng lại mà chẳng ai trách được nhưng đã là duyên số, muốn tránh cũng không được. Tính anh đã quyết là không bao giờ dừng lại.

"Tôi không nghĩ nhiều đến rủi ro mà chỉ muốn giúp cho một cuộc đời. Tôi cũng không nghĩ quá sâu xa rằng về sau Nhím sẽ báo hiếu hay chăm sóc mình thế nào mà chỉ tâm niệm nuôi bé để sau này con có cuộc sống, công việc tốt và một gia đình hạnh phúc, đúng như cái tên Đỗ Hoàng Phúc. Nhím trưởng thành, thành công và sống có ích là tôi vui lắm rồi", nhà thiết kế nổi tiếng giãi bày.
Ngay từ nhỏ, Nhím đã được bố định hình phong cách thời trang.
Ngay từ nhỏ, Nhím đã được bố định hình phong cách thời trang. 
Phúc An là tên Nhím do nhà chùa đặt nhưng anh đổi lại thành Đỗ Hoàng Phúc vì muốn con không còn thiếu thốn tình cảm mà luôn sống trong hạnh phúc. Mong muốn lớn nhất của Cường bây giờ là được chùa thông cảm, chấp nhận để anh đón Nhím về ở cùng luôn vì sắp tới con còn đi học.

"Còn quá nhiều cuộc đời cần giúp đỡ nên tôi giúp được ai thì sẽ làm. Ai cũng nói Nhím giống tôi. Chắc có lẽ do tôi và Nhím có nhân duyên quá lớn", Cường nói.

Nguồn: Ngôi sao
Bình luận
vtcnews.vn