Catalan tuyên bố độc lập: Ngoại trưởng Serbia lên án tiêu chuẩn kép của phương Tây

Thế giớiChủ Nhật, 29/10/2017 07:26:00 +07:00

Việc Catalan tuyên bố độc lập và vấp phải sự phản đối từ nhiều nước phương Tây khiến Ngoại trưởng Serbia cho rằng các nước này đang duy trì tiêu chuẩn kép khi năm 2008 ủng hộ mạnh mẽ quá trình ly khai của Kosovo.

Ngày 27/10, Catalan tuyên bố độc lập sau cuộc bỏ phiếu tại nghị viện khu vực này, ngay lập tức Quốc hội Tây Ban Nha triệu tập cuộc họp khẩn cấp và bỏ phiếu kịch hoạt Điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha 1978 để ngăn chặn việc Catalan ly khai.

Các quốc gia trong khu vực như Đức, Anh, Pháp, cũng như Mỹ tuyên bố ủng hộ quyết định của chính phủ Tây Ban Nha và tuyên bố tái khôi phục trật tự pháp luật tại Catalan của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Phía Nga tuyên bố không thay đổi quan điểm về vấn đề Catalan, còn vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia tuyên bố sẵn sàng công nhận độc lập của Catalan nếu vùng này yêu cầu.

59f2e422fc7e9354738b4567 - Catalan flag

 Ngày 27/10, Catalan tuyên bố Catalan độc lập. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, trước khi xứ Catalan tuyên bố độc lập, Tổng thống Nga Valdimir Putin tuyên bố việc EU duy trì tiêu chuẩn kép đối với vấn đề độc lập của Kosovo là nguyên nhân dẫn đến việc phong trào ly khai bùng nổ.

Trước đó, sau khi Catalan tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập, các quan chức cao cấp của Serbia trong đó có Ngoại trưởng và Tổng thống nước này khẳng định việc Catalan tuyên bố độc lập là hậu quả của việc EU ủng hộ Kosovo độc lập.

Hệ lụy Kosovo

Ngày 3/10, 2 ngày sau khi Catalan tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập của khu vực này, Ngoại trưởng Serbia cáo buộc các cường quốc trên thế giới và các quốc gia châu Âu sử dụng tiêu chuẩn kép, thể hiện qua việc bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập của xứ Catalan, nhưng lại chào đón vùng ly khai Kosovo.

Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic nói ngày 3/10: “Tôi quan ngại về tiêu chuẩn kép của cộng đồng quốc tế. EU nói họ không phạm bất cứ sai lầm nào khi công nhận độc lập của Kosovo, nhưng quyết định đó sẽ gây ra hậu quả. Chiếc hộp Pandora đã được mở ra”.

1032310981 - Sputnik 3

 Người dân Pristina cầm cờ của Kosovo, vùng lãnh thổ này ly khai khỏi Serbia và tuyên bố độc lập năm 2008. (Ảnh: Sputnik)

Năm 2008, Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia và tuyên bố này được Mỹ cùng gần như toàn bộ các quốc gia EU chấp nhận, chỉ có Serbia cùng một số đồng minh của nước này phản đối tuyên bố nói trên. Nhưng gần 1 thập kỷ sau, khi xứ Catalan tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập vào ngày 1/10, cuộc trưng cầu dân ý này bị chính quyền Tây Ban Nha tuyên bố là vi hiến.

Chỉ 1 ngày sau cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập của xứ Catalan, Đức nêu quan điểm cuộc bỏ phiếu này có tính chất đáng ngại, trong khi nhiều quốc gia khác tại khu vực tỏ ra lo ngại về xu hướng ly khai và sự lan truyền của chủ nghĩa ly khai tại khu vực này.

Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho rằng, không thể so sánh được vấn đề của Catalan với Kosovo bởi sự khác nhau về hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic bác bỏ điều này. Ông Vucic cho rằng: “Làm sao có chuyện cuộc trưng cầu dân ý bị coi là vi hiến ở Catalan lại không liên quan đến việc Kosovo độc lập?”.

EU kích động phong trào ly khai

Trước khi Catalan tuyên bố độc lập hơn 1 tuần, ngày 19/10 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề ly khai của xứ Catalan. Ông Putin nói, các quốc gia tại Liên minh châu Âu đã kích động phong trào ly khai từ khi công nhận độc lập của Kosovo, vùng lãnh thổ từng thuộc quyền quản lý của Serbia.

Video: Người dân Catalan tuần hành sau tuyên bố độc lập của Nghị viện Catalan

“Đối với tình trạng hiện tại của Catalan, chúng ta thấy sự thống nhất trong việc lên án những người ủng hộ độc lập của EU và một số quốc gia khác. Về điều này, tôi phải nói, các ngài cần phải suy nghĩ về điều này sớm hơn”, Tổng thống Nga tuyên bố ngày 19/10, khi căng thẳng giữa chính quyền Catalan và chính quyền Mandrid đang leo thang nhưng Catalan chưa tuyên bố độc lập.

Ông Putin nói thêm: “Họ không biết về những mâu thuẫn hàng thế kỷ ở châu Âu? Họ biết, phải không nào? Nhưng trên thực tế họ lại ủng hộ việc phân rã một số quốc gia ở châu Âu và không cần giấu diếm điều này”.

Tổng thống Nga nhận định, sự đồng thuận ủng hộ việc ly khai của Kosovo của các quốc gia EU, mà theo ông là chính sách làm hài lòng Mỹ đã gây ra xáo trộn khủng khiếp tại châu Âu và tình hình Catalan hiện tại là hậu quả của chính sách này.

Bên cạnh đó, ông Putin nhắc lại cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo Crưm năm 2014 với kết quả bán đảo này tách khỏi Ukraine và sát nhập vào nước Nga, tuy nhiên nhiều quốc gia không thích kết quả này. Ông Putin tiếp tục nói về phong trào ly khai: “Giờ đây, các bạn có danh sách còn lâu mới kết thúc, Catalan, Kurdistan và các vùng khác”.

“Trong con mắt của một số đồng nghiệp của tôi, có những chiến binh hợp pháp để dành độc lập và tự do và có những người ly khai, những người không thể bảo vệ quyền của họ ngay cả khi sử dụng những thủ tục dân chủ”, Tổng thống Nga nói về vấn đề tiêu chuẩn kép.

Theo ông Putin: "Những người như chúng ta nhiều lần nói về cái tiêu chuẩn kép đó, chúng là mối đe dọa nghiêm trọng với sự phát triển ổn định của châu Âu và các châu lục khác, cũng như đối với quá trình hội nhập trên thế giới”.

Nguyễn Tiến
Bình luận