Cát tặc lộng hành cướp đất, phá đê: Cảnh sát đường thủy nói gì?

Thời sựThứ Sáu, 12/10/2018 08:20:00 +07:00

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, cảnh sát đường thủy cho biết qua việc tuần tra, kiểm soát, đã phát hiện, xử phạt hàng chục vụ việc với số tiền trên 1,5 tỷ đồng, tuy nhiên cát tặc vẫn lộng hành.

Liên quan đến vụ cát tặc lộng hành cướp đất, phá đê ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), ngày 11/10, thông tin với PV VTC News, thượng tá Phạm Quốc Hưng – Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương cho biết, việc để cát tặc cướp đất đai của người dân trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương xã, huyện.

Lực lượng CSGT đường thủy chỉ quản lý, xử lý các hành vi khai thác cát trái phép trên sông và hành lang bảo vệ luồng các tuyến sông, trong đó có tuyến sông Luộc, giáp ranh giữa huyện Ninh Giang, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) và huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng).

2

Vùng đất bãi bồi bên sông Luộc, thuộc địa bàn xã Thắng Thủy (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã bị cát tặc cướp trắng. 

Trong thời gian qua, mặc dù Hải Dương đã có Ban chỉ đạo từ tỉnh xuống đến huyện nhưng công tác phòng chống cát tặc hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa thể ngăn chặn triệt để.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng CSGT đường thủy đã phát hiện, xử lý 32 trường hợp khai thác cát trái phép trên các tuyến sông của Hải Dương, trong đó có tuyến sông Luộc giáp ranh với huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Trong đó, đơn vị xử phạt 30 trường hợp, với số tiền trên 1,5 tỷ đồng; 2 trường hợp chuyển Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an tỉnh Hải Dương xử phạt 400 triệu đồng.

Cảnh sát đường thủy Hải Dương hiện có 4 đội, trạm với 64 cán bộ, chiến sỹ quản lý gần 400km đường sông của 14 tuyến đường thủy quốc gia chạy qua Hải Dương và 6 tuyến đường thủy nội địa.

Mặc dù đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện khai thác cát trái phép, tuy nhiên do lực lượng mỏng, phương tiện thiếu, cũ, có phương tiện sản xuất, cấp từ năm 1980 đến nay nên vẫn chưa thể đủ sức kiểm soát, ngăn chặn dứt điểm các phương tiện khai thác cát trái phép.

Trong khi đó, do nhu cầu cát san lấp mặt bằng cao, nguồn cát lại khan hiếm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên các chủ tàu không trực tiếp đi khai thác cát trái phép mà thuê lao động đi khai thác.

Khi cát tặc bị phát hiện, bắt giữ, lực lượng chức năng chỉ phạt tiền rồi phải trả phương tiện, sau đó họ lại tiếp tục lợi dụng đêm tối, những đoạn sông xa khu dân cư để khai thác cát trái phép.

6

 Ruộng vườn người dân canh tác bao đời, giờ bị cát tặc tàn phá, đang ngày một mất dần.

Trước những nghi vấn của người dân có hay không việc bảo kê cho cát tặc lộng hành của lực lượng CSGT đường thủy, thượng tá Phạm Quốc Hưng khẳng định: “CSGT Hải Dương không có hiện tượng bảo kê cho cát tặc”.

Qua công tác nắm tình hình và nguồn tin báo, khi nhận được thông tin cát tặc xuất hiện, lập tức lãnh đạo phòng, đội cử lực lượng, phương tiện đến hiện trường phối hợp với địa phương và nhân dân kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện, cá nhân khai thác cát trái phép.

7 3

Có những điểm cát tặc hút trộm cát sát chân đê, khiến con đê có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. 

Theo thượng tá Phạm Quốc Hưng, hiện nay thực hiện theo Đề án về phòng chống nạn khai thác cát trái phép của UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh xuống đến các huyện, thị xã, thành phố.

Do đó, Ban chỉ đạo các địa phương mà nòng cốt là lực lượng công an cần phải tăng cường vai trò, trách nhiệm tham mưu, bám nắm địa bàn, tuần tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc khai thác cát trái phép.

Đặc biệt, các địa phương cần kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lập bến bãi trái phép ở hai bên bờ sông, nơi cát tặc tập kết, kinh doanh cát, truy xuất rõ nguồn gốc cát. Đó là một trong những biện pháp hữu hiệu, tích cực để ngăn chặn, đầy lùi tình trạng khai thác cát trái phép như trong thời gian vừa qua.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn