Cắt hàng loạt điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng

Bất động sảnThứ Ba, 11/09/2018 14:08:00 +07:00

Nghị định số 100/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2018 là một cú hích mạnh trong việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Theo Bộ Xây dựng, qua thực tế triển khai và phản ánh của một số tổ chức, cá nhân liên quan, một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh thuộc quản lý Nhà nước vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau; một số quy định còn phức tạp, cần phải được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tế và hội nhập kinh tế - quốc tế.

Nghị định số 100/2018/NĐ-CP được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và khắc phục một số tồn tại, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

IMG_8897 copy

 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2018 là một cú hích mạnh trong việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với đối với các ngành nghề kinh doanh thuộc quản lý Nhà nước.

Bộ Xây dựng cho biết, điểm nhấn nổi bật của Nghị định này là bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh.

Nghị định số 100/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14; bãi bỏ 2 ngành, nghề chồng chéo với pháp luật liên quan; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa phần lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh của 12 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản. 

Cụ thể, Nghị định này đã bãi bỏ 89 điều kiện, chiếm 41,3%; đơn giản hóa 94 điều kiện, chiếm 43,7%; giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35 % so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Đây được xem là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Bộ Xây dựng. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 4 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong các văn bản Luật.

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn