Cắt giảm điều kiện kinh doanh, 'cởi trói' cho doanh nghiệp

Kinh tếThứ Năm, 12/12/2019 18:52:00 +07:00

Chính phủ sẽ căn cứ trên những tiêu chí rõ ràng để đánh giá các điều kiện kinh doanh và tính toán việc cắt giảm, đơn giản hóa nhằm "cởi trói" cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ (ACAPR) và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về đề tài cải thiện môi trường đầu tư và thương mại Việt Nam diễn ra vào chiều 12/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với hơn 90 triệu người tiêu dùng, lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo. Theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới tháng 9 vừa qua, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc, từ vị trí thứ 77 lên thứ 67/141 nền kinh tế và xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN.

anh1

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trong năm 2019, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định để tiếp tục cắt giảm thêm 106 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ năm 2018 đến nay lên 3.451/6.191 điều kiện. Việc cắt giảm này giúp tiết kiệm gần 6 triệu ngày công, tương đương 893,9 tỷ đồng mỗi năm.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ sẽ căn cứ trên những tiêu chí rõ ràng để đánh giá các điều kiện kinh doanh và tính toán việc cắt giảm, đơn giản hoá để hoạt động cắt giảm này thực chất hơn và thật sự đi vào cuộc sống, "cởi trói" cho doanh nghiệp, bảo đảm việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục cải cách toàn diện, thực chất hơn hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; thống nhất một đầu mối là cơ quan hải quan là thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Tại hội nghị, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam - ông Nicolas Audier nhận định Chính phủ Việt Nam đang rất nghiêm túc trong việc xây dựng môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn, cởi mở. Việt Nam cũng ghi nhận những ý tưởng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

"Cuộc đối thoại này là một tín hiệu tích cực tại thời điểm quan trọng trong quá trình phê chuẩn Hiệp định Thương mai Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA)", ông Nicolas Audier cho biết.

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn