Cấp phép loạt hãng bay mới có gây sức ép lên Tân Sơn Nhất, Nội Bài?

Kinh tếThứ Tư, 02/10/2019 06:31:00 +07:00

Tuy đáng lo ngại nhưng theo các chuyên gia, việc cấp phép cho nhiều hãng hàng không mới vẫn đảm bảo an toàn đối với các sân bay và chuyến bay.

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia hàng không - PGS Nguyễn Thiện Tống đánh giá, nhiều năm nay, 2 sân bay lớn nhất nước là Tân Sơn Nhất Nội Bài luôn rơi vào tình trạng bị khai thác quá tải triền miên và xuống cấp nghiêm trọng.

Theo PGS Tống, diện tích có hạn của sân bay Tân Sơn Nhất cùng với việc bị bao vây bởi các khu dân cư đông đúc khiến cho sân bay này rất khó cải tạo, mở rộng. Ngoài ra, vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất hiện cũng thường xuyên bị quá tải, chịu ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu tự nhiên và hoạt động bay quân sự.

Một báo cáo vào hồi cuối tháng 8/2019 của Ban Không lưu - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, tỷ lệ đúng giờ của các chuyến bay tại Tân Sơn Nhất nửa đầu năm 2019 chỉ quanh mức 60-65%.

noi-bai2

 Đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài đồng loạt xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Tiền Phong)

Trong khi đó, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) nêu nguyên nhân trễ chuyến tại Tân Sơn Nhất là do kiểm soát không lưu (ATC), thời gian lăn bánh, ra vào đường cất hạ cánh kéo dài, trung bình từ 20-45 phút.

Theo công suất thiết kế, Tân Sơn Nhất giới hạn khai thác trong phạm vi 25 triệu khách/năm. Tuy nhiên, năm 2018, Cảng hàng không này đã đón 38,5 triệu lượt khách, gấp 1,5 lần do với công suất thiết kế ban đầu.

Hiện nay, số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến bay/ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

Thực trạng quá tải, xuống cấp cũng đang là vấn đề cấp bách đối với sân bay Nội Bài.

Tháng 8/2019, cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho hay, hiện hạ tầng khu bay (đường cất/hạ cánh, đường lăn) của sân bay Nội Bài đang khai thác vượt công suất, xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, do vướng cơ chế nên đơn vị chưa thể sửa chữa, nâng cấp lớn.

Thực trạng này đã được ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - khẳng định với VTC News. Theo ông Thanh, đường băng hư hỏng nghiêm trọng sẽ không đảm bảo để khai thác bất cứ chuyến bay nào.

Tuy nhiên, về vấn đề cấp phép cho các hãng hàng không mới, ông Thanh cho biết, yếu tố đảm bảo an toàn tùy thuộc vào số lượng slot được cấp cho hãng bay.

Có nhiều hãng được cấp phép nhưng thực tế họ chưa đi vào khai thác hoạt động bay. Hạ tầng cơ sở đường băng ở các sân bay hiện nay, có nơi khai thác 10 chuyến, có nơi chỉ 1 chuyến nhưng vẫn phải duy trì trong điều kiện đảm bảo yếu tố an toàn”, ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lại Xuân Thanh, cần đặt vấn đề sửa chữa đường băng, đường lăn ở các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài là việc cấp bách, phải được giải quyết ngay.

ACV

 Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch ACV.

Nếu không đầu tư sửa chữa lớn thì việc gia tăng tần suất hoạt động khi có thêm các hãng bay mới sẽ làm tăng mức độ khai thác đường băng, điều này đồng nghĩa với việc tuổi thọ của đường băng sẽ giảm đi”, ông Thanh nói.

Chủ tịch ACV cũng cho biết, hiện nay đơn vị này đã kiến nghị điều chuyển tài sản khu bay cho ACV bằng hình thức tăng vốn, khi đó trách nhiệm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thuộc về doanh nghiệp.

Theo đó, khi tài sản được chuyển giao sẽ thuận lợi cho việc đầu tư, quản lý và khai thác hạ tầng cũng như đảm bảo an ninh an toàn hàng không, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng đường băng, đường lăn và sân đỗ máy bay tại các cảng hàng không.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn