Cấp dưới trách móc Dương Chí Dũng trước tòa

Pháp luậtThứ Bảy, 14/12/2013 05:20:00 +07:00

(VTC News) – Bị cáo Trần Hải Sơn trách móc Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc trước tòa: "Chính vì các anh mà tôi và gia đình tôi trở thành nạn nhân của vụ án này".

(VTC News) –Bị cáo Trần Hải Sơn trách móc Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc trước tòa: "Chính vì các anh mà tôi và gia đình tôi trở thành nạn nhân của vụ án này".

Chiều 14/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng giữa đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư và các bị cáo để làm rõ tội danh cụ thể của từng bị cáo.

Sau khi tiếp thu toàn bộ các ý kiến của luật sư và các bị cáo, ông Nguyễn Chí Dũng, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa thực hiện phần đối đáp và khẳng định, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố là có căn cứ.

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định rằng, nếu trong vụ việc này các bị cáo làm đúng chức trách thì thì ụ nổi 83M không thể nhập vào Việt Nam.

Vinalines theo pháp luật và điều lệ công ty là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tài sản, vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đều của nhà nước. Dương Chí Dũng chịu trách nhiệm cao nhất để quản lý tài sản, nguồn vốn tín dụng (vốn vay) cũng là tài sản nhà nước, Vinalines chỉ là đại diện, sau này hoạt động có lỗ nhà nước cũng phải bù, nhà nước mất vốn. Quá trình xét xử khẳng định Dương Chí Dũng sau khi nghe điện thoại của ai đó đã bỏ trốn.

Đại diện Viện kiểm sát khẳng định: “Khi Vinalines đã được giải ngân phải có trách nhiệm quản lý nguồn vốn đó, việc gây thiệt hại cho nguồn vốn đó phải bị xử lý".

dương chí dũng
Bị cáo Dương Chí Dũng tại tòa. 
Viện Kiểm sát tái khẳng định, việc triển khai xây dựng nhà máy và mua ụ nổi từ Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các cán bộ liên quan đều làm sai quy định của nhà nước.

“Rõ ràng toàn bộ việc mua ụ nổi là sai vì chưa có phép, đó là cố ý làm trái chứ không thế nói là thiếu trách nhiệm và việc truy tố, xét xử các bị cáo tội cố ý làm trái là đúng” - đại diện Viện kiểm sát nói.

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư về vấn đề ụ nổi là tàu hay không phải là tàu, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, tàu biển hay ụ nổi không phải bàn nhiều vì nhà nước quản lý tài sản như ụ nổi bằng phương pháp nào, chỉ nhìn bằng mắt thường thì đây là tàu. Rõ ràng những lý lẽ của của các bị cáo là không đúng.

Đối với các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan đã không làm đúng chức trách của mình, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, chức năng quan trọng nhất của hải quan là không cho các sản phẩm kém chất lượng, không sử dụng được của quốc tế nhập vào Việt Nam, vì hải quan là “người gác cửa”. 

Hậu quả từ việc mua ụ nổi, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm rằng đại diện Vinalines đến tham dự phiên tòa đã không dám trả lời thẳng vào câu hỏi của HĐXX về thực trạng của ụ nổi, giờ nó ra sao, chi phí trông coi thế nào.
Các bị cáo tại tòa. 
Ông Nguyễn Chí Dũng nêu dẫn chứng thực tế thiệt hại từ việc mua ụ nổi là 500 tỷ đồng chứ không phải gần 367 tỷ đồng như cơ quan điều tra xác định bước đầu và thiệt hại tiếp theo có thể thấy không chỉ dừng ở con số hơn 500 tỷ đồng.

“Sao kiểm tra đang là ụ nổi hoạt động bình thường giờ lại là thế, thế là cái gì, Vinalines quản lý thế nào mà để nó thành đống sắt vụn, giờ phương án sửa chữa không khả thi đã bỏ, Vinalines muốn thanh lý để giảm thiệt hại” – đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm.

Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, việc truy tố các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều, Sơn tội tham ô tài sản là có căn cứ. Bởi toàn bộ 1,66 triệu USD được Công ty AP gửi về “lại quả” cho các bị cáo là tiền của Việt Nam.

Vinalines là của nhà nước nên toàn bộ tài sản của Tổng Công ty này là của nhà nước. Từ đó việc bị cáo Trần Hải Sơn đưa cho Dũng 10 tỷ đồng, Phúc 10 tỷ đồng, Chiều 340 triệu đồng, còn lại 7,8 tỷ đồng Sơn giữ lại cho mình thì đó là tiền các bị cáo tham ô.


Trước đó, trong phần đối đáp tại toà, bị cáo Dương Chí Dũng phủ nhận việc thảo luận với bị cáo Trần Hải Sơn về tiền bạc và đề nghị được đối chất với đại diện công ty AP.

Đến lượt mình, bị cáo Mai Văn Phúc cho rằng có 3 vấn đề chính: Thứ nhất là việc bản cáo trạng có đề cập những hành vi phạm tội của bị cáo và việc bị cáo không thành khẩn, quanh co không nhận tội; Thứ hai là cáo buộc bị cáo phạm tội Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Thứ ba là cáo buộc bị cáo phạm tội Tham ô tài sản.

Bị cáo này cho rằng trong việc cáo buộc bị cáo quanh co chối tội, tất cả các bản cung trong thời gian làm việc với cơ quan điều tra không có một từ ngữ nào chứng tỏ bị cáo quanh co chối tội, khai tiền hậu bất nhất.

Trong khi đó, trước vành móng ngựa, bị cáo Trần Hải Sơn cho biết, hai bị cáo Dũng và Phúc đều không thừa nhận là có tham gia thỏa thuận gì với công ty AP nhưng trước cơ quan điều tra thì hai người này lại xác nhận việc nhận và chia 1,66 triệu USD tương đương với số tiền tham ô, nghĩa là không biết gì về việc này.

“Tôi thấy đó là sự bất cập rất cơ bản trong lời khai của các anh. Tôi cũng xin nói với HĐXX như vậy và cũng khẳng định là chính vì các anh mà tôi và gia đình tôi trở thành nạn nhân của vụ án này” – bị cáo Trần Hải Sơn nói.

Hiện phiên tòa đang tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng.





Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn