Cấp đất có nguồn gốc rừng phòng hộ cho hàng loạt cán bộ huyện ở Huế: Lộ hàng loạt bất thường

Thời sựThứ Bảy, 15/12/2018 07:22:00 +07:00

Việc phân lô cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tại khu đất có nguồn gốc là rừng phòng hộ có nhiều điểm bất thường khi phần lớn người được cấp là cán bộ huyện và người nhà.

Mới đây, PV VTC News nhận được đơn thư của ông Huỳnh Đăng Truyền (SN 1957, trú thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) phản ánh những bất thường xung quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tại khu đất có nguồn gốc là rừng phòng hộ. Đặc biệt, người được cấp hầu hết là cán bộ huyện Phú Lộc và người nhà.

Theo đơn của ông Truyền, sau khi đất nước giải phóng, gia đình ông cùng một số hộ dân được di chuyển đến khu vực ven biển Cảnh Dương để sinh sống và lập nghiệp.

Năm 1993, thấy khu đất gần nhà bị bỏ hoang, gia đình ông Truyền đã khai hoang để trồng tre và đào hồ nuôi cá để tăng thêm thu nhập.

Năm 1995, khi nghe thông tin diện tích đất nói trên được chuyển đổi thành rừng sản xuất, ông Truyền viết đơn xin chính quyền địa phương xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho thửa đất mà gia đình ông canh tác.

Tuy nhiên, đề nghị của ông Truyền bị UBND xã Lộc Vĩnh từ chối với lý do đây là đất rừng do xã quản lý.

45996670_311680609421094_8281781984275988480_n

 Ông Huỳnh Đăng Truyền chỉ tay về hướng khu đất mà gia đình ông mất rất nhiều công khai hoang, trồng cây và quản lý nhưng giờ chính quyền lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác. 

Dù không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng sau đó gia đình ông Truyền vẫn tiếp tục trồng tre chắn gió biển và trồng xen cây keo lá tràm.

Sau nhiền năm bị xã khước từ, thời gian gần đây ông Truyền tiếp tục làm đơn xin chính quyền cấp đất thì “té ngửa” trước thông tin khu đất đã được cấp sổ đỏ cho người khác.

Nhiều người dân sống ở thôn Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) đều xác nhận việc gia đình ông Truyền là những người nhiều năm cải tạo đất, trồng trọt, chăn nuôi trên khu đất bỏ hoang ven biển xã Lộc Vĩnh.

Người được cấp là cán bộ huyện

Liên quan đến việc này, ông Lê Công Minh – Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho hay, cơ quan có nhận được đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Truyền nhưng UBND xã không xác nhận do diện tích đất ông Truyền xin cấp đã được giao cho người khác từ năm 2010.

Khi PV đề nghị UBND Lộc Vĩnh cung cấp danh sách những cá nhân được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông Lê Công Minh khước từ và nói PV lên gặp Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phú Lộc để tìm hiểu.

Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Lý – Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc (người trực tiếp thụ lý đơn thư của ông Truyền) cho biết, khu đất mà ông Truyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước năm 1995 vốn là rừng phòng hộ ven biển Cảnh Dương – Bình An và do UBND xã Lộc Vĩnh quản lý.

Đến năm 1995, UBND huyện đã có quyết định giao đất cho 15 cá nhân, hộ gia đình để quản lý, bảo vệ và sử dụng vào mục đích lâm nghiệp với diện tích 24.000 m2. Sau đó, những năm 2010 – 2011, chính quyền huyện Phú Lộc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 15 cá nhân, hộ gia đình.

can-bo-huyen-phu-loc3

 Bản đồ giải thửa và danh sách của 15 chủ sử dụng trên khu đất vốn có nguồn gốc là rừng phòng hộ ven biển. 

Theo ông Nguyễn Văn Lý, từ những căn cứ trên nên chính quyền huyện Phú Lộc đã từ chối đơn đề nghị cấp quyền sử dụng đất của ông Truyền do khu đất đã được cấp cho người khác.

Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, 2 người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên khu đất ông Truyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ông Phạm Viết Phong và ông Nguyễn Kim Trường.

Ngoài 2 người trên còn có 13 người khác được cấp ở các khu đất liền kề.

Điều bất thường là theo điều tra của PV VTC News, 15 người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng trên khu đất có nguồn gốc là rừng phòng hộ ven biển ở xã Lộc Vĩnh hầu hết là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ, người nhà cán bộ huyện Phú Lộc.

Trong đó, 2 người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng trên khu đất ông Truyền xin cấp là ông Phạm Viết Phong vốn là Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc và ông Nguyễn Kim Trường – Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc.

Ngoài ra, 13 người được cấp đất ở khu đất liền kề thì còn có ông Hồ Trọng Cầu  hiện đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc và ông Nguyễn Văn Tiến hiện đang là cán bộ HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế…

Khi PV VTC News đặt câu hỏi diện tích rừng phòng hộ kể trên được chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất trong khoảng thời gian nào thì ông Nguyễn Văn Lý nói: "Không rõ chuyển đổi năm nào nhưng chỉ biết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là năm 2011".

Ngoài ra, vị chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc cũng nói rằng: "Theo tôi thấy, vào thời kỳ đó khu đất là rừng phòng hộ dọc bờ biển Cảnh Dương và qua một cái giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là rừng sản xuất thì đó là một cái sai".

Phó Chủ tịch huyện được cấp đất nói gì?

Trả lời báo chí, ông Hồ Trọng Cầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thừa nhận ông cùng vợ là bà Lê Thị Kim đang đứng tên trong giấy đăng ký quyền sử dụng đất ở ven biển Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh). 

Ông Cầu cho biết, sau năm 1975, 15 lô đất rừng ven biển thôn Cảnh Dương nói trên thuộc đất rừng phòng hộ. Lúc này chính quyền phát động trồng rừng dương trên đất này rồi giao cho xã quản lý. Về sau diện tích rừng dương này được giao cho Hợp tác xã Bình Dương (xã Lộc Vĩnh) quản lý.

Trong thời gian diện tích đất rừng này thuộc quản lý của Hợp tác xã Bình Dương, xảy ra một số trận bão khiến rừng dương bị gãy. Lúc này, ngoài tận dụng những cây dương bị gãy để làm chất đốt, một số người dân địa phương còn chặt phá rừng dương, hợp tác xã không quản lý được.

Theo ông Cầu, trước thực trạng trên, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc tham mưu UBND huyện thu hồi đất rừng để giao cho một số hộ dân và công đoàn một số cơ quan trồng và bảo vệ, chăm sóc rừng. Trong số những tổ chức công đoàn được giao đất rừng có Công đoàn Văn phòng UBND huyện Phú Lộc.

Ông Cầu nói rằng, sau khi được giao đất rừng, Công đoàn Văn phòng UBND huyện Phú Lộc tiến hành chia lô, phân thửa rồi làm thủ tục giao cho 15 đoàn viên. Mỗi đoàn viên được giao bình quân 1.600m2 đất để trồng và chăm sóc rừng. Các đoàn viên chính thức được giao đất từ năm 1995.

Khi Công đoàn Văn phòng UBND huyện được giao đất rừng, ông là Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, còn vợ ông là nhân viên tạp vụ cơ quan này. Vì vợ chồng ông đều là đoàn viên của Công đoàn Văn phòng UBND huyện nên cũng được chia đất rừng như những đoàn viên khác.

Ông Cầu khẳng định, theo Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 02 của Chính phủ về hướng dẫn cấp đất lâm nghiệp thì công đoàn cũng được giao đất và cán bộ cũng là đối tượng được giao đất giống như người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, hiện 15 lô đất rừng này đang được quản lý dưới hình thức đất rừng sản xuất, còn theo quy hoạch Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô thì diện tích này là khu đất thương mại, dịch vụ.

Vu-nhieu-can-bo-duoc-cap-dat-rung-Thanh-tra-tinh-vao-cuoc-loc-vinh-1544669257-width717height960 3

 Quyết định giao đất của UBND huyện Phú Lộc cho ông Hồ Trọng Cầu. 

Trả lời PV VTC News, ông Phạm Viết Phong - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thừa nhận ông cũng là một trong số 15 người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc là rừng phòng hộ ven biển Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh). Tuy nhiên, khi PV hỏi thêm một số thông tin sâu hơn thì ông Phong nói lâu quá rồi không nhớ.

Hàng loạt cơ quan cấp tỉnh vào cuộc

Liên quan đến vấn đề trên, mới đây, ông Phan Quý Phương – Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế cho biết, sau khi nhận được công văn của Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế,  đích thân ông Phan Văn Quang - Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy xuống thôn Cảnh Dương xác minh thông tin vụ việc. Qua bước đầu xác minh, đơn vị đã yêu cầu UBND huyện Phú Lộc làm bản báo cáo giải trình vụ việc.

Ngày 29/11, huyện Phú Lộc đã có văn bản báo cáo gửi UBKT Tỉnh uỷ, trong báo cáo đã trình bày nguồn gốc và những cơ sở pháp lý việc cấp đất và GCNQSD đất cho các chủ sở hữu.

Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế cho hay, trong báo cáo, UBND huyện Phú Lộc “nhận sai” về cá nhân được cấp đất.

Theo đó, nếu căn cứ Khoản 4 Thông tư số 06 – LN/KL ngày 18/6/1994 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn thi hành Nghị định số 02 – CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ thì đối tượng được giao đất lâm nghiệp, trong đó hộ gia đình và cá nhân phải thường trú hoặc tạm trú hợp pháp tại địa phương, được UBND xã, phường thị trấn xác nhận.

Theo ông Phương, nhận thấy trong báo cáo của huyện Phú Lộc giải trình có nhiều điểm chưa phù hợp nên UBKT Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu kiểm tra lại thực tế và rà soát các hồ sơ liên quan không chỉ ở những khu đất nói trên mà cần phải kiểm tra, rà soát nhiều nơi khác nữa để làm báo cáo tổng thể gửi lên cấp trên.

Ngoài ra, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có cuộc họp với UBND huyện về vụ việc này.

Người đứng đầu UBND huyện Phú Lộc cho biết, UBND huyện đang rà soát để kết luận người nào đủ điều kiện được cấp đất và người nào không đủ điều kiện được cấp đất.

Những trường hợp được cấp đất chưa phù hợp sẽ điều chỉnh, chuyển sang diện cho thuê đất. Ngoài ra, các nội dung giao đất “siêu tốc”, văn bản có dấu hiệu bất thường cũng sẽ được làm rõ.

NGUYÊN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn