Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Thêm một lần dọa xử nghiêm nhà thầu

Thời sựThứ Năm, 17/07/2014 07:25:00 +07:00

Qua kiểm tra tiến độ tại Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đã có 9/11 gói thầu đang chậm tiến độ.

Qua kiểm tra tiến độ tại Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đã có 9/11 gói thầu đang chậm tiến độ.

Nguyên do chính là do nhà thầu thiếu nguồn nhân lực, thiếu vốn, nguồn cung cấp vật liệu khan hiếu, nhà thầu Trung Quốc thiếu máy móc và xử lý nền đất yếu (chờ lún) kéo dài.

Vấn đề này đa được đoàn công tác của Bộ GTVT chỉ ra tại buổi kiểm tra giám sát tiến độ Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cùng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện ngày 16/7.

 Hiện trường dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Hiện trường dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. 

Theo ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), tính đến ngày 30/6/2014, toàn dự án đã giải ngân được 11.880 tỉ đồng (chưa bao gồm VT), giá trị giải ngân bao gồm cả tạm ứng và chưa tính trượt giá đạt 58% giá trị hợp đồng dự kiến điều chỉnh.

Vấn đề vướng nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn tồn tại như đoạn nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với QL39 vẫn đang chưa được giải phóng.

Cũng theo Vidifi, hiện vẫn còn một số đoạn tuyến xử lý đất yếu thuộc các gói thầu đã có thời gian đắp tải lớn hơn so với yêu cầu thiết kế, tuy nhiên độ lún cố kết vẫn chưa đạt yêu cầu, hoặc độ lún đã đạt yêu cầu nhưng tốc độ lún tháng cuối thời gian quan trắc vẫn lớn hơn 1cm, do vậy chưa thể dỡ tải.

Về phía các nhà thầu, vướng mắc của gói EX5, EX7, EX8, EX9, EX10 là do nguồn vốn chưa đầy đủ, còn nợ tiền thầu phụ. Mặt khác, không chủ động được nguồn nguyên vật liệu. Tại gói EX3, nhà thầu lo đủ tiền nhưng lại vướng vì xe vật liệu chở quá tải. Nhà thầu đề nghị với Bộ GTVT xin cho phép xe được chở quá tải trên 7km đường qua tỉnh Hưng Yên.

Để đảm bảo tiến độ của dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu Vidifi phải giải quyết ứng vốn ngay cho nhà thầu, có thể tạm ứng thêm 5% theo khuôn khổ cho phép thành 15%, không lấy lãi, nhưng phải có biện pháp để quản lý tiền để phục vụ công trình.

Nhằm gỡ khó cho nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương phải tạo điều kiện để các mỏ đá ký kết hợp đồng cung cấp với các nhà thầu. Còn đối với các nhà thầu, phải tập trung tăng cường lực lượng, máy móc con người, tiền trả lương cho công nhân, máy móc. Cần phải có tiền hoàn trả trực tiếp cho xe chở nguyên vật liệu.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, các nhà thầu ký kết hợp đồng kinh tế phải thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ của mình. Nếu làm chây ỳ, yếu kém sẽ bị phạt, không có “xuê xoa” trong hợp đồng kinh tế. Đặc biệt, phải hoàn thành thẩm định hồ sơ tổng mức đầu tư, phương án tài chính của dự án trong tháng 7/2017.

“Đẩy nhanh tiến độ, nhưng phải đảm bảo chất lượng vì đây là công trình trọng điểm quốc gia”, ông Thăng nhấn mạnh.

Đây cũng là lần thứ 2, Bộ trưởng Thăng đưa ra cảnh báo với nhà thầu này. Trước đó, ngày 22/4, làm việc với VIDIFI và các nhà thầu quốc tế tham gia dự án xây dựng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Bộ trưởng Thăng đánh giá tiến độ của dự án quá chậm so với yêu cầu do năng lực tài chính của các nhà thầu quốc tế quá kém.

Nếu trong thời gian tới không thúc đẩy được tiến độ, Bộ GTVT sẽ cấm cửa các nhà thầu này tham gia dự án giao thông tại Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, các nhà thầu quốc tế đều cho rằng, nguyên nhân chính là nguồn tài chính chưa đáp ứng được và đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan.

“Các ông toàn bán thương hiệu cho các nhà thầu Việt Nam, chỉ đứng tên rồi lấy phần trăm, không làm. Việc này nếu cho công an vào điều tra thì sẽ to chuyện” – Bộ trưởng gay gắt.

Bộ trưởng cũng đã từng đánh giá: “Đây là dự án hết sức quan trọng, là tuyến đường trọng điểm quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và địa phương đặc biệt quan tâm, lẽ ra phải hoàn thành và năm 2013. Tuy nhiên, dự án quá chậm so với ban đầu dù nay các chủ đầu tư thỏa thuận đạt tiến độ nhưng tiến độ mới cũng vẫn chậm".

Theo quan điểm của Bộ trưởng, các nhà thầu phải bằng mọi biện pháp đảm bảo tiến độ cuối cùng, không lùi nữa. Nếu các nhà thầu lớn này không hoàn thành đúng tiến độ, Bộ GTVT sẽ cấm cửa tham gia các dự án xây dựng công trình giao thông trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nếu đầu tháng 7 tới, tiến độ dự án không bảo đảm, Bộ GTVT sẽ chính thức có những biện pháp, chế tài mạnh mẽ đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng.

Sau một khoảng thời gian hứa sẽ cải thiện nhưng tình hình của tuyến đường cao tốc này không hề thay đổi, liệu Bộ trưởng Thăng có cấm nhà thầu này hay không?

» Bộ trưởng Thăng truy trách nhiệm, đường lún đúng quy trình?
» Thông xe 50 km tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai
» Sau Bộ trưởng Thăng, Đà Nẵng 'thẳng tay' trảm 4 nhà thầu

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn