Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Chủ đầu tư phớt lờ quyền lợi của dân

Kinh tếThứ Tư, 13/08/2014 01:36:00 +07:00

(VTC News) - Việc thay thế cầu vượt bằng cống chui đoạn đi qua huyện Yên Mỹ(Hưng Yên) tại dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ giúp chủ đầu tư "lời" 67 tỷ.

(VTC News) - Việc thay thế cầu vượt bằng cống chui đoạn đi qua huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) tại dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ giúp chủ đầu tư "lời" 67 tỷ đồng.

Hàng trăm hộ dân huyện Yên Mỹ, Hưng Yên vừa có đơn tố chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng “ăn bớt” một cầu vượt so với thiết kế được duyệt, khiến người dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì phải… đi đường vòng ra cánh đồng.

Trong khi đó, theo thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên về thống nhất các giải pháp thiết kế kỹ thuật đường gom, cầu vượt, cống chui dân sinh… thuộc đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng qua đoạn tỉnh Hưng Yên do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên ký ngày ngày 28/7/2008 cho biết: Do cầu vượt đường cao tốc B-39 (Km14+886) trên đường 206 và cầu vượt B39 (Km15+333) trên đường tỉnh 199 (ĐT.199) gần nhau cần nghiên cứu phương án cải tuyến, bố trí một cầu vượt, một cống chui dân sinh để kết nối bảo đảm giao thông.

Công văn ngày 19/11/2011 của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) - chủ đầu tư  dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông báo: Do cầu vượt đường cao tốc B-39 (Km14+886) trên đường 206 và cầu vượt B39 (Km15+333) trên đường 199 gần nhau cần nghiên cứu phương án cải tuyến, bố trí một cầu vượt, một cống chui dân sinh để kết nối bảo đảm giao thông.

Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế, tư vấn thiết kế đã lựa chọn phương án làm 2 cầu vượt trên DDT206 và ĐT.199 thay vì phương án như khuyến cáo của UBND tỉnh Hưng Yên vì lý do trắc dọc đường cao tốc đều phải điều chỉnh đắp cao thêm gần 2m nữa so với hiện tại trên phạm vi gần 1m.

Ngày 18/10/2012, Sở GTVT Hưng Yên có công văn số 1992/SGTVT-KCHT gửi VIDIFI, nêu rõ: Sở GTVT Hưng Yên nhận thấy đề nghị của nhân dân 2 thôn Từ Hồ và Mễ Thượng của xã Yên Phú huyện Yên Mỹ là cần thiết. Để đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi trong sản xuất và phát triển kinh tế, Sở GTVT Hưng Yên đề nghị VIDIFI nghiên cứu, thiết kế dịch chuyển vị trí công chui theo thiết kế cũ về vị trí ĐT.199.

Theo đó, biên bản hội nghị về thống nhất phương án tổ chức giao thông của đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng qua khu vực xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên ngày 08/11/2012 như sau: Giữ nguyên vị trí cống chui dân sinh tại thôn Mễ Thượng; Bổ sung thêm 1 cống chui dân sinh trên ĐT.199.

Ngày 20/11/2012, Bộ GTVT cũng có thông báo số 701/TB-BGTVT kết luận của thứ trưởng Lê Mạnh Hùng tại buổi kiểm tra hiện trường và rà soát thiết kế các nút giao Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trong đó nêu rõ: Đối với giao cắt với ĐT.199 (Km15+331): thống nhất phương án thay thế cầu vượt trên ĐT.199 bằng hầm chui với tĩnh không đảm bảo lưu thông cho người và phương tiện thô sơ phục vụ sản xuất nông nghiệp (Số kinh phí sau khi thực hiện phương án thay thế sẽ tiết kiệm được 70 tỷ đồng).

Ngày 2/4/2013, VIDIFI có công văn số 130402.01/TCT-PMB HNHP trả lời đươn thư khiếu nại về điều chỉnh, bổ sung cống chui dân sinh trên Đường tỉnh 199 thuộc gói thầu EX-2, dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho hay: VIDIFI đã có văn bản số 1111119.01/TCT-PMB HNHP ngày 19/11/2011 đề xuất phương án điều chỉnh không xây dựng cầu vượt trên ĐT.199, bổ sung đoạn đường nối nhập ĐT.199 vào ĐT.206 theo quy mô đường cấp III đồng bằng và không bố trí cống chui dân sinh trên ĐT.199 (do cách vị trí ĐT.199 hiện tại về phía Hải Phòng 366m đã có bố trí cống chui dân sinh Bxh=4,0x2,7m để đảm bảo giao thông dân sinh).

Trên cơ sở đó, VIDIFI viện dẫn nhiều lý do làm cống chui đủ tiêu chuẩn (4mx 3,25m) không thích hợp và để tiết kiệm chi phí chỉ có thể thiết kế cống chui phi tiêu chuẩn (rộng 4m, cao 2m).

Tại buổi đối thoại với người dân vừa qua, đại diện VIDIFI, ông Đỗ Đình Định một lần nữa khẳng định việc doanh nghiệp này làm cống chui phi tiêu chuẩn là do ảnh hưởng đến thiết kế của tuyến cao tốc, không thể nâng cao hơn được, chứ hoàn toàn không phải vấn đề kinh phí!

Tuy nhiên, khi người dân tính toán, nếu chiều cao 3,25m, rộng 4m thì tổng chi phí để nâng nền, tạo độ dốc kỹ thuật và các chi phí các hạng mục liên quan chỉ mất khoảng 3 tỷ đồng. Như vậy, 70 tỷ đồng – 3 tỷ đồng = chủ đầu tư tiết kiệm được 67 tỷ đồng.

Điều khiến người dân bức xúc là dù họ đã chấp nhận thiệt thòi làm “cống dân sinh” thay vì “cầu vượt” để tiết kiệm hàng chục tỷ đồng kinh phí cho nhà nước, nhưng không hiểu vì lý do gì chủ đầu tư dự án vẫn "phớt lờ" quyền lợi chính đáng này của người dân.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khi hoàn thành sẽ chia đôi cánh đồng 300 ha canh tác thâm canh của hai thôn Từ Hồ, Mễ Thượng, xã Yên Phú huyện Yên Mỹ.

Ngọc Vy

Bình luận
vtcnews.vn