Cảnh sát Mỹ ghì chết người da màu: Phóng viên CNN bị bắt khi đưa tin biểu tình

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 29/05/2020 23:12:00 +07:00
(VTC News) -

Cảnh sát bắt một phóng viên da màu của CNN cùng 3 đồng nghiệp khi nhóm này đang đưa tin về cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc ở Minneapolis.

5 giờ sáng 29/5, phóng viên CNN Omar Jimenez đang đưa tin trực tiếp về cuộc biểu tình xung quanh đồn cảnh sát thành phố. Không lâu sau khi nhóm phóng viên ghi hình một vụ bắt giữ, cảnh sát tiến lại gần, yêu cầu họ di chuyển.

Cảnh sát Mỹ ghì chết người da màu: Phóng viên CNN bị bắt khi đưa tin biểu tình - 1

Omar Jimenez.

Jimenez nói, anh và 3 đồng nghiệp thuộc CNN và trình thẻ nhận dạng. “Chúng tôi có thể di chuyển về nơi các anh yêu cầu. Giờ chúng tôi đang truyền hình trực tiếp. Chúng tôi có 4 người, cùng một đội. Chúng tôi sẽ tránh đường và di chuyển về nơi nào các anh muốn, hãy cho chúng tôi biết.”

Nhưng hai cảnh sát mặc trang phục chống bạo động tiến lại, nói với Jimenez rằng “anh đã bị bắt”. Họ còng tay, dẫn anh đi ngay trước ống kính truyền hình. Những người khác trong đội cũng bị bắt sau đó. 

Cảnh sát Mỹ ghì chết người da màu: Phóng viên CNN bị bắt khi đưa tin biểu tình - 2

Phóng viên CNN bị bắt giữ.

CNN ngay lập tức lên tiếng chỉ trích hành động này, yêu cầu nhà chức trách tại Minnesota thả các phóng viên. Trong cuộc nói chuyện với chủ tịch CNN Jeff Zucker, Thống đốc Minnesota Tim Walz nói vô cùng xin lỗi về những gì đã xảy ra, và vụ bắt giữ là “không thể chấp nhận được”.

Ông cũng khẳng định đội phóng viên CNN có quyền ở hiện trường và ông muốn truyền thông đưa tin về các cuộc biểu tình.

Trong khi đó, phóng viên CNN Josh Campbell nói cảnh sát đối xử với anh “rất khác” Jimenez. “Tôi ngồi nói chuyện với Vệ binh quốc gia, nói chuyện với cảnh sát. Họ lịch sự yêu cầu tôi di chuyển sang chỗ này, chỗ kia. Đôi khi, tôi di chuyển quá gần, họ lịch sự yêu cầu tôi lùi lại. Họ không rút còng tay ra”. 

Dù vậy anh không khẳng định chủng tộc có vai trò gì trong vụ bắt giữ các phóng viên.

Hiện cảnh sát đã thả nhóm phóng viên, nhà chức trách Minneapolis lên tiếng xin lỗi về sự việc.

Video: Phóng viên CNN bị cảnh sát bắt khi đang tường thuật trực tiếp vụ biểu tình ở Minnesota

Sau khi cảnh sát ghì cổ đến chết người đàn ông da màu George Floyd, các cuộc biểu tình cả ôn hòa lẫn bạo lực diễn ra ở nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ. Ngoài Minneapolis (bang Minnesota), các thành phố khác có biểu tình là Phoenix, Denver, Louisville, Memphis, Columbus.

4 cảnh sát liên quan đến vụ việc đã bị sa thải, nhưng gia đình Floyd muốn truy tố họ tội danh giết người.

Tổng thống Trump gọi một số người biểu tình ở Minneapolis là những kẻ côn đồ và cảnh báo "súng sẽ nổ khi cướp bóc xảy ra".

Video: Biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Minneapolis

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định một số "kẻ côn đồ" đã không hề tôn trọng khi tưởng nhớ nạn nhân George Floyd. Ông cho biết, đã nói chuyện với Thống đốc Tim Walz và đảm bảo rằng quân đội Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng thành phố.

Thống đốc bang Minnesota phải ban bố tình trạng khẩn cấp và triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia giúp khôi phục trật tự sau 2 ngày diễn ra các cuộc biểu tình liên quan tới cái chết của George Floyd. 

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn