Cảnh sát được trưng dụng xe, điện thoại di động khi làm nhiệm vụ

Thời sựThứ Sáu, 29/01/2016 05:43:00 +07:00

Cảnh sát có thể trưng dụng bất kỳ loại phương tiện nào để làm nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách

Trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông cho biết cảnh sát có thể trưng dụng bất kỳ loại phương tiện nào để làm nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách.

- Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát, hiệu lực từ 15/2, có gì mới thưa ông?


Thông tư này không có thay đổi nhiều so với Thông tư 65 trước đây. Thông tư này bổ sung thêm một số mục chỉ nhằm để đảm bảo an toàn, thuận tiện hơn cho việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động người tham gia giao thông. Tôi nhấn mạnh là quy định mới không gia tăng thêm quyền hạn chức năng cho lực lượng cảnh sát giao thông.

 - Những tình huống nào cảnh sát giao thông được dừng xe của người tham gia giao thông?


Lực lượng cảnh sát chỉ dừng phương tiện trong 5 trường hợp. Ví dụ như trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; Thực hiện kế hoạch, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm…
Theo quy định cảnh sát giao thông có thể được phép trưng dụng bất kỳ phương tiện nào trên đường trong trường hợp cấp bách, để phòng chống tội phạm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: Bá Đô
Theo quy định cảnh sát giao thông có thể được phép trưng dụng bất kỳ phương tiện nào trên đường trong trường hợp cấp bách, để phòng chống tội phạm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: Bá Đô 
- Thông tư quy định: “Cho phép Cảnh sát giao thông ngoài kiểm tra giấy tờ của người lái còn kiểm soát cả giấy tờ tùy thân của người ngồi trên phương tiện đó”, điều này dẫn đến lo ngại về sự lạm quyền. Ông đánh giá thế nào?

Theo đúng tinh thần của Thông tư là ngoài việc kiểm tra giấy tờ của người lái khi vi phạm giao thông thì cảnh sát có thể kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của người ngồi trên phương tiện tức là người ngồi sau. Điều này đã có quy định từ trước và không có gì mới, đặc biệt nó phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nên không có gì là lạm quyền cả.

Quy định của pháp luật hiện nay, công dân phải có giấy tờ tuỳ thân mang theo người ví dụ như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước... Điều này ở nước ngoài họ đã làm từ lâu, người dân ra đường không có hộ chiếu sẽ bị phạt.

Việc kiểm tra xử lý người ngồi sau khi không có chứng minh thư, hộ chiếu, thẻ căn cước đều có quy định trong các luật Cư trú, luật Căn cước công dân và việc xử phạt hành chính cũng căn cứ vào Nghị định 167 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Việc kiểm tra thiết bị giám sát hành trình bị cho là vi phạm quyền riêng tư của người điều khiển phương tiện, đặc biệt với xe cá nhân. Ông giải thích thế nào?


Hiện nay, mới có xe khách phải gắn thiết bị giám sát hành trình để siết chặt quản lý hoạt động vận tải. Xe con chưa có quy định bắt buộc phải lắp. Khi không có quy định đương nhiên cảnh sát không được phép kiểm tra, xử lý.


- Điều 14 của Thông tư quy định cảnh sát kiểm soát và đánh giá tình trạng kỹ thuật lái như hệ thống phanh, áp lực hơi... Việc kiểm tra sẽ như thế nào khi mà đó không phải là chuyên môn của họ?


Việc này đã áp dụng lâu, trong Thông tư 65 cũng đã quy định, lực lượng cảnh sát hàng ngày khi tuần tra kiểm soát thấy phương tiện có dấu hiệu bất thường có thể bằng cảm quan kiểm tra được độ mòn của vân lốp xe, độ dơ của tay lái, đường ống dẫn dầu phanh của xe container, hay kiểm tra mối nối có rò rỉ không…ngoài ra có việc kiểm tra bằng phương tiện kỹ thuật, máy móc, thiết bị.

- Theo thông tư, cảnh sát được dừng phương tiện và trưng dụng khi cần thiết. Ông có thể làm rõ hơn, trong trường hợp nào thì cảnh sát được trưng dụng?


Cảnh sát giao thông được phép trưng dụng bất kỳ phương tiện nào trên đường thậm chí có thể trưng dụng cả điện thoại của người tham gia giao thông, tuy nhiên chỉ được trưng dụng trong những trường hợp cấp bách như ngăn chặn tội phạm hình sự, đảm bảo an toàn, trật tự giao thông và an ninh quốc phòng.

Ví dụ trong trường hợp khi phát hiện thấy có tội phạm buôn bán ma tuý, cướp giật gây nguy hiểm cho người và phương tiện trên đường…cảnh sát làm nhiệm vụ có thể trưng dụng bất kỳ phương tiện nào trên đường để phục vụ cho việc ngăn chặn những hành vi nguy hiểm.

Trường hợp, nếu người dân không đồng ý cho cảnh sát trưng dụng phương tiện và cản trở cảnh sát mà gây ra hậu quả cũng có thể bị xử lý tuỳ theo mức độ. Còn khi cảnh sát trung dụng phương tiện sai quy định cũng bị xử lý theo quy định trong luật Công an nhân dân.

Ngoài ra, trường hợp cảnh sát khi trưng dụng làm hư hỏng xe của người dân thì theo quy định của pháp luật, cơ quan, tổ chức yêu cầu trưng dụng phải chịu đền bù.

- Người dân có thể giám sát, ghi hình, chụp ảnh cảnh sát không thưa ông?


Tất cả người dân đều có quyền được phản ánh, có quyền được quay phim chụp ảnh, đặc biệt là phản ánh về những cảnh sát vi phạm điều lệnh, có dấu hiệu tiêu cực. Điều này Cục rất hoan nghênh người dân và mong mọi người có thông tin gọi vào đường dây nóng của Cục hoặc phản ánh qua trang Web: CSGT.VN.

Nguồn: VNE
Bình luận
vtcnews.vn