Cảnh sát biển Việt Nam nhận thêm 3 tàu hiện đại

Thời sựThứ Hai, 26/08/2013 02:40:00 +07:00

Ngay từ lúc tàu nhổ neo, sóng luôn đạt cấp 7, gió to, trời nhiều mù, tầm nhìn hạn chế... song các tàu đều về bến an toàn, kết quả nghiệm thu tốt.

Ngay từ lúc tàu nhổ neo, sóng luôn đạt cấp 7, gió to, trời nhiều mù, tầm nhìn hạn chế... song các tàu đều về bến an toàn, kết quả nghiệm thu tốt.

Sáng 26/8, tại Nhà máy Z173 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng), đã diễn ra Lễ bàn giao 3 tàu hiện đại cho Cảnh sát biển Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu tại Lễ bàn giao tàu...

Hợp lực đưa tàu vượt sóng ra khơi

Trước lễ bàn giao tàu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cục CSB Việt Nam chia sẻ: 3 con tàu được đưa vào bàn giao đúng tiến độ là do có sự phối hợp hết sức nhịp nhàng và đồng bộ giữa Nhà máy Z173 và CSB Việt Nam. Việc sửa chữa các tàu cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật.

Nhà máy Z173 bàn giao tàu cho CSB Việt Nam.
Nhà máy Z173 bàn giao tàu cho CSB Việt Nam. 

Quả đúng vậy, ngay từ những ngày 3 con tàu mới được đưa về Nhà máy Z173 sửa chưa, nâng cấp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo và động viên các lực lượng trực tiếp sửa chữa tàu. Sau đó là các chuyến thăm, kiểm tra, chỉ đạo của các đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Trương Quang Khánh và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Thượng tá Lê Văn Thước, Phó giám đốc kỹ thuật Nhà máy Z173 cũng đồng tình chia sẻ: Dự án sửa chữa 3 tàu CSB 8003, CSB 2015, CSB 2016 là một trong những dự án mà nhà máy nhận được sự quan tâm lớn nhất của thủ trưởng các cấp từ trước đến nay. Cái thuận là khi thực hiện dự án này, nhà máy đã có kinh nghiệm sửa chữa nhiều tàu lớn; có mặt bằng công nghệ hiện đại; có lực lượng kỹ sư chuyên ngành trình độ cao, giàu kinh nghiệm.

Vậy nhưng, khó khăn đặt ra không hề nhỏ khi nhà máy thực hiện dự án như linh kiện thay thế khan hiếm, khó tìm ở thị trường trong nước; tài liệu phục vụ cho nghiên cứu, sửa chữa tàu rất ít. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của các đơn vị liên quan, cả 3 tàu đã được sửa chữa hoàn thành; nghiệm thu tại bến và nghiệm thu trên biển đạt kết quả tốt và tổ chức bàn giao, đưa vào biên chế của lực lượng CSB sau 6 tháng sửa chữa, đúng như cam kết.

Là một trong những người theo sát quá trình sửa chữa 3 tàu CSB tại Nhà máy Z173, Thượng tá Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Cục CSB Việt Nam cho biết: 3 tàu đã được cải tiến và thay thế một số hệ thống hiện đại như hệ thống quan sát, thông tin liên lạc, ra đa, cứu sinh, cứu hỏa. Riêng hệ thống điều khiển có mức độ hiện đại thuộc “Top” đầu khu vực và thế giới.

Tàu CSB 8003 không chỉ có khả năng truyền tín và thoại, mà còn có khả năng truyền hình ảnh trên hải trình về trung tâm chỉ huy của Cục CSB Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, nhất là khi có tình huống phức tạp nảy sinh…

Sức mạnh của CSB được tăng cường


Có mặt tại Nhà máy Z173 để kiểm tra và chỉ đạo công tác bàn giao tàu ngay từ ngày 25-8, vui mừng trước những kết quả đạt được trong quá trình sửa chữa, nâng cấp 3 tàu CSB, thay mặt Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung nhiệt liệt biểu dương Nhà máy Z173, Cục CSB Việt Nam và các đơn vị liên quan trong việc sửa chữa các tàu.

Để việc quản lý, khai thác các tàu đạt hiệu quả cao nhất, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu lực lượng CSB cần tập trung nỗ lực cao nhất, nhanh chóng nắm bắt và làm chủ các trang thiết bị kỹ thuật theo từng vị trí, chuyên ngành; vận hành theo đúng quy trình, thuần thục, chính xác thao tác; phối hợp hoạt động chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả; bảo đảm trong thời gian sớm nhất có thể đưa tàu vào hoạt động trong đội hình huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ.


Thượng tướng Nguyễn Thành Cung thăm buồng máy của tàu CSB 8003.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung thăm buồng máy của tàu CSB 8003. 

Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó cục trưởng-Tham mưu trưởng Cục CSB Việt Nam cho rằng: Việc bàn giao, đưa vào biên chế của Cảnh sát biển các tàu CSB 8003, CSB 8015 và CSB 8016 sẽ góp phần tăng cường đáng kể khả năng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển; bảo vê tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các các hành vi vi phạm pháp luật trên biển và hợp tác quốc tế để giữ gìn an ninh trật tự, hòa bình và ổn định trên các vùng biển.

Khi lên tham quan các tàu, các cán bộ đến từ Cục CSB cho biết: thủy thủ đoàn của 3 tàu đều là những người dạn dày với biển cả, là lực lượng nòng cốt của các tàu khác, được lựa chọn về làm chủ và khai thác những con tàu hiện đại này.

3 chiếc tàu hiện đại của CSB Việt Nam trên cầu cảng của Nhà máy Z173.
3 chiếc tàu hiện đại của CSB Việt Nam trên cầu cảng của Nhà máy Z173. 

Trung tá Phan Văn Tĩnh, Thuyền trưởng tàu CSB 8003 tâm sự: Là tàu lớn, nên khối lượng trang thiết bị trên tàu cũng rất…khổng lồ. Thêm nữa, hệ thống bảo vệ của tàu rất nghiêm ngặt, nếu thao tác sai quy trình sẽ không thể vận hành được tàu.

Tuy nhiên, với bản lĩnh vững vàng và giàu kinh nghiệm, các thủy thủ vừa tham gia vào quá trình sửa chữa tàu, vừa tập trung học tập, nghiên cứu để sớm làm chủ con tàu. Trong chuyến chạy nghiệm thu đường dài trên biển giữa tháng 8 này, các anh đã chứng tỏ mình hoàn toàn làm chủ được những con tàu hiện đại.

Thật ngẫu nhiên, ngày chạy nghiệm thu đường dài “rơi” đúng vào lúc “siêu bão” số 7 gây ảnh hưởng lớn đến khu vực Vịnh Bắc Bộ.

“Kế hoạch đã định, chạy trong điều kiện sóng to gió lớn sẽ vừa kiểm tra toàn diện được tính năng của tàu, vừa kiểm tra khả năng làm chủ con tàu quả thủy thủ đoàn. Hơn nữa, chúng tôi còn có nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, nên chạy trong điều kiện thời tiết như vậy sẽ sát hơn với nhiệm vụ này”, Trung tá Tĩnh chia sẻ.

Hệ thống vũ khí được trang bị trên tàu CSB 2015.
Hệ thống vũ khí được trang bị trên tàu CSB 2015. 

Ngay từ lúc tàu nhổ neo, sóng luôn đạt cấp 7, gió to, trời nhiều mù, tầm nhìn hạn chế; có giai đoạn phải cơ động trong luồng hẹp, do tàu thuyền về tránh bão đậu “dày như nêm cối”. Song sau một ngày đêm đè sóng cả, các tàu đều về bến an toàn, kết quả nghiệm thu tốt. 
Chuyến đi trong bão ấy cũng cho thấy tính ổn định của tàu rất tốt trong điều kiện sóng lớn. Điều đó khẳng định các tàu CSB hiện đại này có thể hoạt động trong điều kiện sóng lớn đến cấp 8, riêng tàu CSB 8003 có thể hoạt động rất dài ngày trên biển…

Tại Lễ bàn giao tàu, thay mặt Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung đã trao Bằng khen tặng Nhà máy Z173 vì những thành tích đạt được trong quá trình sửa chữa, nâng cấp 3 tàu cảnh sát biển.

Thông số kỹ thuật của các tàu CSB 2015, CSB 2016

Chiều dài lớn nhất: 47,75m

Chiều dài thiết kế: 45,6m

Chiều rộng: 7,1m

Chiều cao mạn: 4,3m

Mớn nước đầy tải: 2,12m

Lượng giãn nước đầy tải: 280 tấn

Công suất máy chính: 2.690KW x 02 máy

Tốc độ thiết kế lớn nhất: 22,3 hải lý/giờ

Thông số kỹ thuật của tàu CSB 8003

Chiều dài lớn nhất: 81,5m

Chiều dài giữa 2 đường vuông góc: 75,0m

Chiều rộng lớn nhất: 9,8m

Chiều cao mạn: 5,8m

Mớn nước đầy tải: 3,0m

Lượng giãn nước đầy tải: 1.400 tấn

Công xuất máy chính: 3.888Kw x 02

Tốc độ thiết kế lớn nhất: 20,7 hải lý/giờ






Theo QĐND

Bình luận
vtcnews.vn