Cảnh giác với diễn biến bệnh tay chân miệng

Sức khỏeThứ Sáu, 06/06/2014 09:57:00 +07:00

(VTC News) - Bác sĩ CK II Phạm Thanh Xuân, từng công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai lo lắng về nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng.


(VTC News) - Bác sĩ CK II Phạm Thanh Xuân, từng công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai lo lắng về nguy cơ bùng phát các dịch bệnh tăng cao trong mùa hè, đặc biệt là bệnh tay chân miệng.


Thưa Bác sĩ, bệnh chân tay miệng có thể bùng phát vào thời điểm nào?

Bác sĩ Phạm Thanh Xuân: Bệnh tay chân miệng (TCM) là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi các virus khác nhau và đã xuất hiện trong vài năm gần đây.

 
Bệnh vẫn thường xuất hiện lẻ tẻ trong năm nhưng cao điểm nhất vẫn là giai đoạn chuyển mùa, đặc biệt là mùa hè. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nếu không có những biện pháp phòng tránh hiệu quả sẽ có thể bùng phát trên diện rộng bất cứ lúc nào.


Những biểu hiện thường gặp ở người bị tay chân miệng là gì bà có thể lưu ý cho các bậc phụ huynh?

Bác sĩ Phạm Thanh Xuân: Bệnh TCM có biểu hiện bệnh cảnh rất khác nhau, có thể không có triệu chứng, có thể sốt nhẹ, phát ban đến thể rất nặng gây tử vong nhanh do biến chứng như phù phổi, suy tuần hoàn, hô hấp với các biểu hiện thần kinh khác nhau.

Nhìn chung đa số là thể nhẹ hay gặp ở cộng đồng. Sau thời gian 2 - 4 ngày nhiễm bệnh trẻ sẽ có các biểu hiện như: Bệnh thường bắt đầu với sốt 38 - 390C, kém ăn, mệt mỏi, thường đau họng.

Sau 1 - 2 ngày sốt thường xuất hiện đau ở miệng, nhìn thấy các vết đỏ rộp lên có thể gây loét. Thương tổn thường thấy ở lưỡi, lợi răng và mặt trong niêm mạc má. Đồng thời xuất hiện các ban đỏ ở da, không ngứa, có thể có mụn nước khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ở mông.

Những trường hợp có biến chứng nặng về hô hấp, thần kinh phải được theo dõi và điều trị ở bệnh viện.

Đến nay, đã có vaccin nào đặc trị virus gây bệnh tay chân miệng chưa, thưa bà?


Bác sĩ Phạm Thanh Xuân: Đến nay vẫn chưa có loại vaccin nào đặc trị virus ngây bệnh này vì vậy việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị tích cực nhằm duy trì chức năng sống đối với các trường hợp nặng, đặc biệt có suy tuần hoàn, hô hấp.

 Biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng tích cực nhất hiện nay là gì, xin bác sĩ có thể cho lời khuyên?


Bác sĩ Phạm Thanh Xuân: Vì chưa có vaccin phòng bệnh nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là thực hiện vệ sinh tốt cần phải tuyên truyền và áp dụng rộng rãi trong cộng đồng là: Đối với trẻ nhỏ, các mẹ cần giữ vệ sinh cho bé bằng cách rửa tay đúng và thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Làm sạch các vết bẩn, các dụng cụ đồ chơi bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn. Trẻ bị tay chân miệng rồi thì tránh tiếp xúc với cộng đồng, bởi đây là nguy cơ phát tán dịch bệnh rất cao.

Hiện nay trong xã hội đã có một số đơn vị mở các tổng đài tư vấn sức khỏe, chẳng hạn như bên tổng đài eDoctor với đầu số 18006115 mà tôi đang cộng tác, ở đó cung cấp các thông tin, kiến thức về phòng tránh dịch bệnh vì vậy đây cũng có thể xem là một biện pháp rất tốt cho các bà mẹ phòng tránh bệnh chân tay miệng cho con.

Các mẹ khi thấy bé có dấu hiệu bất thường có thể gọi để nhờ các bác sĩ tư vấn xem với tình hình như vậy thì bé có phải đến bệnh viện không? Có thể điều trị ở nhà không?...Tóm lại là có những thông tin trước khám là tốt nhất.


Xin hỏi bác sĩ một câu cuối cùng liên quan đến vấn đề tư vấn sức khỏe từ xa như bà vừa nói, với xu thế hiện nay thì những giải pháp như vậy đã thực sự cần thiết chưa?


Bác sĩ Phạm Thanh Xuân:  Vô cùng cần thiết, bạn biết đấy thực tế hiện nay thì bệnh viện quá tải, dịch bệnh thì ngày một nhiều, nhiều người vùng sâu vùng xa đâu có điều kiện để có thể liên tục đi lại thăm khám…

Nên việc có những đơn vị tư vấn sức khỏe sẽ rất tốt, vừa giúp tuyên truyền cho bà con phòng tránh  bệnh tật vừa hỗ trợ được rất nhiều cho ngành y trong việc giảm quá tải bệnh viện. Như vậy thì quá tốt chứ đúng không bạn. (cười)

Xin cảm ơn bà


Hữu Huân

Bình luận
vtcnews.vn