Cảnh giác với chiêu làm cho mê muội để trộm cắp

Pháp luậtThứ Tư, 10/03/2010 02:12:00 +07:00

CQĐT CAQ Long Biên đang thụ lý 2 vụ việc liên quan đến đơn trình báo của 2 người phụ nữ tố cáo họ bị kẻ gian “dùng thủ đoạn làm cho mê muội rồi lấy trộm tài sản

CQĐT CAQ Long Biên đang thụ lý 2 vụ việc liên quan đến đơn trình báo của 2 người phụ nữ tố cáo họ bị kẻ gian “dùng thủ đoạn làm cho mê muội rồi lấy trộm tài sản” tại bến xe và trên xe buýt.

“Kết bạn” với... kẻ gian

Sự đông đúc của các bến xe buýt là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng 
Sáng 8/3, chị Đỗ Thị Huyền (SN 1993), quê Đông Hưng, Thái Bình, hiện là nhân viên hợp đồng của một đoàn nghệ thuật biểu diễn lưu động, được mời đến trụ sở Đội Điều tra hình sự CAQ Long Biên để trình báo và nhận dạng đối tượng nghi vấn đã “đánh thuốc mê” và lấy trộm tài sản của chị gồm 1,1 triệu đồng và chiếc điện thoại di động. Theo tường trình của chị Huyền, sáng 31/1, chị ra Bến xe Gia Lâm để đón xe khách về Thái Bình. Khi đang đợi xe, đột nhiên có 1 phụ nữ khoảng 50 tuổi chủ động đến bắt chuyện. Với vẻ xởi lởi, người phụ nữ tỏ ra biết khá nhiều thông tin về chị Huyền, về quê quán và tên của một vài người hàng xóm.

Khi câu chuyện đã thêm thân mật, người phụ nữ đột ngột đặt vấn đề muốn nhận chị Huyền... làm con nuôi, vì thấy “con thật thà, ngoan ngoãn”. Hết chuyện nhận con nuôi, người phụ nữ xoay sang chủ đề khác: “Con có tiền nong mang theo thì phải cẩn thận, trộm cắp bây giờ nhiều lắm. Nó mà để ý đến con thì chỉ có... trắng tay”. Nghe vậy, chị Huyền chột dạ, nhét chiếc ví và điện thoại di động vào túi xách. Chuyện trò một hồi, người phụ nữ nói có công việc phải giải quyết, chào chị Huyền rồi bỏ đi. Trước khi lên xe khách, chị Huyền kiểm tra lại túi xách mới phát hiện ví tiền và điện thoại di động đã biến mất.

Tình tiết vụ việc này khá giống với đơn trình báo của chị Lê Thị Hoa (SN 1973), quê An Lão, Hải Phòng, gửi CAP Gia Thụy. Sáng 28/1, chị Hoa đi xe buýt xuất phát từ Bến xe Gia Lâm. Trên xe, chị Hoa ngồi cùng 1 phụ nữ trạc 50 tuổi. Cũng vẫn màn hỏi chuyện, kết thân, nhưng ánh mắt của người phụ nữ luôn bám chặt vào chiếc túi xách mà chị Hoa đang ôm trong lòng. Trong túi có gần 20 triệu đồng. Ngồi một lúc, người phụ nữ lấy ra chiếc túi nilon, nhờ chị Hoa chuyển cho một người đàn ông đang ngồi ở hàng ghế bên kia. Thế rồi không hiểu vì sao, chị Hoa đưa chiếc túi đựng tiền cho người phụ nữ. Thời gian chị rời chiếc túi khoảng 5 phút. Cho đến khi xuống xe buýt, chị Hoa phát hiện số tiền đã không còn.

“Hoàn toàn do người dân mất cảnh giác”

Đó là khẳng định của chỉ huy Đội Điều tra hình sự - CAQ Long Biên trước diễn biến, tính chất 2 vụ việc trên. Đơn trình báo của các bị hại đều cho rằng họ như bị “mê” đi chừng vài phút, và khoảng thời gian ấy chính là lúc đối tượng nữ lợi dụng lấy cắp tài sản. Trao đổi với trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội, được biết, những vụ lấy trộm tài sản xảy ra tại nhà chờ hoặc trên xe buýt, được thực hiện từ việc đối tượng lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người dân.

Bao giờ cũng vậy, “con mồi” được chọn sẽ là chị em phụ nữ có điện thoại di động hoặc mang theo túi xách. Thủ đoạn của bọn gian hoặc chúng lợi dụng lúc đông đúc, hành khách chen lấn lên xe, lấy trộm tài sản; hoặc chúng chủ động tiếp cận với bị hại, chuyện trò, kết thân, tìm cơ hội trộm cắp.

Thời điểm mà các bị hại cảm giác như bị “đánh thuốc mê”, thực chất là lúc họ đã bị các đối tượng làm cho mất cảnh giác, không chú tâm bảo quản tài sản của mình. Và để thực hiện được ý đồ này, bao giờ cũng có từ ít nhất 2 đối tượng trở lên. Chúng sẽ đeo bám, bằng mọi cách lấy được tài sản của bị hại mới chịu bỏ đi.

Theo An ninh thủ đô

Bình luận
vtcnews.vn