Cảnh báo: Hai loài rận, bọ nguy hiểm bậc nhất trong nhà

Thời sựThứ Bảy, 10/07/2010 11:25:00 +07:00

(VTC News) - Ông Châu cho biết, cách đây không lâu các cán bộ ở Viện đã giúp đỡ một gia đình tìm lại hạnh phúc khi rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”...

(VTC News) - Nhân sự kiện phát hiện bọ xít hút máu người, trong quá trình tìm hiểu về các loài côn trùng nguy hiểm nhất Việt Nam, PV tiếp tục được PGS.TS Nguyễn Văn Châu kể cho rất nhiều các câu chuyện “cười ra nước mắt” từ những căn bệnh do côn trùng đốt.

Rận bẹn “sát thủ” của đời sống vợ chồng

Ông Châu cho biết, cách đây không lâu các cán bộ ở Viện đã giúp đỡ một gia đình tìm lại hạnh phúc khi rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”. Anh Nguyễn Văn T. (Hà Đông) làm nghề lái xe đường dài nên thường phải vắng nhà thường xuyên. Trong một lần về nhà, anh bị ngứa, bong vảy ở vùng kín, sau đó bệnh này lây sang vợ.

Đi khám khắp nơi, bôi đủ loại thuốc nấm nhưng vẫn không khỏi. Hai vợ chồng đã rất nhiều lần to tiếng chỉ vì vợ một mực trách móc chồng đi ra ngoài lăng nhăng mang bệnh về nhà. Dù cho anh T một mực thanh minh  rằng mình bị oan vì anh biết chắc chắn mình không làm những chuyện "bậy bạ" nhưng trước "chứng cứ" rõ ràng như thế, không ai trong gia đình tin anh. Tất cả mọi người nhìn anh bằng ánh mắt khác đầy trách móc.

Rận bẹn

Quyết tâm chứng minh, anh T. đã lấy được hai vảy ngứa bỏ vào vỏ lọ penicilin mang đến Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương xét nghiệm. Qua kiểm tra, PGS.TS Nguyễn Văn Châu đã xác định đây là loài rận bẹn (rận càng cua hay rận mu) có tên khoa học: Phthirus pubis.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Châu, loài rận càng cua thường xuất hiện ở những nơi có điều kiện sống ẩm ướt, vệ sinh cá nhân kém. Chúng lây từ người qua người thông qua quan hệ vợ chồng. Làm nghề lái xe đường dài thường xuyên nên anh T ít có điều kiện vệ sinh, chăm sóc cơ thể nên rận bẹn tấn công cũng là điều dễ hiểu.

Sau khi được tư vấn dùng thuốc đúng cách và vệ sinh cá nhân đầy đủ, căn bệnh của anh T ngày một thuyên giảm và hiện tại đã khỏi. Cũng nhờ đó, anh T chứng minh được sự đứng đắn của mình đối với vợ con và gia đình hai bên. Hiện tại hai vợ chồng anh sống rất hạnh phúc

PGS.TS Nguyễn Văn Châu đã chứng kiến nhiều trường hợp tình cảm gia đình sứt mẻ vì các căn bệnh do côn trùng gây nên

Loài rận bẹn có kích cỡ bé nhỏ, khoảng 1mm đối với con cái trưởng thành và 1,2 mm đối với con đực. Thân mỏng dẹt, màu dễ lẫn với màu da nên khó nhìn thấy (đây là kiểu ngụy trang của côn trùng), có 3 đôi càng sắc, khỏe như cua, bám vào da rất chắc. Chúng sống dưới gốc chân lông và ẩn sâu dưới lớp biểu bì vì thế kỳ cọ mạnh cũng không ra. Nhiều người gãi mạnh khiến vùng da đó bị bong tróc, lở nhưng vẫn ngứa, thậm chí dẫn đến những biến chứng khác như viêm nhiễm da.

Loài rận mu thường hoạt động về đêm, khi người đi ngủ và mọi thứ yên tĩnh nên vô hình chung sẽ trở thành thủ phạm cản trở cả đời sống sinh hoạt vợ chồng với những người bị chúng đeo bám nên người mắc bệnh không chỉ bị giảm sút về sức khỏe mà còn bị áp lực lớn về tinh thần.

Bọ chét: Hung thần của trẻ em

Bọ chét là tên chung để gọi các loài thuộc liên bộ Siphonaptera, là côn trùng không có cánh. Bọ chét sống kí sinh, hút máu bên ngoài cơ thể động vật máu nóng có vú và loài chim. Trên thế giới đã biết trên 2.000 loài bọ chét, thuộc 18 họ; trong đó 124 loài có khả năng truyền bệnh dịch hạch (Rann, 1960).

Ở nước ta đã phát hiện hơn 30 loài bọ chét, thuộc 7 họ, trong đó một số loài có vai trò truyền bệnh sang người như loài bọ chét chuột Xenopsylla cheopis ký sinh trên chuột, truyền bệnh dịch hạch chủ yếu ở nước ta. Nhưng từ năm 2000 đến nay, ở Việt Nam bệnh dịch hạch trên người không còn.

Một số loài bọ chét khác như loài Pulex irritans (ở chuồng gà), loài Ctenocephalides felis orientis và Ct. felis felis (ký sinh trên chó, mèo) sống gần người dễ chích đốt người gây viêm da, dị ứng, tạo thành các mụn nhọn rất phiền toái.
Các giai đoạn phát triển của bọ chét Pulexirritans

Các loài bọ chét này sinh sản nhiều vào cuối mùa xuân - đầu mùa hè. Ở miền Bắc nước ta, thường vào mùa hoa xoan bọ chét phát triển nhiều nhất. Chu kỳ phát triển của bọ chét qua 4 giai đoạn: trứng - ấu trùng - nhộng (kén) - trưởng thành. Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 23 -31 ngày.  Bọ chét đẻ trứng trên đất, cát, rơm rác trong hang tổ vật chủ.

Bọ chét Pulex irritans (bọ chét người) đẻ trứng và phát triển ở chuồng gà vùng trung du và rừng núi. Bọ chét chó, mèo đẻ trứng và phát triển ở ổ chó, mèo nằm, khắp nơi, từ rừng núi, nông thôn, thành thị. Cả con đực và con cái đều sống bằng việc hút máu vật chủ và người. Thực sự đáng sợ khi chỉ sau 1-2 giờ thoát khỏi kén, bọ chét đã tìm mồi hút máu. Một điều đặc biệt, bọ chét cái đốt no máu mới đẻ trứng. Sau mỗi lần hút máu, mỗi con cái đẻ từ 2-20 trứng. Suốt cuộc đời một con bọ chét cái đẻ khoảng trên 800 trứng. Tuổi thọ của con bọ chét khoảng 1 năm.


PGS.TS Nguyễn Văn Châu cho hay, bọ chét trưởng thành dài khoảng 1,5 -3,3mm, dẹt ở hai bên, có lớp vỏ ki-tin màu nâu thẫm. Bọ chét vận động bằng cách nhảy, do vậy đôi chân sau phát triển. Bọ chét trưởng thành có thể nhảy cao 0,5 mét, cao gấp 200 lần chiều dài cơ thể  và 130 lần chiều cao cơ thể của nó và xa 0,3 mét. Trên thân bọ chét có nhiều lông cứng hướng về phía sau làm hoạt động của chúng chỉ tiến về phía trước xuyên vào lông, tóc của vật chủ và giúp chúng bám chặt vào vật chủ và người.

Vết thương do bọ chét Tunga gây ra

Ông Châu kể lại, trường hợp của một người dân ở khu Ô Chợ Dừa (Hà Nội) tìm đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương cách đây không lâu kể về trường hợp kì lạ của gia đình mình. Anh này cho biết,nhà có cháu bé 3 tuổi thường ngủ ở tầng hai bị một con vật lạ đốt nổi mẩn đỏ khắp người. Cháu bé thường rất khó chịu, liên tục gãi, ngủ không yên. Gia đình hết sức lo lắng. Anh này có đem theo một số con côn trùng màu nâu đen, bé như hạt vừng bắt được trong nhà đến cho PGS.TS Nguyễn Văn Châu xem.

Kiểm tra mẫu vật, PGS.TS Nguyễn Văn Châu kết luận đó chính là loài bọ chét Ctenocephalides felis orientis. Loài bọ chét này ở Việt Nam chủ yếu ký sinh trên chó, mèo nuôi trong nhà, đẻ trứng ngay ổ chó mèo nằm. Mùa xuân hè, bọ chét sinh sản rất nhanh, số lượng rất nhiều, hút máu chó mèo không đủ nên nó đốt cả người. Nếu nơi chó nằm ở tầng một, bọ chét có thể vận động lên tới tầng hai.


Điều đáng nói, dù đây là những loại côn trùng hết sức nguy hiểm nhưng người dân vẫn còn ít hiểu biết về nó. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất đối với tất cả các loài côn trùng hút máu người là thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cá nhân, vệ sinh giường chiếu, khu vực gia đình thường xuyên sinh hoạt. Khi có các dấu hiệu bất thường, gia đình nên đưa con em đến các cơ sở y tế chuyên ngành để được khám và điều trị hiệu quả nhất.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn