Cảnh báo cực nguy hiểm về bệnh viêm não Nhật Bản

Sức khỏeThứ Hai, 12/05/2014 08:49:00 +07:00

(VTC News) - Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao.

(VTC News) - Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao.

Viêm não Nhật Bản là bệnh gì?

Viêm não Nhật Bản (còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B). Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Virus viêm não Nhật Bản chính là tác nhân gây bệnh. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ ở lứa tuổi 2-6 (chiếm 75% tổng số trẻ mắc bệnh). Bệnh có thể xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng chủ yếu vào các tháng 5, 6 và 7, tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt tăng cao.

Tại sao lại gọi là viêm não “Nhật Bản”? Bởi vì, chính tại nước Nhật Bản, người ta đã phát hiện ra trường hợp viêm não đầu tiên do tác nhân này.

Vào năm 1935, tại Nhật Bản, các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy nguyên nhân gây bệnh là một loại siêu vi thuộc nhóm B của một dòng siêu vi có tên là Arbovirus. Virut gây bệnh viêm não Nhật Bản-B sống trong thiên nhiên ở các loại chim như: bông lau, rẻ quạt, sẻ nhà, chích chòe, cò, sáo, quạ, cu gáy... muỗi chích hút máu chim nhiễm siêu vi rồi chích truyền bệnh sang người, chủ yếu là trẻ em và gia súc như lợn, bò, ngựa, dê, đặc biệt là lợn. 
Con đường duy nhất khiến lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản là do muỗi đốt.

Phương thức lây truyền

Khởi đầu từ các ổ chứa virus mà lợn là động vật đóng vai trò chính. Khi muỗi hút máu của lợn có chứa virus và sau đó đốt người sẽ truyền virus sang người. Đây là con đường duy nhất khiến lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản. Cho tới nay chưa thấy có sự lây truyền bệnh từ người sang người.

Cần lưu ý là: Sau khi bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản, lợn không bị bệnh, nhưng nguy hiểm ở chỗ nó trở thành kho chứa, duy trì virus trong thiên nhiên, đồng thời lại là nguồn cung ứng quan trọng nhất cho muỗi đưa virus viêm não Nhật Bản lây sang người.

Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh, nhưng chủ yếu vẫn là hai loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Hai loài muỗi này thường sống ở ruộng lúa nước và chập choạng tối sẽ bay đến nơi có người và súc vật sinh sống để hút máu.

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Nhiễm virut viêm não Nhật Bản thường không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 5-15 ngày. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt xuất hiện đột ngột, nhức đầu, dấu hiệu màng não (cứng gáy, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, mê sảng, vật vã, trẻ em có thể bị hôn mê).

Tỉ lệ tử vong của viêm não Nhật Bản khoảng 30%. Những bệnh nhân khỏi bệnh thì 1/3 để lại di chứng về thần kinh. Trong trường hợp bệnh nặng không có điều trị đặc hiệu nào. Ngược lại, vaccin phòng bệnh được khuyên dùng cho những người có nguy cơ cao.

Khi mắc bệnh, trẻ thường có hiện tượng sốt cao 39-40 độ C, xuất hiện những cơn co giật nửa người hoặc toàn thân theo kiểu động kinh nhiều lần trong ngày, mắt trợn ngược, thở khò khè, nhiều đờm nhớt, nôn mửa và mê man.

Trẻ có thể tử vong vì suy hô hấp, trụy tim mạch. Nếu được cứu chữa kịp thời và tích cực, trẻ có thể khỏi bệnh nhưng bị những di chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ như: bại liệt, cấm khẩu không nói được, mất trí nhớ, cử động dị thường ngoài ý muốn như run rẩy, uốn éo, lắc lư, gồng cứng người, động kinh...

Tỉ lệ trẻ viêm não Nhật bản bị di chứng khá cao: có đến 80% trẻ khỏi bệnh bị những di chứng thần kinh - tâm thần, có khi vĩnh viễn.

Hậu quả nặng nề

Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh để lại di chứng đặc biệt nặng nề. Bệnh gây tử vong cao (10-20%) hoặc di chứng thần kinh lớn như động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, thất ngôn. Các di chứng thần kinh như vậy thường chiếm hơn 50% người bị mắc bệnh, thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đến nay, viêm não Nhật Bản B cũng như nhiều bệnh khác do siêu vi gây ra là bệnh chưa có thuốc đặc trị. Điều trị chủ yếu là giảm bớt phần nào các  triệu chứng, cứu người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch do suy hô hấp, trụy tim mạch. Sau đó, điều trị những di chứng phục hồi vận động, tâm thần nhưng kết quả điều trị phục hồi này rất hạn chế.

Hướng xử trí

Nguyên tắc buộc phải tuân thủ là tất cả các bệnh nhân viêm não Nhật Bản đều phải được điều trị tại bệnh viện. Trong khi chờ đợi, trẻ sốt cao phải được uống thuốc hạ sốt như Paracetamon, liều 15mg/kg cân nặng/lần, tối đa uống 4 lần/ngày. Có thể phối hợp chườm khăn mát ở trán và bẹn, chú ý tuyệt đối không chườm đá lạnh.

Trẻ phải được đưa đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức nếu sốt cao quá 12 giờ liên tục hoặc có các dấu hiệu như nôn vọt, cứng gáy, rối loạn ý thức...

Phòng bệnh

Việc đưa trẻ tới bệnh viện và được xử lý kịp thời sẽ giảm thiểu tối đa các di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, nhưng nếu không thì khả năng tàn phế suốt đời là vô cùng lớn. Vì vậy, việc phòng bệnh sẽ là giải pháp tối ưu hơn cả.

Trước hết, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng đãng. Loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt, diệt bọ gậy để muỗi không có điều kiện sinh sôi. Nếu gia đình có khu vực chuồng trại chăn nuôi thì cần được vệ sinh thường xuyên. Khi ngủ phải nằm màn, ngoài ra cần phun thuốc diệt muỗi.

Nhưng biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm văcxin phòng viêm não Nhật Bản nhằm tạo miễn dịch chủ động. Liệu trình tiêm phòng cần đủ 3 liều: 2 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm. Văcxin viêm não Nhật Bản bắt đầu tiêm khi trẻ được 1 tuổi.

Các phản ứng nhẹ sau tiêm có thể là sưng đỏ tại chỗ, đau, sốt, nhức đầu. Các dấu hiệu này sẽ tự hết nhiều nhất sau vài ngày. Hầu như các phản ứng phụ nặng nề là rất hiếm gặp. Trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch trình vì nếu không hiệu lực của vắc xin, khả năng tạo miễn dịch của trẻ sẽ giảm, đôi khi còn mất tác dụng.

Mọi lý do tạm hoãn tiêm chủng đều phải có ý kiến của bác sĩ, thông thường chống chỉ định tiêm vắc xin khi trẻ sốt cao, loạn dưỡng nặng, đang bị tim mạch, thận, gan giai đoạn cấp tính, đang tiến triển, trẻ quá mẫn cảm hoặc dị ứng với vắc xin.

Huyền Trang

Bình luận
vtcnews.vn