Cần xử phạt mạnh người thả rùa tai đỏ để "cứu" hồ Gươm

Thời sựThứ Năm, 06/01/2011 12:13:00 +07:00

(VTC News) - Đồng ý với phương án diệt rùa tai đỏ của Sở KHCN, nhiều nhà khoa học còn đề xuất chế tài mạnh với những người thả rùa tai đỏ xuống hồ Gươm.

(VTC News) - Xung quanh hai phương án diệt rùa tai đỏ tại hồ Gươm để bảo vệ cụ Rùa mà Sở KHCN Hà Nội vừa đề xuất, nhiều nhà khoa học đã đồng tình và còn đề xuất cần có chế tài mạnh đối với những người thả loại sinh vật ngoại lai nguy hiểm này xuống hồ Gươm.

T
rao đổi với PV VTC News, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban phản biện xã hội - Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết ông đồng tình với hai phương án diệt rùa tai đỏ mà Sở KH-CN Hà Nội đề xuất.



Bên cạnh việc diệt rùa tai đỏ nhiều nhà KH còn cho rằng cần có chế tài xử phạt đối với những người thả loại rùa này xuống hồ. (Ảnh internet)

Tuy nhiên, ông Hòe cũng khuyến cáo, việc đặt bẫy phải tiến hành hết sức thật cẩn thận để không gây nguy hiểm và gây thương tích cho cụ rùa. Ông Hòe cho rằng có thể tiến hành biện pháp kéo lưới để vét rùa tai đỏ sau khi đã định vị vị trí cụ rùa trên hồ.

"Rùa tai đỏ thuộc loài thích phơi nắng và phàm ăn nên việc tìm cách bẫy chúng phải cần phải dựa vào những đặc tính này. Cùng với việc bẫy rùa tai đỏ, chúng ta cũng cần xử lý kịp thời những ổ trứng rùa tai đỏ bám ở ven bờ hoặc khu vực chân tháp Rùa để diệt tận gốc loài vật nguy hiểm này", ông Hòe nhấn mạnh.

Bên cạnh đó ông Hòe cũng đề xuất cần phải có biện pháp là cấm người dân thả rùa tai đỏ vào hồ: "Phải có chế tài xử phạt mạnh tay đối với những người buôn bán, mua rùa tai đỏ rồi thả vào các hồ nước".

PGS.TS Hà Đình Đức cũng đồng tình với các phương án đưa ra của Sở KHCN Hà Nội trong việc ứng cứu cụ rùa. Ông cho biết, bên cạnh việc bị rùa tai đỏ tấn công, nhiều năm qua cụ rùa còn bị thương do lưỡi câu của những người câu trộm gây ra. Tình trạng hiện nay của cụ rùa đã có vẻ yếu hơn mọi năm và cần sớm được đưa lên bờ cứu chữa.


Ông Đức nhấn mạnh, vào dịp 23 tháng chạp tới, nhất thiết phải có chế tài và phải cấm người dân phóng sinh rùa tai đỏ xuống hồ Gươm. "Không thể nhanh chóng diệt xong rùa tai đỏ nhưng TP Hà Nội phải nhanh chóng vào cuộc để xây dựng các chế tài này", PGS Hà Đình Đức đề xuất.

Còn ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban quản lý khu vực hồ Gươm cho biết, hiện vẫn chưa có chế tài cụ thể nên chưa thể xử lý đối với những người buôn bán, phóng sinh rùa tai đỏ xuống hồ. Chính vì vậy, ông cho rằng cần sớm có quy định để xử phạt những người có sở thích thả rùa tai đỏ xuống hồ gây hại cho môi trường khu vực trung tâm Thủ đô và làm hại cụ rùa Hồ Gươm.


Trước đó như VTC News đã đưa tin, Sở KHCN đã trình UBND Hà Nội hai biện pháp diệt rùa tai đỏ ở hồ Gươm. Đó là sử dụng lồng bằng nhựa hoặc inox có kích thước phù hợp, bên trong có thức ăn, đặt ở quanh tháp Rùa và đền Ngọc Sơn, để nhử rùa tai đỏ. Thứ hai là sử dụng bè nổi ở hồ Gươm để rùa tai đỏ bò lên, vì loại rùa này rất thích sưởi nắng, sau đó sẽ rung giật cho rùa này rơi xuống, ở dưới có lưới kéo lên, tiến hành thu gom.

Các nhà khoa học nghiên cứu rùa cũng đưa ra lời cảnh báo rằng không nên dùng thuốc vì hóa chất có thể làm thay đổi môi trường sinh thái và tiêu diệt ngay chính cụ rùa.


Rùa tai đỏ có tên khoa học là Trachemys Scripta có xuất xứ từ Bắc Mỹ và đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt kê vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng rùa tai đỏ còn có khả năng mang vi khuẩn salmonenlta có khả năng gây bệnh cho động vật và con người như bệnh thương hàn rất nguy hiểm.

Hiện nay, rùa tai đỏ không chỉ xuất hiện tại hồ Gươm mà đã có mặt tại nhiều hồ ở Hà Nội như: hồ trong chùa Một Cột, hồ trong khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám...

Quang Tùng

Bình luận
vtcnews.vn