Cần xử nghiêm việc đưa hình ảnh sai lệch về người dân tộc thiểu số

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 10/04/2020 09:17:16 +07:00

Hình ảnh người dân tộc thiểu số được sử dụng trong những bộ phim hài hay video quảng cáo nhưng nội dung phản ánh sai lệch, gây hiểu nhầm cho cộng đồng.

Nhìn từ toàn cảnh về hoạt động truyền thông, văn hóa trong thời gian qua có thể thấy, thông qua các phương tiện truyền thông, người dân đã có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, công cụ sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật…

Cần xử nghiêm việc đưa hình ảnh sai lệch về người dân tộc thiểu số - 1

Một đoạn trong video “Cổ vũ bóng đá theo phong cách anh Tộc và cái kết bê bết cả đời” được đăng tải trên Youtube

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có một số kênh truyền thông sử dụng hình ảnh người dân tộc thiểu số (DTTS) để đóng phim hài, mang nội dung định kiến dân tộc.

Lợi dụng tính thật thà, chất phác của người DTTS, ê kíp đã dựng lên hình ảnh người DTTS rất ngô nghê, nếu không nói là khờ dại.

Cụ thể như trên kênh Youtube có đăng tải video với tiêu đề “Anh Tộc đi mua sữa non gặp cô chủ thích tòm tem”. Trong nội dung của video, anh thanh niên mặc trang phục dân tộc đi xin sữa non từ một người phụ nữ đang nuôi con nhỏ cho con của mình do vợ không có sữa.

Mặc dù không quen biết người phụ nữ kia, nhưng vừa đến cửa nhà, mắt anh đã nhìn chằm chằm, dí sát vào ngực của người phụ nữ, khiến cô ta không hiểu có chuyện gì xảy ra.

“Anh đến nhà tôi làm gì, sao anh cứ dò mặt vào tôi thế? Cô gái hỏi. Không lời đáp lại, anh thanh niên này vẫn tiếp tục: “Thôi có khi cô cho tôi nhờ hai tí luôn đi”; rồi lại đề nghị, “cô để tôi vắt sữa cho”…

Tiếp tục trong video có tiêu đề “Cổ vũ bóng đá theo phong cách anh Tộc và cái kết bê bết cả đời” được đăng tải trên Youtube cho thấy, nhân vật đi xe máy chở 3 người không đội mũ bảo hiểm. Khi Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại để xử lý vi phạm thì nhân vật chính lại cãi nhau với cảnh sát với lý lẽ rất ngây ngô, không hiểu biết pháp luật.

“… Mình là A Pảo ở trên bản, mình không đội mũ bảo hiểm là có lý do của nó, vì mình có hai con vợ. Mình bị hai con vợ cắm sừng trên này này (chỉ tay trên đầu), cho nên mọc nhiều sừng lắm! Mọc sừng không đội mũ bảo hiểm được…”. 

Và cuối cùng, anh thanh niên cùng hai người phụ nữ cũng mặc trang phục DTTS đã bỏ lại xe, không chấp hành hình thức phạt tiền theo quy định của pháp luật. 

Hay tại một video phim quảng cáo đang được đăng tải trên Đài Truyền hình Việt Nam về nước tăng lực, đạo diễn đã sử dụng hình ảnh người DTTS làm chất liệu cho đoạn video của mình.

Trong quảng cáo bối cảnh quay là nhà rông của người Ba Na, nhưng diễn viên lại mặc áo của người Ê-đê. Trên thực tế, người Ê-đê không có nhà Rông mà chỉ có nhà dài…

Việc thiếu hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc cũng đã vô tình tạo định kiến, gây bức xúc trong dư luận, xã hội, thậm chí xúc phạm lòng tự tôn dân tộc của các DTTS. 

Còn nhớ, năm 2014, Đài Truyền hình Việt Nam bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt 15 triệu đồng do phát sóng chương trình bán kết Nhân tố bí ẩn (X-Factor) vì đã để xảy ra sai phạm trong sử dụng hình ảnh của người DTTS.

Cụ thể, Ban nhạc F-Band đã dùng khăn piêu đội đầu của đồng bào dân tộc Thái (biểu tượng văn hóa dân tộc Thái) để đóng khố cho các diễn viên chính trong tiết mục Mash up các ca khúc Tây Nguyên. 

Với cách hiểu sai lệch, dán nhãn, áp đặt như trên của một số kênh truyền thông thời gian qua cho thấy sự hiểu biết sai lệch về DTTS.  

Cần xử nghiêm việc đưa hình ảnh sai lệch về người dân tộc thiểu số - 2

Đồng bào DTTS huyện Tràng Định (Lạng Sơn) tìm hiểu thông tin trên Báo Dân tộc và Phát triển

Nhận định về vấn đề này, TS. Vũ Thị Thanh Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân tộc cho biết: Các nhà sản xuất sử dụng hình ảnh không đúng với truyền thống tốt đẹp của người DTTS, phản ánh sai lệch bản sắc văn hóa dân tộc… ảnh hướng lớn đến thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa đặc sắc của người DTTS nói riêng. 

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng quản lý về văn hóa thông tin cần có chế tài mạnh để răn đe những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm.

 

(Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)
Bình luận
vtcnews.vn