Cần thêm những “Tấm lưới nghĩa tình”

Tổng hợpThứ Sáu, 02/12/2011 02:51:00 +07:00

Những vụ chìm tàu, mất tích hay trở về với khoang tàu rỗng đã thường xuyên hơn; khó khăn đến từ thiên tai, địch họa cũng bộn bề hơn...

Biển bao la và lãng mạn, nhưng biển cũng ẩn chứa sự dữ dội và chết chóc. Ngư dân của chúng ta quá bé nhỏ, bôn ba trên những con tàu cũng thật nhỏ bé, ngư cụ đôi khi chỉ là những tấm lưới vá chằng vá đụp... Những vụ chìm tàu, mất tích hay trở về với khoang tàu rỗng đã thường xuyên hơn; khó khăn đến từ thiên tai, địch họa cũng bộn bề hơn... Đã có những ngư dân bán tàu với lời nguyền không bao giờ trở về với biển cả, dù cả mấy đời gắn bó với nghề đi biển…

 

 

Nhọc nhằn bám biển

 Hàng ngày, trên báo chí vẫn xuất hiện những tin, bài, phóng sự viết về cảnh đời cơ cực của những ngư dân mưu sinh trên biển suốt dọc hơn 3.000 cây số của “đất nước bên bờ sóng” Việt Nam. Đó là những câu chuyện đẫm nước mắt về hàng chục người đàn ông ra khơi đánh cá và không bao giờ trở về, để lại một làng phụ nữ trở thành góa bụa, cả một làng trẻ con rơi vào cảnh mồ côi ở Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Trong nhiều ngày, những giọt nước mắt đã chảy mặn hơn cả nước biển. Những cơn thịnh nộ của biển cả đã cướp đi biết bao người cha, người chồng, người anh em ở Thăng Bình (Quảng Nam) sau thảm họa mang tên Chanchu. Cảnh lìa xa, còn mất – đau đớn thay – không hề hiếm trong những gia đình ngư dân Việt.

 Việt Nam có thể nói là một “quốc gia biển”, với đường bờ biển trải dài trên 3.200km từ Bắc vào Nam, với 28 tỉnh, thành phố có biển, với gần 4 triệu lao động làm thủy sản, 1,3 triệu lao động thu nhập chính từ khai thác hải sản trên 130.000 tàu cá, ấy là chưa kể hàng triệu người khác làm hậu cần nghề cá... Ngư dân Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước. Không chỉ trực tiếp khai thác, hoạt động của ngư dân còn kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực khác như hậu cần nghề cá, chế biến thuỷ sản. Mỗi năm, Việt Nam cũng đang thu về hơn 4 tỉ USD từ xuất khẩu thuỷ sản. Mỗi ngày, có hơn 10.000 tàu cá mang cờ đỏ sao vàng hoạt động trên phạm vi 1 triệu km2 mặt biển. Sự có mặt của họ đang góp phần quan trọng trong việc thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.

Nhưng, những chuyến hải hành vốn đã quá nhiều khó khăn, mỗi ngày lại càng khó khăn hơn. Để bám biển, ngư dân Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Rất nhiều ngư dân đã bị tai nạn lao động nên nghề đi biển được coi là nghề rủi ro nhất trong các nghề làm kinh tế.

 

Và ngày 15.9 vừa qua, Nghiệp đoàn Nghề cá đầu tiên cả nước đã ra đời tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), sau đó không lâu là Nghiệp đoàn Nghề cá TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Sắp tới, việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá sẽ tiếp tục thực hiện ở tỉnh Phú Yên, Kiên Giang..., và tiến tới tất cả các tỉnh, thành phố có biển đảo sẽ triển khai việc này. Việc ra đời các nghiệp đoàn nghề cá có ý nghĩa vô cùng lớn, nhắm tới việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, để ngư dân hiểu rõ và tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước; giúp ngư dân tạo sức mạnh đoàn kết, liên kết với nhau cùng đánh bắt và tương trợ mỗi khi gặp sự cố trên biển.

Cùng thời điểm trên, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã phát lời kêu gọi cán bộ, công nhân viên chức lao động, bà con nông dân, học sinh - sinh viên và đoàn thể, doanh nghiệp cả nước giúp ngư dân vượt khó qua chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” bằng hình thức nhắn tin từ thiện qua cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia, với nội dung nhắn tin: nd (chữ cái viết tắt của ngư dân) gửi đến tổng đài 1407. Chương trình do Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động phối hợp với TCty Truyền thông đa phương tiện VTC thực hiện.

 Một miếng khi đói…

Đêm giao lưu “Tấm lưới nghĩa tình” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động phối hợp với Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) thực hiện vào 25/11 vừa qua nằm trong họat động kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp và nhắn tin ủng hộ, giúp ngư dân khắc phục khó khăn, yên tâm bám biển, làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC16 và nhiều kênh tiếp sóng khác của VTC cùng một số Đài địa phương. “Tấm lưới nghĩa tình” truyền tải nội dung bằng những phóng sự ngắn, những cuộc đối thoại với lãnh đạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam và đặc biệt là những ngư dân, những người ngày đêm bám biển đem lại nhiều lợi ích kinh tế và khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Thông qua lời ca, tiếng hát, phóng sự về những ngư dân đang ngày đêm bám biển và đặc biệt là phần giao lưu với các khách mời khán giả đã được biết nhiều hơn về nghề đánh bắt cá, về những vất vả, khó nhọc và cả những mất mát của ngư dân trên biển; đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò của ngư dân đối với sự phát triển kinh tế đất nước, trong lĩnh vực khai thác thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam...

Trong không gian ấm áp của Trường quay S4 đã có những giọt nước mắt cảm thông, xót xa lăn dài khi màn hình phát phóng sự với cái dòng tít ám ảnh: “Xóm không chồng”. Phóng sự là câu chuyện có thực ở xã Thăng Bình, (Quảng Nam), nơi hầu hết người dân theo nghề chài lưới, sau thảm họa bão Chanchu. Cả trường quay đã lặng đi, bàng hoàng, xúc động. Bởi trên màn hình là khuôn mặt đầm đìa nước mắt của một người đàn bà, trong một khoảnh khắc định mệnh đã liên tiếp nhận tin dữ về cái chết của cả cha, chồng, anh và em trai, trong đó chỉ có cha là tìm thấy xác, những người còn lại vĩnh viễn gửi thi thể trong lòng biển khơi - chị Võ Thị Phụng ở xã Bình Minh. Là khuôn mặt đau đớn tột cùng của một người đàn bà khác không bao giờ còn nhìn thấy chồng và con trai nữa - chị Nguyễn Thị Huệ. Đã 5 năm qua đi sau đại tang, chị Phụng vẫn thề không bao giờ cho đứa con còn lại đi biển, chị Huệ thì chỉ còn 2 cô con gái, giờ đây mong ước duy nhất là các con học thật giỏi, để thế hệ sau này không phải làm nghề biển...

Ngoài những khó khăn, nguy hiểm do thiên tai trên biển thì đói nghèo, bệnh tật và những sự cố, những tai nạn nghề nghiệp cũng đang đè nặng lên những đôi vai ngư dân. Anh Tiêu Viết Là ở Bình Châu, Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị mất cả 2 chiếc tàu ngoài biển do nhân họa (bị tàu lạ tấn công và tịch thu). Anh bảo, nhớ biển lắm nhưng không có phương tiện ra khơi, tiền cũng không còn nên dằn lòng quẩn quanh ven bờ đánh cá bằng chiếc thuyền thúng nhỏ, để nuôi gia đình qua ngày. Ở tỉnh Quảng Ngãi, mỗi năm có khoảng 400 tàu bị chìm do thiên tai và nhân họa như vậy.

 

Ông Võ Thiên Lăng (Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam) chia sẻ, hoạt động đánh bắt cá của ngư dân đang trên đà phát triển và đem lại kinh tế, nhưng ngư dân vẫn còn nhiều khó khăn, từ thiên tai cho đến sự đe doạ của các tàu lạ. Tuy nhiên, sau 5 năm, hoạt động của nghề cá Việt Nam cũng có nhiều khởi sắc. Hiện, Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có biển, với khoảng 4 triệu lao động trong ngành thủy sản. Trong đó, 1,3 triệu lao động thu nhập chính từ khai thác hải sản xa bờ, làm việc trên 130 nghìn tàu cá. Mỗi ngày có hơn 13.000 tàu cá mang cờ đỏ sao vàng hoạt động trên phạm vi 1 triệu km2 mặt biển, mang lại nguồn lợi thuỷ sản cho đất nước và cũng đồng thời khẳng định chủ quyền của tổ quốc. Để củng cố thêm hoạt động của nghề cá, nhiều tổ đội đoàn kết đã ra đời và phát triển thành nghiệp đoàn nghề cá, đánh dấu là sự ra đời hai nghiệp đoàn nghề cá tại Quảng Ngãi và Bình Thuận.

Chương trình cũng đã mời ngư dân tham gia giao lưu trực tiếp, đó là anh Mai Phụng Lưu – ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá An Hải – Lý Sơn – Quảng Ngãi, người được mệnh danh là “sói biển”, người đã từng 5 lần bị tàu nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản khi đang khai thác trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, 5 lần tan gia bại sản, nhưng vượt qua tất cả, “sói biển” vẫn vẫy vùng giữa mênh mông sóng Hoàng Sa.

Anh Lưu chia sẻ về những quãng thời gian đáng nhớ của mình với biển, về những địa danh thân thương nằm trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa như cù lao Ông già, Cồn Đá Lồi, đảo Phạm Quang Ảnh. Mặc dù bị bắt giữ, thua lỗ trong những lần ra khơi nhưng anh khẳng định mình sẽ không bao giờ rời biển. “Ước mơ đời người” của anh là một con tàu. Ước mơ đó đã hiện hữu nhưng đang “khuyết” đi hàng trăm triệu nữa, không biết bao giờ mới trả nổi khi mà nghề đi biển vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi may... Thật bất ngờ, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng - người cũng có mặt ở thời điểm giao lưu - đã tuyên bố trích 200 triệu đồng từ Quỹ “Tấm lưới nghĩa tình” ủng hộ Mai Phụng Lưu, giúp anh vượt qua khó khăn tiếp tục ra khơi. Không thể tả nổi niềm xúc động và hạnh phúc của chàng ngư dân gồ ghề được mệnh danh là “sói biển” này khi nhận phần quà từ tay vị chủ tịch.

 

Dựa vào nhau bám biển Ngư dân Phan Văn Hiếu tâm sự với chương trình rằng, trước đây ngư dân quê anh thường đi biển nhỏ lẻ, khi gặp sóng to gió lớn, tàu lạ tấn công không biết nương tựa vào đâu. Sau đó, ở Phan Thiết ra đời các tổ ngư dân đoàn kết chủ yếu do một nhóm ngư dân thường là trong cùng một gia đình lập ra. Đến khi có chủ trương thành lập nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân ở Bình Hưng, Phan Thiết đã hưởng ứng nhiệt tình.

Ngay tại buổi giao lưu, Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” đã nhận được sự ủng hộ của các đơn vị với số tiền là 1,69 tỉ đồng. Phát biểu tại đem giao lưu trực tiếp, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định: việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá sẽ hỗ trợ tối đa cho ngư dân, trong hoạt động đánh bắt thuỷ sản, cho nhiều ngư dân bị thu lưới, thu tàu… Trước mắt, các nghiệp đoàn sẽ giúp đỡ ngư dân của mình giải quyết những khó khăn, san sẻ phần nào rủi ro với ngư dân, đó cũng là mục tiêu lớn cho sự ra đời của nghiệp đoàn nghề cá.

Ngoài ra việc ra đời các nghiệp đoàn cũng tạo điều kiện để ngư dân Việt đoàn kết hơn trước những hiện tượng “tàu lạ”, chia sẻ nguồn cá, chia sẻ thông tin... Ngoài việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá (sẽ triển khai ở tất cả các địa phương có biển), chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” sẽ giúp ngư dân có lại tấm lưới khi bị mất, có lại con tàu khi bị đắm, có lại các phương tiện thông tin liên lạc cần thiết...

Biển cả mênh mông, khó lường nhưng nỗi đau của ngư dân thì rất thật, rất hiện hữu. Không năm nào không có tin dữ về đất liền. Giông tố bão bùng, những chiếc thuyền chông chênh, mưu sinh vốn không đầy đủ ngư cụ lại hay phải đương đầu với nhiều nguy hiểm nơi trùng khơi. Những ngư dân ngày đêm bám biển vừa đóng góp cho sự phồn thịnh của kinh tế đất nước vừa củng cố vững chắc biển đảo của tổ quốc, nhưng họ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Với tất cả tinh thần và ý nghĩa cao đẹp của chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”, VTC rất mong nhận được sự ủng hộ, chung tay góp sức của bạn đọc gần xa, từ giới doanh nghiệp đến các nhà hảo tâm để chương trình đạt được hiệu quả như mong muốn.


   Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn