Cẩn thận ngừng thở khi ngủ ngáy

Góc của nàngThứ Năm, 06/08/2015 04:42:00 +07:00

Ngáy có thể không ảnh hưởng gì đến bạn nhưng lại khiến người xung quanh thấy phiền phức. Cũng có thể bạn chưa biết rằng người ngáy to có khả năng mắc phải triệu chứng ngừng thở khi ngủ, rất nguy hiểm.

Có thể bạn chưa biết rằng người ngáy to có khả năng mắc phải triệu chứng ngừng thở khi ngủ, rất nguy hiểm.

"Tôi có tật ngủ ngáy từ vài năm nay. Gần đây tôi ngáy càng nhiều hơn và cảm thấy rất mệt mỏi khi thức dậy. Xin hỏi bác sĩ đây có phải là một dạng bệnh không? Có cách nào để điều trị dứt điểm tình trạng này?"

(Diệu Thúy, 35 tuổi, Sóc Trăng)

Ngủ ngáy là âm thanh được tạo ra do sự bế tắc đường hô hấp trên trong lúc ngủ. Nguyên nhân đưa đến tình trạng này có thể do:

- Mắc các bệnh lý về dị ứng

- Viêm nhiễm mãn tính đường hầu họng (viêm amidan..)

- Các bệnh lý về xoang mũi, tai mũi họng...

- Các bệnh lý bẩm sinh: Cấu tạo bất thường của cơ thể như hẹp vùng hầu họng, cuống lưỡi to, dài…

- Do cơ địa: béo phì, nghiện rượu, nghiện thuốc lá...

Cấp độ:

- Độ I: Ngáy ít, ngáy không to, nằm nghiêng thì hết ngáy.

- Độ II: Ngáy vừa, ngáy to hơn, nằm tư thế nào cũng ngáy.

- Độ III: Ngáy rất to ở mọi tư thế nằm ngủ, bệnh nhân thường giật mình, tỉnh giấc và mệt mỏi, trường hợp này có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng. 

Ngáy và hiện tượng ngừng thở khi ngủ

Hiện tượng ngừng thở gặp ở cả nam và nữ, thuộc mọi lứa tuổi, càng lớn tuổi càng hay gặp. Một nghiên cứu cho thấy ở những người từ 30-50 tuổi, cứ 100 người thì có 1 người bị tình trạng ngừng thở, thường là người béo phì hoặc ngáy to.

Ngừng thở biểu hiện bằng một loạt lần ngừng thở nối tiếp nhau, mỗi lần ngừng từ 20-30 giây trong lúc tim vẫn đập bình thường. Sau mỗi lần ngừng thở, người bệnh lại đột ngột thở lại ngay và bừng tỉnh dậy.

- Nếu bạn thường xuyên ngừng thở khi ngủ mà không chữa trị, có thể dẫn đến huyết áp cao, tăng nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Nếu ngưng thở nhiều hơn 10 giây và lặp lại nhiều lần trong đêm, bạn sẽ thường xuyên giật mình tỉnh giấc, dẫn đến giấc ngủ không sâu.

- Trào ngược dạ dày thực quản: Vì không khí khó lưu thông trong phổi, áp suất thay đổi có thể khiến a-xít trong dạ dày trào lên cuống họng khi bạn ngủ.

- Nồng độ ô-xy trong máu thấp: Nếu ngừng thở quá nhiều lần, chẳng hạn trên 30 lần trong 6 giờ, sẽ làm giảm lượng ôxy cung cấp cho máu. Điều này có thể làm tắc nghẽn mạch máu, gây tăng áp động mạch phổi.

- Người hay ngáy cũng thường xuyên bị đau đầu vào buổi sáng do sự thay đổi nồng độ ô-xy và carbon dioxide trong máu.

Để điều trị dứt điểm bệnh lý này, bạn phải được bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng khám và khảo sát thật kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân bệnh. 

BS.CK II Trần Minh Khuyên - Chuyên khoa Tâm thần kinh - Trị liệu Tâm lý, Giám định viên Pháp y Tâm thần

Bình luận
vtcnews.vn