Cần sớm hình sự hóa doanh nghiệp có vi phạm về đóng bảo hiểm

Kinh tếThứ Sáu, 12/10/2018 21:59:00 +07:00

Trước tình hình nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang gia tăng với chiều hướng ngày càng tinh vi, đại diện của nhiều đơn vị đồng loạt đề nghị cần sớm hình sự hóa những doanh nghiệp có hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm.

Vi phạm về bảo hiểm đang gia tăng nhanh

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Trần Văn Dũng, trong những năm gần đây, thực trạng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, phổ biến.

Việc này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người tham gia bảo hiểm mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thu hút đầu tư để phát triển kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tình hình vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp diễn ra rất phổ biến, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội và có xu thế tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả trực tiếp đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và sự phát triển lành mạnh, an toàn của người dân", ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, từ năm 2013 đến năm 2015, tổng số nợ BHXH tăng từ 6.257 tỷ đồng lên 7.061 tỷ đồng. Đến năm 2017, số nợ BHXH có giảm, nhưng vẫn ở mức 5.737 tỷ đồng.

tranvandungbhxh

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Trần Văn Dũng. (Ảnh: BHXH) 

Trong đó, số nợ khó thu hồi là 1.667 tỷ đồng; số nợ không thể thu hồi là 476 tỷ đồng. Nguyên nhân cho các khoản nợ này là do các doanh nghiệp đã và đang giải thể, phá sản, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn.

Đánh giá về hệ luỵ của các hành vi vi phạm đóng bảo hiểm, ông Hiểu cho rằng tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không chỉ làm cho người lao động không được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm, mà còn khiến cho người lao động mất niềm tin vào doanh nghiệp, không muốn cống hiến, gắn bó lâu dài, ảnh hưởng đến năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Hiểu cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên sự mâu thuẫn, xung đột giữa người lao động với chủ doanh nghiệp, phát sinh tình trạng ngừng việc tập thể, đình công tự phát gây bất ổn xã hội; không tạo được niềm tin để thúc đẩy, khuyến khích người lao động tích cực tham gia bảo hiểm.

Từ thực tiễn quá trình thanh tra, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho biết loại tội phạm về bảo hiểm ngày càng có dấu hiệu gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài các hành vi né tránh nghĩa vụ trích nộp bảo hiểm, nợ quỹ BHXH tái diễn, còn phát sinh nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật khác với tính chất tinh vi hơn.

nguyenthihongthambhxh

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng cần sớm xử lý các vi phạm về bảo hiểm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. (Ảnh: BHXH)

"Thời gian tới cần có các giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đúng thời gian, trình tự, thủ tục, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi cho người lao động”, bà Thắm nhận định.

Sớm hình sự hóa vi phạm về đóng bảo hiểm

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, những con số nợ bảo hiểm cho thấy tình hình vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ vi phạm đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS.

Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Trần Văn Dũng cũng cho rằng, hơn lúc nào hết, BLHS có hiệu lực sẽ ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng vi phạm chính sách bảo hiểm, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững của xã hội.

Thông tin về những dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Hồ Quang Hùng, Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) cho rằng, việc quy định các tội danh này là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm.

bhxh 3

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhận định những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH sẽ làm suy giảm niềm tin của người lao động vào tính nghiêm minh của pháp luật. (Ảnh: BHXH)

"Để làm được điều này cần dựa trên các dấu hiệu phạm tội cụ thể, phải có đủ các bằng chứng tội phạm trong lĩnh vực này cùng các chứng cứ khác để xác định trách nhiệm hình sự. Theo đó, hình thức của chứng cứ sẽ gồm: Vật chứng; tài liệu giấy tờ; lời khai người làm chứng; lời khai của bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản khám xét, khám nghiệm,...", ông Hùng cho biết.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng cần đẩy mạnh các biện pháp thực hiện công tác thu nợ, tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị nợ BHXH với thời gian kéo dài, số nợ lớn.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp nợ BHXH cần phải thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; cảnh báo, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm.

BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm 4 tội danh liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm gồm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận BHYT (Điều 215); Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động (Điều 216).

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn