Cần phải có quy định bắt buộc người dân đưa con đi tiêm vắc xin

Sức khỏeThứ Sáu, 14/07/2017 17:00:00 +07:00

Liên quan đến tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát do nhiều bà mẹ đang theo xu hướng anti vắc xin và không đưa con đi tiêm chủng, bác sĩ Trần Văn Phúc (BVĐK Xanh Pôn) cho biết, cần phải có một chế tài đủ mạnh để bắt buộc người dân đưa con đi tiêm vắc xin, như vậy mới giải quyết được vấn đề này.

Trào lưu anti vắc xin của một bộ phận các bà mẹ đã dấy lên sự nghi hoặc của nhiều người về tác dụng của vắc xin cũng như những biến chứng mà nó đem lại cho con trẻ.

Lo sợ tai biến kèm những thông tin thiếu chính xác về tác dụng của vắc xin đã khiến rất nhiều ông bố bà mẹ đã không cho con đi tiêm chủng các loại bệnh dịch từ khi mới sinh ra. Hậu quả của việc không tiêm vắc xin đó là hàng loạt bệnh dịch tưởng chừng đã được thanh toán bằng vắc xin đã được quay trở lại.

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2017 đã xuất hiện 266 ca ho gà với 3 trường hợp tử vong, tăng 186% so với năm 2016. Viêm não virus ghi nhận 367 ca mắc bệnh, trong đó có 10 ca tử vong, tăng gần 1% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng viêm não Nhật Bản là 62 ca, một ca tử vong.

viemnao-objq-20150803170158916

Trẻ đang được điều trị viêm não Nhật Bản tại bệnh viện. 

Đặc biệt phải kể đến dịch sởi bùng phát trở lại năm 2014, khiến 150 trẻ tử vong, trong đó 90% trẻ đều không được tiêm vắc xin.

Không chỉ ho gà mà viêm não virus, viêm não Nhật Bản cũng đang là mối lo ngại của ngành y tế. Theo thống kê riêng tại BV Nhi TƯ, từ đầu năm đến nay, BV đã điều trị khoảng 200 ca ho gà, 176 ca viêm não, trong đó có 30 ca viêm não Nhật Bản. 

Nhiều trẻ bị viêm não phải nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch như sốt cao, nôn mửa, cứng gáy, thậm chí có trẻ còn hôn mê. Điều đáng nói là hầu hết các trẻ này đều không được tiêm phòng vắc xin.

Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết: “Hầu như các cháu đó đều có bố mẹ là những người có trình độ ở các thành phố lớn nhưng họ lại không đưa trẻ đi tiêm vì sợ những tai biến do vắc xin”.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã có những chia sẻ: “Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ nghiêm túc về giải pháp để giải quyết vấn đề này, bằng cách có thể áp dụng một số mô hình trên thế giới.

Ví dụ, dịch sởi ở Mỹ khiến cho 1.300 trẻ em chết khiến người Mỹ hết sức lo sợ. Người ta quy định rằng, đồng ý cho người dân không đưa con đi tiêm chủng vì các lý do cá nhân, niềm tin tôn giáo, tuy nhiên, đứa trẻ đó sẽ không được đến các trường học công, các nơi có hoạt động công cộng như phòng thể thao, phòng tập luyện.

Các bậc phụ huynh nếu không cho con đi tiêm thì phải tự nguyện cho con ở nhà và cách ly với cộng đồng để tránh lây nhiễm cho những đứa trẻ khác. Chính vì người Mỹ làm như vậy mà đến giờ phút này, tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ vẫn đạt được trên 90%.

Câu chuyện thứ 2 là ở Úc. Sau khi xuất hiện trường hợp 12 trẻ tử vong do bệnh ho gà, Úc đã đưa ra quy định: Nếu như trẻ dưới 5 tuổi không tiêm chủng thì sẽ không được đến nhà trẻ, đồng thời chính phủ sẽ cắt 15.000 USD tiền tài trợ cho đứa trẻ đó trong 1 năm. Điều đó dẫn đến việc các phụ huynh bắt buộc phải đưa con đi tiêm chủng.

Video: Không tiêm vắc xin, nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại

Như trường hợp của Ý, vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, Luật pháp sẽ áp dụng quy định bắt buộc tiêm chủng 12 loại vắc xin. Tại một số Quốc gia Châu Âu khác, các quy định về tiêm chủng vắc xin cũng đã được soạn thảo, chuẩn bị trong thời gian qua, do vậy, Việt Nam không thể làm ngơ trước điều này.

Chúng ta không thể chỉ vận động không. Nếu chỉ vận động không thì sẽ có rất nhiều người chống lại, và chỉ cần tỷ lệ là chục phần trăm những người không tiêm chủng cho con là đủ để hủy hoại cả một cộng đồng.

Do vậy, giải pháp ở đây là chúng ta phải có một chế tài đủ mạnh về mặt pháp luật để ngay lập tức thực hiện phương án giải quyết đó.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn