Cần nghiêm trị những kẻ cản trở, hành hung nhà báo

Thời sựThứ Ba, 27/04/2010 01:13:00 +07:00

(VTC News) - Những kẻ côn đồ không ngần ngại tấn công cả nhà báo, hay chiếm đoạt luôn cả phương tiện hành nghề; trấn áp thu giữ máy ảnh, máy vi tính...

(VTC News) - Không chỉ cản trở việc hành nghề hợp pháp của nhà báo, những kẻ côn đồ không ngần ngại tấn công, thậm chí chiếm đoạt luôn cả phương tiện hành nghề của phóng viên; trấn áp thu giữ máy ảnh, máy vi tính; xóa dữ liệu trong máy… Dễ thấy tính chất phức tạp và hậu quả của các vụ việc cản trở, hành hung nhà báo đã đến mức báo động.


Tại hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp" diễn ra c
hiều ngày 26/4, do báo điện tử Congluan.vn của Hội Nhà Báo Việt Nam tổ chức, nhiều cơ quan báo đài, các cơ quan chức năng có liên quan và cả những nhà báo đã trực tiếp bị những kẻ côn đồ hành hung đã có mặt để chia sẻ, đóng góp nhằm tìm ra những giải pháp chặn đứng tình trạng này, đồng thời đề xuất xây dựng một cơ chế pháp lý hoàn thiện để bảo vệ những người chiến sĩ trên mặt trận công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước.

Nhà báo Trần Đức Chính: “Vấn đề nhà báo bị hành hung, cản trở đã ở mức báo động và chúng ta không thể coi nhẹ điều này được nữa".

Theo báo cáo thống kê liên quan đến việc bảo vệ quyền hành nghề của hội viên (từ 2006 đến hết quí I năm 2010) của Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho thấy, tổng cộng đã có tới 18 vụ cản trở và hành hung nhà báo, trong đó có 13 vụ hành hung và đã có 4 vụ được khởi tố.

Nhà báo Trần Đức Chính, Tổng biên tập báo điện tử Congluan.vn nhấn mạnh: “Vấn đề nhà báo bị hành hung, cản trở đã ở mức báo động và chúng ta không thể coi nhẹ điều này được nữa. Đặc biệt, những vụ việc hành hung nói trên đều có biểu hiện là đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo đang tác nghiệp mà vẫn tấn công. Thậm chí, ở trường hợp nhà báo Trần Thế Dũng ( báo Người lao động), đương sự còn đưa nạn nhân đến đồn công an rồi mới bỏ đi, tính chất thách thức kỷ cương phép nước, thách thức ý chí chống tiêu cực của nhà báo".


Nhà báo Phan Hồng Kỳ: "Kịp thời khởi tố và đưa ra xét xử các đối tượng cản trở hành hung nhà báo..."

Đại diện cùa báo Người lao động, nhà báo Phan Hồng Kỳ cũng bày tỏ bức xúc khi thể hiện rõ quan điểm: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần kịp thời khởi tố và đưa ra xét xử các đối tượng cố tình cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo như vụ cản trở hành hung PV Trần Thế Dũng tác nghiệp chống buôn lậu. Đồng thời, cần phải tiến hành rà soát và sửa đổi các qui định liên quan của luật pháp để khẳng định rõ nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật là một hoạt động công vụ. Và phải có biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương trong việc đảm bảo cho quyền hành nghề đúng pháp luật của nhà báo".

Nhà báo Hoàng Dưỡng, nguyên trưởng đài PTTH huyện Buôn Đôn – Đắk Lắk, người đã từng bị những kẻ phá rừng Tây Nguyên cách đây hai năm chặn đánh giữa đường, do anh đã “dám bỏ qua” lời đề nghị bằng tiền của chúng để phanh phui sự thật bảo vệ lá chắn rừng phía Tây của Tổ quốc. Vụ việc của anh Dưỡng đã được đem ra xét xử nhưng cho đến nay những kẻ thủ ác hành hung nhà báo vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Anh Dưỡng kêu gọi Hội Nhà Báo và các cơ quan Pháp luật hãy cùng giúp đỡ anh để bảo vệ lẽ phải. Anh Dưỡng sẽ quyết tâm đi đến cùng cho đến khi vụ việc được đưa ra ánh sáng.

Với tư cách là một Luật sư luôn đứng ra bảo vệ những nhà báo bị cản trở hành hung khi tác nghiệp, ông Trần Đình Triển đã nêu rõ những lỗ hổng còn thiếu sót trong Luật báo chí. Ông cho rằng cần phải làm rõ, hoạt động của báo chí  là nhiệm vụ do Nhà nước ủy quyền, tác nghiệp của nhà báo là một hoạt động công vụ, do vậy cản trở hành hung nhà báo khi đang tác nghiệp đúng pháp luật là chống người thi hành công vụ.

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng cân phải bổ xung và hoàn thiện ngay các văn bản luật để bảo vệ nhà báo.

Trong buổi hội thảo, các đại diện của các cơ quan Văn phòng Quốc hội; Thanh tra báo chí – xuất bản thuộc Bộ Thông tin và truyền thông; Ban Tuyên Giáo Trung ương… đều nhất trí, bảo vệ nhà báo khi đang tác nghiệp đã và đang là một vấn đề vô cùng bức thiết. Xây dựng một hệ thống luật báo chí  bổ xung hoàn chỉnh cần phải được làm ngay và sớm được Quốc hội thông qua. Xử lý nghiêm minh những trường hợp coi thường pháp luật và coi thường kỷ cương phép nước đối với những kẻ côn đồ hành hung cản trở nhà báo khi đang tác nghiệp.

VTC News xin đăng tải một số hình ảnh nhà báo bị cản trở và hành hung khi đang tác nghiệp:

 




Dương Lãng Hoàng

Bình luận
vtcnews.vn